Độc đáo nghề làm giấy dó truyền thống gắn với phát triển du lịch ở Lào
Nằm cách trung tâm thành phố Luang Prabang (Lào) khoảng 3km, một cơ sở sản xuất giấy dó trở nên nổi tiếng, thu hút du khách, nhờ việc giữ nguyên quy trình, công thức sản xuất giấy dó từ ngàn xưa.
Là cố đô của Đất nước Triệu Voi, đồng thời là Di sản Thế giới được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận vào năm 1995, thành phố Luang Prabang, Bắc Lào, không chỉ được du khách biết đến là điểm du lịch với nhiều công trình lịch sử, văn hóa và kiến trúc chùa chiền độc đáo, mà còn nổi tiếng với những làng nghề truyền thống.
Điều này là nhờ việc chính quyền tạo điều kiện, các làng nghề có những sáng tạo riêng, phù hợp với nhu cầu của thị trường và du khách.
Nằm cách trung tâm thành phố khoảng 3km, một cơ sở sản xuất giấy dó ở Luang Prabang đã trở nên nổi tiếng nhờ việc giữ nguyên quy trình, công thức sản xuất giấy dó từ ngàn xưa nhằm hấp dẫn và thu hút du khách.
Bên cạnh đó, cơ sở này đã có những sáng tạo riêng để không chỉ làm đẹp thêm cho sản phẩm, đảm bảo thân thiện với môi trường và qua đó giúp gia tăng giá trị của sản phẩm.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Lào, anh Nalongkone Khounphachansi, nghệ nhân, chủ cơ sở làm giấy dó tại bản Xienglek, Luang Prabang, cho biết ban đầu khi mới làm nghề, anh cũng chỉ sản xuất những tấm giấy dó cổ truyền, tức là giấy trơn, không có hoa, lá theo truyền thống.
[Lào đặt mục tiêu thu hút ít nhất 2,7 triệu lượt du khách nước ngoài]
Sau này, để tạo điểm nhấn, anh đã quyết định thử chọn các loại lá và hoa tươi trong vườn để điểm xuyết cho tấm giấy.
Theo anh Nalongkone, ngoài việc chọn các loại hoa và lá hoàn toàn tự nhiên, không sử dụng hóa chất trong quá trình trồng, khi trang trí lên tấm giấy, điều quan trọng nhất là phải phối sao cho phù hợp, vừa nổi bật nét tự nhiên của hoa lá, nhưng cũng phải hiện lên được vẻ đẹp và chất lượng của tấm giấy.
Để làm được điều này, khi đổ khuôn giấy, người thợ phải nghĩ trước mục đích sử dụng sau khi hoàn thành sản phẩm như dùng giấy để làm phong bì, đèn ngủ, đèn lồng hay bưu thiếp, tranh… từ đó mới tính toán hoạ tiết, độ dầy, mỏng của tấm giấy.
Anh Nalongkone chia sẻ bên cạnh những sáng tạo giúp cho tấm giấy dó đẹp hơn, thân thiện với môi trường và đảm bảo chất lượng cao, để trở thành một cơ sở sản xuất giấy dó nổi tiếng ở Luang Prabang như hiện nay, việc xác định rõ định hướng kinh doanh ngay từ đầu cũng đã giúp gia đình anh có được thành công.
Kể từ khi đi vào sản xuất từ năm 2004, anh đã xác định mọi sản phẩm của cơ sở phải gắn với nhu cầu của du khách. Chính vì vậy, từ 9 sản phẩm ban đầu, đến nay cơ sở của anh đã có trên 100 sản phẩm được sản xuất từ giấy dó, không chỉ giúp gia đình tăng thu nhập, mà còn giúp Luang Prabang có thêm một địa điểm để du khách tìm đến.
