Đòn bẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng trung du, miền núi Bắc Bộ

Cùng với việc tập trung xây dựng hệ thống chính trị như đã đề cập trong bài 4 của chùm bài, Nghị quyết số 11-NQ/TW là chủ trương rất quan trọng để tạo đột phá cho vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.

Bài cuối: Ý Đảng hợp lòng dân, đưa nghị quyết vào cuộc sống

Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị ra đời trong bối cảnh tình hình mới, được Chính phủ cụ thể hóa thành Chương trình hành động rõ ràng, chi tiết, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ vùng trung du và miền núi Bắc Bộ phát triển kinh tế-xã hội, đời sống người dân ngày một nâng lên. Đảng, chính quyền và nhân dân các tỉnh trung du và miền núi Bắc Bộ quyết tâm, đồng lòng và tận dụng tốt cơ hội để phát triển vùng “địa đầu,” “phên dậu” của Tổ quốc.

Phát huy truyền thống cách mạng

Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 diễn ra ngày 15/4/2022, trong bài phát biểu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, Nghị quyết có nhiều nội dung thể hiện rất rõ tinh thần đổi mới, quyết tâm rất cao của Đảng, tạo sự chuyển biến có tính đột phá trong phát triển vùng trung du và miền núi Bắc Bộ - nơi "địa đầu," "phên dậu," "lá phổi" của Tổ quốc; là vùng đất có bề dày lịch sử với nhiều di sản văn hóa đặc sắc, nhất là của đồng bào các dân tộc thiểu số; có truyền thống cách mạng vẻ vang; là "cội nguồn dân tộc"; và "cái nôi của cách mạng Việt Nam";... Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các tỉnh trong vùng luôn có truyền thống yêu nước, đoàn kết, thống nhất và có ý chí, quyết tâm cao.

Thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tại tỉnh Yên Bái, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc luôn đoàn kết, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, quyết liệt trong hành động, sáng tạo, linh hoạt trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy cho biết: Để hiện thực hóa mục tiêu đưa Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng "xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc,” trở thành tỉnh khá vào năm 2025 và nằm trong nhóm các tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ vào năm 2030. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên trong toàn tỉnh luôn được chú trọng và đi trước một bước, tạo sự thống nhất và đồng thuận cao trong hành động.

Ông Trần Huy Tuấn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Yên Bái cho biết: Chính quyền các cấp đã và đang chủ động, sáng tạo trong hành động, với phương châm "Đổi mới, sáng tạo, tăng tốc, kỷ cương, hiệu quả." Yên Bái đẩy mạnh 3 khâu đột phá chiến lược, tích cực thu hút đầu tư, thúc đẩy khởi nghiệp; thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững; phấn đấu cơ bản về đích sớm các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh đề ra. Đồng thời, tỉnh khẩn trương, quyết liệt triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; quan tâm làm tốt công tác an sinh xã hội gắn với quản lý xã hội an toàn, lành mạnh; hoàn thành kế hoạch giảm nghèo, nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân.

[Phát triển vùng trung du, miền núi Bắc Bộ xanh, bền vững và toàn diện]

Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh, nền kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng khá, tốc độ tăng tổng sản phẩm bình quân đạt trên 9% mỗi năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ tăng nhanh; xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực, là điểm sáng trong các tỉnh khu vực Tây Bắc; giảm nghèo nhanh và bền vững. Cùng với đó, lĩnh vực văn hóa-xã hội có nhiều tiến bộ; quốc phòng, an ninh được giữ vững.

Mô hình nuôi trâu vỗ béo tiêu biểu của gia đình ông Hoàng Văn Liêm tại xã Xuân Lai, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. (Ảnh: Tiến Khánh/TTXVN)

Cùng với các tỉnh trong khu vực Tây Bắc, Yên Bái hôm nay đang đứng trước những thời cơ, vận hội phát triển mới. Với tư duy và tầm nhìn mới, kế thừa những thành tựu to lớn đã đạt được, phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, cùng tinh thần đoàn kết, niềm tin và ý chí khát vọng vươn lên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, đưa Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc.”

