Doanh thu từ dầu mỏ của Nga giảm mạnh gần 30% so với cùng kỳ

Ước tính ngân sách Nga nhận được tổng cộng 10,8 tỷ USD từ dầu mỏ trong tháng 10, giảm 29% so với cùng kỳ năm 2023; tổng thu ngân sách từ dầu mỏ và khí đốt tự nhiên cũng giảm 25% xuống còn 12,4 tỷ USD.

Nhà máy lọc dầu ở ngoại ô Moskva, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo ước tính của hãng tin Bloomberg dựa trên dữ liệu chính thức do Chính phủ Nga công bố ngày 5/11, giá dầu thấp hơn và các khoản trợ cấp cho các nhà máy lọc dầu trong nước đã khiến doanh thu dầu mỏ của Nga trong tháng 10/2024 giảm 29% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong tháng 10/2024, giá dầu quốc tế và giá dầu Urals, loại dầu chủ lực của Nga, đã giảm so với cùng kỳ năm 2023. Tình trạng này đã làm xói mòn doanh thu của Nga khi giá dầu Urals trung bình ở mức 63,57 USD/thùng, thấp hơn đáng kể so với mức 83,18 USD/thùng hồi tháng 10/2023.

Doanh thu từ dầu mỏ của nhà nước Nga cũng bị ảnh hưởng bởi khoản trợ cấp từ chính phủ cho các nhà máy lọc dầu trong nước, nhằm khuyến khích họ bán sản phẩm dầu tinh chế ở Nga thay vì xuất khẩu với giá cao hơn. Năm ngoái, Chính phủ Nga không có khoản chi này.

Do đó, Bloomberg ước tính ngân sách Nga đã nhận được tổng cộng 10,8 tỷ USD từ dầu mỏ trong tháng 10/2024, giảm 29% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng số tiền thu ngân sách từ dầu mỏ và khí đốt tự nhiên cũng giảm khoảng 25% xuống còn 12,4 tỷ USD.

Nguồn thu từ bán dầu mỏ và khí đốt là nguồn tiền quan trọng nhất đối với ngân sách Liên bang Nga. Chính phủ nước này đã phát đi tín hiệu sẽ tìm cách giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ để giảm thiểu tác động của biến động giá dầu và khí đốt đối với nguồn thu ngân sách.

Hồi tháng trước, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết doanh thu từ dầu mỏ và khí đốt cách đây vài năm chiếm tới 35-40% tổng thu ngân sách của Nga. Con số này dự kiến sẽ giảm xuống 27% vào năm tới và 23% vào năm 2027.

Trong một diễn biến khác, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov mới đây cho hay Moskva đang tiến hành các "cuộc chiến tài chính" với các quốc gia không thân thiện đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga.

Sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát vào năm 2022, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã áp một loạt lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, bao gồm việc loại các ngân hàng lớn của nước này khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT./.