Doanh nhân Việt có cơ hội lịch sử khi chuỗi cung ứng toàn cầu được sắp xếp lại
Trong đó bối cảnh thế giới đứng trước yêu cầu sắp xếp lại chuỗi cung ứng và đúng thời điểm lịch sử này, Việt Nam đang nằm trong những tâm điểm chú ý với tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế lên cao.
“Năm 2024, những chính sách đã được Quốc hội thông qua cần triển khai nhanh chóng và hiệu quả, để giúp cộng đồng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn vô cùng khó khăn này. Nhiều doanh nghiệp cho biết thách thức hiện giờ còn lớn hơn so với giai đoạn dịch bệnh, bởi COVID-19 đã làm cho họ đủ thấm mệt và kiệt lực.”
Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp (VCCI) Phạm Tấn Công nhấn mạnh như vậy khi đánh giá về triển vọng kinh doanh nhân dịp đầu năm 2024.
Triển khai đồng bộ trên tất cả các chính sách
- Thưa ông, đội ngũ doanh nhân đã đồng hành với Chính phủ, các bộ, ngành vượt qua bao trở ngại để đạt được chỉ tiêu kinh tế-xã hội của năm qua. Bước sang năm mới, xin ông cho biết một số đánh giá về triển vọng kinh doanh cũng như những kiến nghị nhằm hỗ trợ doanh nghiệp có được những bước đi vững vàng trong chặng đường tới đây?
Ông Phạm Tấn Công: Với phẩm chất của người Việt, đội ngũ doanh nhân đã rất kiên trì, bền bỉ, dẻo dai vượt qua năm 2023 - Phải nói là khó khăn vô cùng! Nền kinh tế có những ngành đã phải căng sức chịu trận, như bất động sản, dệt may... Tại một số cuộc họp của các cơ quan Nhà nước, nhiều đánh giá nhìn nhận doanh nghiệp gần như kiệt sức. Hoạt động sản xuất-kinh doanh của họ cũng cho thấy rõ ràng về điều này.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn cố gắng, nỗ lực duy trì sản xuất-kinh doanh, giữ việc làm cho người lao động. Bức tranh chung về tinh thần của đội ngũ doanh nhân là rất kiên trì, đồng hành chia sẻ những khó khăn của đất nước, từ giai đoạn dịch bệnh đến nay. Nhờ vậy, tổng thể nền kinh tế duy trì được ổn định, người lao động có việc làm, thu nhập vẫn ở mức tốt. Điều đó khẳng định sự nỗ lực không mệt mỏi của cộng đồng doanh nghiệp, đóng góp phần vào thành công chung của Chính phủ trong vận hành nền kinh tế quốc gia, đảm bảo sinh xã hội và cân đối vĩ mô. Trong khi, nhiều quốc gia lớn trên thế giới đã rơi vào khủng hoảng, kinh tế suy thoái, lạm phát lên cao. Câu chuyện ở Việt Nam, lạm phát còn thấp hơn cả các quốc gia phát triển như Mỹ, Anh, Nhật là điều không thể ngờ thấy.
Bên cạnh sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, cộng đồng doanh nhân ghi nhận sự đồng lòng, chung sức chia sẻ từ các chính sách tài khóa, vốn rất được mong chờ. Năm 2024, trên nền tảng “sức khỏe” của doanh nghiệp còn rất yếu, bây giờ mà bồi thêm mấy đợt “sóng thần” họ dễ bị ngộp lắm. Vì vậy, các chính sách về miễn, giảm, hoãn các khoản thu cho ngân sách Nhà nước trong lúc này có giá trị như “một miếng khi đói, bằng cả gói khi no.” Và, đây là thời điểm hết sức nhạy cảm, cộng đồng doanh nhân muốn thấy sự hỗ trợ đến với họ phải có sự đồng hành và đồng bộ trên tất cả các chính sách. Bởi thực tế, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2 % là dân được hưởng lợi. Với doanh nghiệp, họ cần giải phóng sớm những gì thuộc về họ mà Nhà nước đang giữ, như việc hoàn thuế giá trị gia tăng vẫn đang là thách thức lớn.
Thêm vào đó, các vấn đề về thủ tục hành chính, số hóa… cần được thực hiện công khai, minh bạch, nhanh gọn và thường xuyên. Đặc biệt là việc số hóa cần tránh cách làm hình thức, tức là người dân, doanh nghiệp mặc dù kê khai online, nhưng khi đến tới nơi thì họ lại được yêu cầu kê khai lại. Chưa hết, một số thủ tục đã được cắt giảm và nghe thì rất “ngon lành,” nhưng thực chất là chưa chuẩn, chưa khép kín quy trình, do đó nhiều khi phát lại phát sinh thêm công việc, cơ quan quản lý vẫn xử lý quy trình cũ đồng thời doanh nghiệp phải phát sinh thêm chi phí và yêu cầu tác nghiệp bổ sung.
Chương trình quốc gia về đào tạo doanh nhân
- Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, được kỳ vọng sẽ tạo ra một “làn gió mới” thúc đẩy sự phát triển của lực lượng doanh nghiệp nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự phát triển của đất nước. Xin ông chia sẻ rõ hơn về chủ trương này?
Ông Phạm Tấn Công: Nghị quyết 41 nêu ra rất nhiều những chủ trương lớn, trong đó có những chính sách về tài chính, tín dụng... Đặc biệt là chiến lược xây dựng đội ngũ doanh nhân và chiến lược quốc gia về đào tạo.
Quốc gia muốn có đội ngũ doanh nghiệp, trước tiên phải đào tạo ra được một đội ngũ doanh nhân. Trên cơ sở đó, Chính phủ cần xây dựng một chiến lược phát triển đội ngũ doanh nhân quốc gia. Kế đến, các ngành, địa phương thực hiện xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ doanh nhân của mình.
