Độc đáo kỹ thuật rèn dao truyền thống Ngan Dừa ở Bạc Liêu

Trong các sản phẩm của làng rèn Ngan Dừa, nổi tiếng nhất là những con dao bén ngọt. Người dân ở Nam Bộ có câu “không dao nào bằng dao Ngan Dừa” bởi những con dao ở đây được sản xuất rất đặc biệt.

Sản phẩm dao các loại từ làng rèn Ngan Dừa được làm từ loại sắt đã chọn lựa cẩn thận, được trui lửa và rèn thủ công theo bí quyết gia truyền. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Làng Ngan Dừa thuộc ấp Thống Nhất, thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu, có nghề rèn truyền thống hàng trăm năm nay. Làng nghề nổi tiếng khắp Nam Bộ với sản phẩm dao Ngan Dừa và các nông cụ rèn thủ công bởi sự sắc bén và bền đẹp.

Các bậc cao niên trong làng cho biết nghề rèn hình thành từ thuở những người khai khẩn đầu tiên đi khai hoang mở cõi vùng đất Ngan Dừa, họ rèn các nông cụ hỗ trợ đắc lực cho việc phát hoang như dao, phảng, liềm…, sau đó truyền nghề rèn lại cho các thế hệ sau.

Sản phẩm của làng rèn Ngan Dừa khá đa dạng, là những công cụ dùng trong sinh hoạt thường ngày và nông cụ sản xuất như dao, kéo, liềm, búa, cuốc, cào, cày, bừa...

Tất cả các sản phẩm đều được làm từ loại sắt chọn lựa kỹ càng, được trui lửa và rèn thủ công theo bí quyết gia truyền nên có độ sắc, bền rất cao. Các sản phẩm khi ra lò phải đảm bảo cứng mà không giòn, dẻo mà không mềm.

Do những sản phẩm được làm thủ công nên không có khuôn mẫu hay chuẩn mực nào, hầu như chỉ dựa vào kinh nghiệm của người trước để lại, nên trình độ tay nghề của các nghệ nhân rèn lâu năm ở làng Ngan Dừa đều rất cao.

Họ có khả năng tính toán, kiểm soát được nhiệt độ lò nung và nhiệt độ của sắt thép, xác định chính xác độ chín của sắt thép để kịp đem nhúng vào nước - công đoạn quan trọng quyết định chất lượng sản phẩm.

Nghề rèn là một trong những nghề nặng nhọc, vất vả, công phu và phải qua nhiều công đoạn từ chọn lựa nguyên vật liệu, chuẩn bị nhiên liệu, thổi bể khí, cặp sắt tôi, quai búa đập. Khi sản phẩm thành hình thì chuyển qua khâu gia công bào, gọt, làm chuôi, tra cán, lau chùi và cuối cùng là bàn giao sản phẩm cho người tiêu dùng.

Làng rèn Ngan Dừa thường dùng than củi để đốt lò. Người thợ sẽ giã nhỏ than củi và tưới chút nước trước khi cho vào lò để đốt được lâu.

Nguyên liệu nghề rèn chủ yếu là sắt, thép, được thu mua, dự trữ sẵn. Khi muốn làm hàng lớn, chủ lò phải tôi sắt thành khối.

Thông thường một lò rèn truyền thống cần từ 4-5 người làm việc. 1 người thổi bể khí, 1 người cặp, 2-3 người quai búa (trong đó có búa trưởng). Ở những lò rèn lớn thì cần nhiều nhân lực hơn, nhất là trong khâu chuẩn bị vật liệu, gia công và bán hàng.

Những thanh sắt, thép được trui đỏ trong lò than, sau đó, đặt trên đe và được thợ rèn đập búa. Tùy theo nhát búa của búa trưởng mà những người đập búa còn lại phải đập theo nhịp mạnh hay nhẹ, nhanh hay chậm. Người cặp đặt sắt ở mép đe nào thì người đập phải phải đánh vào mép đe ấy.

Một lò rèn đang đỏ lửa tại làng rèn Ngan Dừa. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Sau khi đập, người thợ tiến tiến hành tôi luyện, gia cố định hình các thanh sắt, thép. Công đoạn này gọi là cặp, chủ yếu là đập búa rồi tôi nước, được lặp đi lặp lại nhiều lần cho đến khi hoàn thành công cụ.

