Đối tác không giao hàng, doanh nghiệp điều lo đứt gãy chuỗi cung ứng
Các doanh nghiệp chế biến điều Việt Nam đang lo ngại đứt gãy chuỗi cung ứng khi thời gian gần đây nhiều đối tác khu vực Tây Phi không giao hoặc chậm giao điều thô nguyên liệu.
Chế biến và xuất khẩu điều những tháng đầu năm 2024 diễn ra khá thuận lợi, tuy nhiên các doanh nghiệp chế biến điều Việt Nam đang lo ngại đứt gãy chuỗi cung ứng khi thời gian gần đây nhiều đối tác khu vực Tây Phi không giao hoặc chậm giao điều thô nguyên liệu.
Đây là thông tin được Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) chia sẻ tại buổi gặp gỡ cung cấp thông tin báo chí chiều tối 31/5.
Theo ông Nguyễn Minh Họa, Phó Chủ tịch Vinacas, nhiều năm qua, Việt Nam giữ vững vị thế nước xuất khẩu điều hàng đầu thế giới. Tính đến hết tháng 5/2024, kim ngạch xuất khẩu điều đạt 1,55 tỷ USD, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Tuy nhiên, gần đây sau khi Hội đồng Hạt và Quả khô quốc tế (INC) công bố thông tin sản lượng điều thô ở châu Phi giảm sút khoảng 7% do ảnh hưởng bất lợi của thời tiết, một số nhà cung ứng nguyên liệu cho doanh nghiệp chế biến Việt Nam lấy lý do mất mùa để không giao hàng hoặc yêu cầu tăng giá mới giao.
Theo ông Nguyễn Minh Họa, thời điểm các doanh nghiệp Việt Nam ký hợp đồng mua nguyên liệu (nửa cuối tháng 2 và tháng 3/2024), giá điều nguyên liệu ở mức 1.000-1.100 USD/tấn.
Tuy nhiên, chỉ trong vòng hơn 1 tháng, giá điều thô đã được đẩy lên tới 1.500-1.600 USD/tấn, tăng gần 50% so với trước.
Trong khi đó, thông thường sau khi ký được hợp đồng mua nguyên liệu, doanh nghiệp chế biến cũng đã ký kết đơn hàng bán điều nhân dựa trên cân đối giá điều thô.
Với mức tăng giá như hiện nay, doanh nghiệp chế biến không thể cân đối giá bán và phải chịu thua lỗ lớn.
Vấn đề ở chỗ, Việt Nam là nước chế biến, xuất khẩu điều nhân hàng đầu thế giới; năng lực chế biến mỗi năm khoảng 3,5-4 triệu tấn điều thô nhưng nguồn cung trong nước chỉ mới đáp ứng được khoảng 10%, còn lại phụ thuộc vào nhập khẩu.
Đặc biệt, lượng điều thô nhập khẩu từ khu vực Tây Phi chiếm đến 70% tổng lượng điều thô nhập khẩu. Do đó, nếu tính trạng bẻ kèo, làm giá như hiện nay kéo dài, nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu chế biến sẽ hiện hữu trong nửa cuối quý 3, quý 4 năm nay và ảnh hưởng đến cả quý 1 năm 2025.
Đáng chú ý, khi doanh nghiệp Việt Nam thiếu nguyên liệu chế biến thì nguồn cung điều nhân xuất khẩu ra thế giới cũng sẽ bị đứt gãy, ảnh hưởng đến cả các nhà chiên rang, hệ thống phân phối trên toàn cầu.
Ông Tạ Quang Huyên, Tổng Giám đốc Công ty Hoàng Sơn 1, cho biết, vụ điều 2024, Công ty Hoàng Sơn đã ký hợp đồng nhập khẩu 52.000 tấn điều thô từ Tây Phi với kỳ hạn giao hàng trong tháng 4-6/2024.
Tuy nhiên, đến hiện tại, doanh nghiệp mới được giao khoảng 25.000 tấn đúng với giá ban đầu; khoảng 15.000 tấn đang bị đối tác đàm phán nâng giá hoặc giao hàng giảm chất lượng; còn lại khoảng 10.000-12.000 tấn xác định đã bị hủy giao hàng.
“Không phải tất cả nhưng đã có một đối tác xuất khẩu điều thô tại Tây Phi hủy đơn, không giao hàng; có doanh nghiệp đã đưa hàng lên tàu nhưng không giao bộ chứng từ để doanh nghiệp Việt Nam nhận hàng.
