Đội tuyển Việt Nam ‘thu hoạch’ được những gì sau loạt trận giao hữu?
Huấn luyện viên Troussier đã nhận đủ những lời khen-chê sau hai trận giao hữu của Đội tuyển Việt Nam. Bên cạnh những tín hiệu tích cực, vẫn còn những "lỗ hổng" chờ chiến lược gia người Pháp khắc phục.
"Triều đại" của tân huấn luyện viên Philippe Troussier tại Đội tuyển Việt Nam đã có màn khởi đầu thuận lợi với hai chiến thắng có cùng tỷ số 1-0 ở hai trận giao hữu quốc tế trước các đối thủ Hong Kong (Trung Quốc) và Syria.
Đặc biệt, trong trận đấu với đối thủ được đánh giá ở "cửa trên" là Syria (xếp trên Việt Nam 5 bậc ở Bảng xếp hạng FIFA), đoàn quân của huấn luyện viên Troussier đã có màn lột xác ấn tượng so với trận đấu gặp Hong Kong (Trung Quốc) và thi đấu lấn lướt so với đại điện đến từ Tây Á.
Về mặt kết quả, Đội tuyển Việt Nam đã có bước chạy đà hoàn hảo với vị thuyền trưởng mới. Tuy nhiên, như lời khẳng định của huấn luyện viên Troussier (sau trận đấu với Syria) thì cách đội bóng giành chiến thắng mới là điều ông quan tâm sau mỗi trận đấu. Nhìn lại lối chơi của các "chiến binh sao Vàng" sau hai trận đấu đã qua, chiến lược gia người Pháp thừa nhận vẫn còn nhiều việc phải làm trong thời gian sắp tới.
Hàng thủ còn nhiều nỗi lo
Trong trận giao hữu đầu tiên với Hong Kong (Trung Quốc), hàng phòng ngự của Đội tuyển Việt Nam chưa mang đến sự yên tâm cho người hâm mộ, đặc biệt là những lỗi cá nhân của các hậu vệ xuất hiện tương đối nhiều.
Theo bình luận viên Quang Huy, những khác biệt trong triết lý bóng đá là nguyên nhân gây ra những 'sai số' trong hệ thống phòng ngự của những "Chiến binh sao Vàng" ở thời điểm hiện tại.
[Khi ông Philippe Troussier cô độc và thời gian không đợi một ai]
"Khác với giai đoạn huấn luyện viên Park Hang-seo còn cầm quân, triết lý của ông Troussier yêu cầu toàn đội dâng cao hơn để cùng tham gia vào khâu kiểm soát bóng, do đó khoảng trống sau lưng hàng phòng ngự sẽ bị khai thác nhiều hơn. Vì vậy nên dù vẫn là những con người cũ, hàng thủ của Đội tuyển khó tránh khỏi những 'lệch lạc' trong giai đoạn xây dựng lối chơi mới. Tuy nhiên, đây không phải vấn đề có thể giải quyết trong một sớm một chiều và các cầu thủ cần thêm thời gian để 'bắt nhịp' với phong cách của ông Troussier," bình luận viên Quang Huy nhận định.
Ở trận đấu sau đó với Đội tuyển Syria, hàng phòng ngự của Đội tuyển Việt Nam không phải chịu quá nhiều áp lực. Thủ môn Đặng Văn Lâm chỉ thực sự phải "động tay" trong khoảng 20 phút cuối trận - khi Syria nỗ lực tìm bàn gỡ với những pha tạt bóng liên tiếp.
Theo chuyên gia Phan Anh Tú, những thay đổi nhân sự của ông Troussier đã giúp lối chơi của Đội tuyển Việt Nam nhuần nhuyễn hơn, qua đó phần nào giảm tải áp lực cho hàng thủ trong trận đấu với Syria.
"Sau trận đầu tiên còn 'bỡ ngỡ,' các cầu thủ Việt Nam - đặc biệt tuyến phòng ngự - đã rút ra những kinh nghiệm, qua đó phần nào giảm bớt những nguy cơ từ các pha phản công của đối thủ đến từ Tây Á," nguyên Tổng thư ký Liên đoàn bóng đá Việt Nam nhận định.
Với những trận đấu mang tính chất giao hữu không quá quyết liệt trước những đối thủ ngang tầm, sự "hớ hênh" của hàng phòng ngự Việt Nam chưa để lại hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên khi trước mắt là Vòng loại World Cup 2026 (lễ bốc thăm chia bảng khu vực châu Á sẽ được tổ chức vào tháng 7 tới), huấn luyện viên Troussier cần nhanh chóng tìm ra giải pháp "siết chặt" tuyến dưới của Đội tuyển Việt Nam, để tránh phải nhận "quả đắng" ở những trận đấu quan trọng.