Hiện nay, công tác đào tạo mới chỉ dừng ở mức độ - các trường đại học bồi dưỡng kiến thức về kinh doanh, còn đào tạo doanh nhân chung ở tầm quốc gia là chưa có. Để làm điều này phải cân đối nguồn lực ở tầm quốc gia và từng ngành, địa phương. Do vậy, tất cả thành phần kinh tế cần tham gia quá trình phát triển đội ngũ doanh nhân, bởi sẽ liên quan đến các nội dung về làm chính sách tạo môi trường kinh doanh, hỗ trợ tài chính, tài khóa, tín dụng…
Hơn nữa, việc đào tạo doanh nhân sẽ cần chương trình, giáo trình và đội ngũ nòng cốt. Vì vậy, VCCI sắp tới sẽ tiên phong triển khai công tác này và dự kiến trong năm 2024 sẽ có các chương trình gửi doanh nhân Việt Nam ra nước ngoài để đào tạo. Bên cạnh, việc bồi dưỡng về kiến thức quản trị doanh nghiệp sẽ kết hợp kết nối với cộng đồng doanh nhân quốc tế, để từ đó tạo ra cơ hội đồng thời mở rộng phạm vi kinh doanh cho doanh nghiệp Việt Nam.
Sắp xếp lại chuỗi cung ứng
- Xin ông nói rõ cơ hội và vai trò của các doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới là gì?
Ông Phạm Tấn Công: Về cơ hội, tôi muốn nhấn mạnh không chỉ đội ngũ doanh nhân mà cả đất nước đang đứng trước cơ hội lớn có tính lịch sử. Trong đó bối cảnh khách quan của thời kỳ hậu COVID-19, sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu, xung đột địa chính trị, thế giới đứng trước yêu cầu phải có sự sắp xếp lại chuỗi cung ứng và Việt Nam (đúng thời điểm lịch sử này) đang nằm trong những tâm điểm chú ý với tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế lên cao.
Vấn đề cấp bách hiện nay, các tập đoàn đa quốc gia đang tìm kiếm một địa chỉ cung ứng có thể đảm bảo an toàn cho chuỗi sản xuất của họ và đây là cơ hội cho Việt Nam với nội lực đang lên. Và, doanh nhân, doanh nghiệp trong nước cần phải nắm lấy cơ hội này. Các nước phát triển có công nghệ và vốn đầu tư, Việt Nam có môi trường kinh doanh hấp dẫn và điều cần thiết là nhanh chóng xây dựng một đội ngũ doanh nhân ngang tầm đối tác. Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm cấp thiết đòi hỏi phải đào tạo, bồi dưỡng, thúc đẩy nâng tầm đội ngũ doanh trong nước.
Việt Nam đã và đang chuyển sang tư duy chiến lược phát triển lâu dài và bền vững. Ta đã nhìn thấy bức tranh đầy triển vọng và phải nói rằng đây là cơ hội chưa từng có. Đúng vào thời điểm này, Nghị quyết 41 ra đời khẳng định quan điểm, chủ trương của Đảng về vai trò, vị trí của đội ngũ doanh nhân trong việc đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển. Đây như lời hiệu triệu, tạo ra động lực đồng thời tiếp thêm khí thế mới cho cộng đồng doanh nhân.
Chủ trương, Nghị quyết có rồi thì cần hành động và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và cộng đồng. Về phía VCCI, chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành với các doanh nghiệp, để từng bước tháo gỡ những vướng mắc, tận dụng tối đa cơ hội đang mở ra toàn diện cho nền kinh tế. Muốn bước vào “cuộc chơi” lớn của thế giới, đầu tiên từng doanh nhân phải có tư duy hội nhập và hiểu văn hóa kinh doanh quốc tế, từ đó lãnh đạo, điều chỉnh và hoàn thiện văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp cũng như nhận thức đạo đức kinh doanh của cá nhân.
Tiếp đến, đội ngũ doanh nhân cần trau dồi năng lực quản trị, khả năng tiếp cận công nghệ và quan trọng nhất chuẩn bị đội ngũ nhân lực của doanh nghiệp. Bởi, đối tác quốc tế cần nhất là nguồn nhân lực bản địa, những người có chuyển hóa công nghệ của họ vào trong chu trình sản xuất-kinh doanh, tạo ra sản phẩm và lợi nhuận.
Với vai trò là bệ đỡ của các doanh nghiệp, VCCI có truyền thống và thế mạnh góp sức để tạo ra một môi trường kinh doanh hấp dẫn. Đây cũng là vấn đề sống còn đối với tất cả các doanh nghiệp không chỉ trong nước mà cả nước ngoài.
“Môi trường kinh doanh là nước, doanh nghiệp là cá” - Nước có tốt, cá sống mới khỏe và lớn. Nước không tốt và ô nhiễm, cá sẽ chết hoặc còi cọc không thể lớn. Do đó, nhiệm vụ số một của VCCI là tiếp tục thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh theo đúng tinh thần Nghị quyết 41 - Thuận lợi, an toàn, bình đẳng. Trong đó, yếu tố an toàn là cả về vĩ mô và vi mô, đảm bảo chủ trương không hình sự hóa nhằm tạo ra một môi trường đầu tư an toàn, theo đó sẽ tăng cường xử lý các vi phạm kinh tế bằng các thiết chế tài chính thật mạnh và đủ sức răn đe. Bên cạnh đó, bình đẳng sẽ không chỉ là trên bề mặt chính sách đề ra, mà trong cả quá trình thực thi giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, doanh nghiệp lớn và nhỏ, doanh nghiệp địa phương và ngoài địa phương./.
Xin cảm ơn ông!