Hiện các sản phẩm giấy dó do cơ sở của anh sản xuất phần lớn được bán buôn cho các tiểu thương ở chợ đêm Luang Prabang, ở sân bay Luang Prabang và các tỉnh khác ở Lào, nhiều khách nước ngoài, đa phần là người châu Âu cũng đặt hàng tại đây.
Việc áp dụng quy trình sản xuất giấy hoàn toàn thủ công theo phương pháp truyền thống và sử dụng các loại hoa lá tự nhiên trong vườn nhà đã khiến du khách rất thích thú tìm đến tận nơi để tận mắt trải nghiệm và mua sắm những đồ lưu niệm độc đáo về cho người thân và bạn bè.
Nghe một người bạn kể về sự độc đáo của các sản phẩm giấy dó ở Luang Prabang, ngay trong lần đầu tiên du lịch Lào, chị Paul Lina, du khách đến từ Indonesia đã tìm tới tận cơ sở sản xuất giấy của anh Nalongkone để tận mục sở thị.
Chia sẻ với các phóng viên TTXVN khi đang chọn một số đồ lưu niệm làm từ giấy dó để tặng người thân, chị Paul Lina cho biết chị rất ấn tượng về sự sáng tạo và khéo léo của những người thợ, khi cho hoa, lá vào trong tấm giấy để phơi khô, điều không chỉ giúp cho tấm giấy dó trở nên độc đáo mà còn rất thân thiện với môi trường.
Trong những năm qua, Luang Prabang liên tục được các ấn phẩm du lịch và tổ chức truyền thông quốc tế đánh giá là một trong những địa điểm du lịch đáng trải nghiệm trên thế giới.
Ông Vongdavon Vongxayalath, Phó Giám đốc Sở Thông tin, Văn hóa, Du lịch tỉnh Luang Prabang, cho hay do xác định du lịch là là chìa khóa để phát triển kinh tế-xã hội, nên bên cạnh chiến lược gìn giữ các nét đẹp của văn hóa truyền thống như bảo tồn các ngôi chùa, các kiến trúc cổ, phát triển các khu du lịch sinh thái và gìn giữ các phong tục truyền thống tốt đẹp của tỉnh, chính quyền cũng nỗ lực hỗ trợ thúc đẩy và khuyến khích việc gìn giữ và phát triển các làng nghề truyền thống của Luang Prabang như nghề giấy dó, làm bạc, dệt vải truyền thống, những nghề mà tỉnh có thế mạnh và có thể phát triển gắn với du lịch.
Theo ông Vongdavon, để hỗ trợ người dân, chính quyền tỉnh đã tổ chức các lớp bổ túc kỹ năng cần thiết để phát triển nghề, đồng thời giúp quảng bá, tạo dựng thương hiệu và tiếng tăm cho làng nghề. Chính quyền cũng tiến hành dán tem cho những sản phẩm đủ chất lượng để không chỉ giúp đảm bảo lợi ích cho du khách, mà còn đem lại thu nhập bền vững cho người làm nghề.
Anh Nalongkone nhấn mạnh chính quyền Luang Prabang không chỉ mở các lớp tập huấn, mà còn luôn khuyến khích các cơ sở sản xuất đa dạng hóa sản phẩm, thậm chí còn tổ chức cho người của các làng nghề đi thực tế về kinh nghiệm phát triển làng nghề của các tỉnh và các nước khác.
Điều này đã giúp các chủ cơ sở sản xuất học hỏi và rút ra một số kinh nghiệm để phát triển làng nghề, gắn với du lịch bền vững.
Bên cạnh ưu thế là di sản thế giới, có thể nói, sự sáng tạo và nỗ lực vươn lên của người dân, cũng như các chính sách hỗ trợ phát triển nghề truyền thống gắn với du lịch của Luang Prabang đã góp phần giúp tỉnh không chỉ bảo tồn, phát triển các làng nghề truyền thống, mà còn giúp đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, vừa tạo thêm công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân địa phương, vừa tăng thêm độ hấp dẫn với du khách./.