Một số người bán đang yêu cầu phía người mua tăng giá, nếu không sẽ bán cho khách hàng khác. Lại có trường hợp đối tác chỉ giao một phần đơn hàng đã ký, phần còn lại yêu cầu tăng giá theo giá mới hoặc giao hàng có chất lượng thấp hơn so với thỏa thuận ban đầu.
Tình trạng không tuân thủ hợp đồng đang gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp chế biến điều của Việt Nam,” ông Tạ Quang Huyên chia sẻ.
Theo ông Tạ Quang Huyên, Vinacas đang vận động doanh nghiệp cố gắng đàm phán với cả nhà cung cấp nguyên liệu và khách mua điều nhân để có thể hoàn thành các đơn hàng ký kết từ trước, nhằm giữ vững uy tín với khách hàng.
Tuy nhiên, với những đối tác bán điều thô cố tình không giao hàng thì hiệp hội sẽ đưa vào “danh sách đen” để các doanh nghiệp Việt Nam tẩy chay, không hợp tác kinh doanh trong những năm sau.
Nếu tình trạng tệ hơn, Vinacas cũng có thể tính đến phương án khởi kiện và kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế các lô hàng điều nguyên liệu đã cập cảng Việt Nam để buộc phải giao hàng.
Ông Cao Thúc Uy, Giám đốc điều hành Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cao Phát, thông tin, mỗi năm, Cao Phát nhập khẩu khoảng 80.000 tấn điều thô từ các nguồn khác nhau; trong đó, Tây Phi chiếm phần lớn.
Đến hiện tại, các hợp đồng mua nguyên liệu ký từ đầu vụ điều 2024 mới chỉ nhận được khoảng 70% lượng hàng và chất lượng cũng thấp hơn so với tiêu chuẩn.
Theo ông Cao Thúc Uy, sản lượng và chất lượng điều thô năm nay đều giảm do hạn hán, nắng nóng ở châu Phi khắc nghiệt hơn, nhiều dự báo về nguồn cung trước đó không chính xác.
Thêm vào đó, một số chính phủ ở Tây Phi ban hành lệnh cấm xuất khẩu điều thô đột ngột khiến giá điều thô bị đẩy lên cao.
Thị trường điều thô những năm trước vẫn có biến động, nhưng chỉ ở mức từ 10-20% cho một năm, mức tăng từ 45-50% chỉ trong thời gian ngắn là điều chưa từng có trong lịch sử ngành điều từ trước đến nay.
Trong khi đó, giá điều nhân bán ra dù có điều chỉnh tăng vẫn chậm hơn giá điều thô khoảng 15%, khiến các doanh nghiệp sản xuất không thể cân đối được.
“Doanh nghiệp đang cố gắng làm mọi cách để hoàn thành các đơn hàng điều nhân đã ký từ trước; không ký mới vì không có nguồn nguyên liệu. Nhà máy cũng đã điều chỉnh công suất chế biến xuống khoảng 70% so với năng lực để duy trì việc làm cho người lao động đến cuối năm.
Trong trường hợp các nhà cung ứng nguyên liệu Tây Phi không đảm bảo thực hiện hợp đồng hoặc cố tình làm giá, các doanh nghiệp Việt Nam có thể đồng lòng cắt giảm công suất chế biến để đưa thị trường về điểm cân bằng,” ông Uy nêu quan điểm.
Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch Thường trực Vinacas cho rằng, Việt Nam đã 15 năm giữ vị trí đứng đầu thế giới về chế biến, xuất khẩu điều nhân, tuy nhiên, do phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu nên dễ bị đối tác làm giá khi có biến động.
Để duy trì, củng cố vị thế cho ngành điều, các bộ, ban ngành quan tâm chính sách tăng diện tích vùng nguyên liệu điều trong nước; thay đổi, cải tạo giống điều năng suất cao để giảm phụ thuộc nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu.
Trong bối cảnh thị trường còn nhiều diễn biến phức tạp, Vinacas khuyến cáo các doanh nghiệp nỗ lực để đảm bảo tối đa hoạt động chế biến và giao hàng đúng hợp đồng đã ký kết.
Trong trường hợp không có đủ nguyên liệu thì đàm phán, trao đổi với người mua điều nhân để khách hàng nắm rõ tình hình và có sự chia sẻ khó khăn.
Hiệp hội Điều Việt Nam cũng mong muốn Hiệp hội Các nhà xuất khẩu điều khu vực Tây Phi xem xét và hỗ trợ, nhắc nhở hội viên của mình thực hiện đúng hợp đồng cung ứng nguyên liệu đã ký kết, nhằm xây dựng một chuỗi cung ứng điều bền vững, mang lại lợi ích cho tất cả các bên./.