Đã tìm được những "mảnh ghép" phù hợp?
So với trận đấu gặp Hong Kong (Trung Quốc), tuyển Việt Nam đã thi đấu "kết dính" và triển khai bóng mạch lạc nhiều hơn ở trận đấu với Syria. Theo chuyên gia Phan Anh Tú, huấn luyện viên Troussier đã kết hợp yếu tố kinh nghiệm của những "cựu binh" với sự nhiệt yếu của những cầu thủ trẻ để giúp những pha phối hợp của tuyển Việt Nam trở nên hài hòa và nhịp nhàng hơn.
"Trong trận đấu gặp Hong Kong, tuyển Việt Nam đã kiểm soát bóng và thực hiện nhiều pha phối hợp nhỏ để gây sức ép lên đối phương, tuy nhiên các miếng đánh trong khu vực 20m trước cầu môn đối phương vẫn còn khá chuệch choạc. Tuy ở trận đấu gặp Syria, các phương án tấn công đã được cải thiện và đa dạng hơn, nhưng chất lượng của những đường chuyền cuối cùng và khả năng dứt điểm của các cầu thủ vẫn là một vấn đề cần thêm nhiều thời gian để cải thiện," nguyên Tổng thư ký Liên đoàn bóng đá Việt Nam nhận định.
Để Đội tuyển Việt Nam có được sự nhịp nhàng trong lối chơi, không thể không nhắc đến vai trò của bộ đôi tiền vệ Nguyễn Tuấn Anh và Nguyễn Thái Sơn. "Trong đó, Thái Sơn như một 'điểm tựa' tinh thần, giúp người đàn anh thoải mái về mặt tâm lý để triển khai những đường bóng sáng tạo," chuyên gia Phan Anh Tú dành lời khen cho tiền vệ trẻ đang thi đấu cho câu lạc bộ Đông Á Thanh Hóa.
Được xếp thay Hoàng Đức ở trận đấu với Syria, tiền vệ Nguyễn Thái Sơn không hề bị "ngợp" trong trận ra mắt Đội tuyển Quốc gia. Đá cặp với đàn anh Tuấn Anh dày dặn kinh nghiệm, tiền vệ 19 tuổi 'ghi điểm' với phong cách thi đấu xông xáo, tích cực di chuyển và hoạt động không biết mệt mỏi để hỗ trợ tấn công và phòng ngự. Cũng chính Thái Sơn là cầu thủ chuyền bóng để Tuấn Hải ghi bàn thắng duy nhất của trận đấu, mang về thắng lợi cho đoàn quân của ông Troussier.
Thi đấu bên cạnh Thái Sơn là Nguyễn Tuấn Anh - tiền vệ trung tâm duy nhất được ra sân ngay từ đầu ở cả hai trận đấu vừa qua. Đáp lại niềm tin của chiến lược gia người Pháp, tiền vệ quê Thái Bình đã thi đấu hiệu quả trong vai trò cầm nhịp trận đấu. Bên cạnh những pha xử lý bình tĩnh, di chuyển hợp lý để tìm khoảng trống mở ra cơ hội cho các đồng đội, Tuấn Anh còn hoàn thành nhiệm vụ phòng ngự khi tích cực tham gia tranh chấp, giành lại quyền kiểm soát bóng cho Đội tuyển Việt Nam.
Trong hai trận giao hữu vừa qua, huấn luyện viên Troussier đã trao cơ hội "thử lửa" cho nhiều cầu thủ trẻ, nổi bật là Trương Tiến Anh, Khuất Văn Khang, Nguyễn Thái Sơn, Nguyễn Văn Tùng và Đinh Thanh Bình. Trong đó, Thái Sơn, Văn Khang và Văn Tùng là những cái tên đã góp công trong hành trình giành huy chương Đồng của Đội tuyển U22 Việt Nam tại SEA Games 32 vừa qua. Nhóm cầu thủ trẻ này đã phần nào ghi dấu ấn trong hai lượt trận giao hữu vừa qua của Đội tuyển Việt Nam.
Sau loạt trận giao hữu quốc tế, huấn luyện viên Troussier chia sẻ ông mong muốn các cầu thủ Việt Nam, đặc biệt là những cầu thủ trẻ, sẽ được ra sân thường xuyên tại V-League 2023 nhằm duy trì phong độ. Chiến lược gia người Pháp cũng cho biết, ông sẽ tăng cường trao đổi thông tin với các huấn luyện viên ở cấp câu lạc bộ để "sàng lọc" ra những cái tên chất lượng nhất nhằm tăng thêm chiều sâu cho chất lượng đội hình, giúp Đội tuyển Việt Nam có thêm nhiều phương án chiến thuật đa dạng để phục vụ mục tiêu chinh chiến ở những giải đấu trong tương lai./.