Để nghị quyết đi vào cuộc sống

Tuyên Quang là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng và là nơi khắc ghi sâu đậm hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc trong cách mạng Tháng Tám và kháng chiến chống thực dân Pháp.

Để đưa nghị quyết vào cuộc sống, đặc biệt xây dựng Tuyên Quang trở thành trung tâm sản xuất chế biến gỗ vùng trung du và miền núi Bắc Bộ theo tinh thần Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn cho biết, thời gian tới, tỉnh Tuyên Quang tập trung lãnh đạo và triển khai một số giải pháp trọng tâm. Đó là tổ chức phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện sâu rộng, hiệu quả Nghị quyết số 11-NQ/TW đến các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội từ tỉnh đến cơ sở, toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân; xây dựng, ban hành chương trình hành động, các kế hoạch, đề án để tổ chức thực hiện hiệu quả nghị quyết.

Song song với đó, tỉnh Tuyên Quang tập trung thực hiện 3 khâu đột phá: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới; phát huy tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, theo hướng hiện đại.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng, Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là chủ trương rất quan trọng, thể hiện trách nhiệm của toàn Đảng và cả nước đối với đồng bào các dân tộc vùng trung du, miền núi Bắc Bộ, trong đó có tỉnh Lai Châu. Đây sẽ là cơ hội để tỉnh Lai Châu phát huy mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh để thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, sớm thu hẹp khoảng cách với các tỉnh trong vùng và cả nước.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả nghị quyết, tỉnh Lai Châu đã rà soát và đề xuất với Trung ương một số cơ chế, chính sách ưu đãi, đặc thù với vùng như ban hành các chính sách đặc thù về sắp xếp, bố trí dân cư trên tuyến biên giới, đầu tư xây dựng các công trình trên biên giới, nhất là các công trình kè bảo vệ bờ sông, suối, đường tuần tra, đường ra biên giới... phục vụ công tác quản lý, bảo vệ biên giới theo hướng ưu tiên bố trí vốn từ ngân sách Trung ương ngoài kế hoạch đầu tư trung hạn.

Đời sống của người dân ở xã Nậm Khao, huyện biên giới Mường Tè (Lai Châu) ngày được cải thiện, gìn giữ văn hoá truyền thống dân tộc Cống. (Ảnh: Việt Hoàng/TTXVN)

Ban hành Đề án thí điểm nuôi trồng dược liệu dưới tán rừng phòng hộ và rừng đặc dụng; Đề án phát triển cây Sâm Việt Nam, trong đó có Sâm Lai Châu; Đề án phát triển du lịch gắn với vùng sinh thái rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; ban hành cơ chế, chính sách phát triển ngành công nghiệp chế biến sâu đất hiếm tại các tỉnh Lai Châu và Lào Cai; ban hành chính sách đặc thù thu hút người có trình độ lên công tác tại địa bàn biên giới, miền núi...

Trong bài phát biểu tại Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW diễn ra ngày 15/4/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Bộ Chính trị lần này, tạo bước chuyển biến mới, có tính đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ; cùng với cả nước tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, nỗ lực phấn đấu, tạo chuyển biến có tính đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trong thời kỳ mới, theo tinh thần cả nước vì trung du và miền núi Bắc Bộ, trung du và miền núi Bắc Bộ vượt khó vươn lên cùng cả nước và vì cả nước./.

Bài 1: Trung du, miền núi Bắc Bộ: "Lá phổi xanh" của Tổ quốc

Bài 2: Vùng trung du, miền núi Bắc Bộ đột phá từ hạ tầng giao thông

Bài 3: Nâng cao đời sống người dân, xóa "vùng lõi nghèo" của cả nước

Nhóm phóng viên TTXVN (TTXVN/Vietnam+)