Người cặp đòi hỏi phải có chuyên môn cao, nhìn lửa biết non, già, biết khi nào dồn lửa và dừng lửa. Vì tính chất quan trọng của công đoạn cặp nên công việc này thường là do chủ lò đảm trách.

[Nghề rèn của người Mông ở Điện Biên là Di sản Phi vật thể Quốc gia]

Trong quy trình rèn thì công đoạn bể (thổi khí) cũng hết sức quan trọng.Thợ bể phải có sức khoẻ và kỹ thuật khéo léo dùng những động tác kéo đẩy để đưa không khí vào bể nhằm kịp thời cung cấp oxy cho lò.

Trước kia người ta thường dùng bể đứng, người thổi bể phải đứng hoặc ngồi trên ghế cao để kéo hơi cung cấp cho lò. Giờ đây, người ta cải tiến bể ống đứng thành bể quay rồi dần dần trang bị môtô điện có van chỉnh để cho người thổi bể đỡ phần vất vả, tránh được hơi khói từ bể tỏa ra.

Trong các sản phẩm của làng nghề Ngan Dừa, nổi tiếng nhất là những con dao vô cùng bén ngọt. Người dân ở Nam Bộ thường truyền miệng rằng “không dao nào bằng dao Ngan Dừa.”

Người thợ rèn cho một lõi thép vào giữa tạo cho lưỡi dao sắc bén lâu dài. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Dao Ngan Dừa được sản xuất rất kỳ công, nghệ nhân cho biết nếu chỉ làm bằng thép thì dao sẽ giòn, dễ mẻ và gãy nên người thợ phải kết hợp thép với sắt khi rèn. Thanh sắt được chẻ ra, cho lõi thép vào giữa rồi đem nung hợp nhất. Phần có lõi thép sẽ là phần lưỡi dao, càng mài càng sắc, còn phần thân dao toàn bằng sắt sẽ rất dẻo dai.

Các bà nội trợ và các đầu bếp rất ưa chuộng sử dụng dao Ngan Dừa bởi chỉ cần liếc sơ là dao bén ngay. Dao có độ bền rất cao, có những con dao dùng lâu năm đến khi không còn hình dáng ban đầu mà lưỡi dao được mài liên tục vẫn sắc bén, không hề bị mẻ hay gãy.

Cùng với sự phát triển của nhiều thiết bị hiện đại, hầu hết các lò rèn đã chuyển dần từ làm thủ công sang máy móc, người thợ rèn làng Ngan Dừa giờ đã bớt vất vả hơn. Những chiếc máy dập thép, máy mài… đã giúp người thợ rút ngắn thời gian hoàn thiện sản phẩm chỉ còn 1/4 so với trước kia.

Nhu cầu về sản phẩm rèn Ngan Dừa lớn nhất thường vào dịp giáp Tết. Những ngày này, các lò nấu phôi thép gần như đỏ rực cả ngày lẫn đêm để phục vụ các xưởng rèn. Có xưởng một ngày rèn cả trăm con dao mà vẫn không kịp đơn hàng giao cho khách.

Các loại dao Ngan Dừa rất đa dạng và luôn được người tiêu dùng ưa chuộng, tìm mua. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Tuy vất vả và chưa thực sự giàu có từ nghề rèn, nhưng những nghệ nhân làng Ngan Dừa vẫn hết sức tự hào và tâm huyết với nghề gia truyền ông cha để lại, luôn trân trọng giữ gìn và có ý thức trao truyền, nối nghiệp rèn cho các thế hệ sau, cho dù đây không phải là điều dễ dàng.

Để các lò rèn luôn luôn đỏ lửa, các sản phẩm làng nghề tiếp tục có chỗ đứng trên thị trường, rất cần một chính sách cụ thể trong việc bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề truyền thống Ngan Dừa. Các cấp, các ngành chức năng cần quan tâm thực hiện tốt các giải pháp về chính sách, nguồn vốn để hỗ trợ, khuyến khích làng nghề phát triển.

Bên cạnh đó, phát huy nội lực làng nghề là điều quan trọng. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất-kinh doanh, hộ sản xuất cần chủ động nghiên cứu, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng, đồng thời tìm cách đưa sản phẩm đến nhiều kênh tiêu thụ như trung tâm thương mại, khu du lịch, chuỗi siêu thị… Có như thế, hoạt động sản xuất-kinh doanh mới ổn định và phát triển, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và sức sống làng nghề mới có thể trường tồn./.

(Vietnam+)