Doanh nghiệp Việt trúng thầu dự án nhà ở xã hội ở nước ngoài cần lưu ý gì?
Theo Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, việc doanh nghiệp trúng thầu dự án nhà ở xã hội ở nước ngoài là cơ hội tốt để mở rộng thị trường, song cũng cần phải tính toán kỹ lưỡng.
Sau nhiều năm thực hiện chiến lược xuất khẩu xây dựng ra nước ngoài chưa có nhiều kết quả khả quan, mới đây, Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình thông báo chính thức nhận được thư trúng thầu 5 dự án nhà ở xã hội tại đất nước Kenya (châu Phi) với tổng mức đầu tư 72 triệu USD.
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus về thông tin trên, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam - ông Nguyễn Quốc Hiệp nhấn mạnh trong bối cảnh thị trường xây dựng, bất động sản ở trong nước đang gặp nhiều khó khăn hiện nay, việc doanh nghiệp “kiếm" được dự án ở nước ngoài là cơ hội tốt, song cũng cần phải tính toán kỹ lưỡng bởi đầu tư xây dựng ở nước ngoài không giống như ở Việt Nam.
Dẫn bài học từ thời còn làm ở Vinaconex, ông Hiệp cho biết bản thân ông đã từng đi ký hợp đồng với Kuwait, Iraq. “Tôi trực tiếp ‘mang quân’ đi sang Kuwait, nhưng rồi vẫn phải ‘đánh tháo’ trở về,” ông Hiệp thẳng thắn chia sẻ và tiết lộ lý do là bởi đầu tư ở nước ngoài tốn rất nhiều chi phí đầu vào.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, các doanh nghiệp ở nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc - phần lớn là những công ty có trình độ quản lý và tư duy của họ là nhà thầu quản lý, chứ không phải là nhà thầu xây lắp như ở Việt Nam. Với vai trò là nhà thầu quản lý, họ sang Việt Nam dường như chỉ làm việc nhập vật tư và đứng ra làm “bộ máy chỉ huy.”
“Một dự án xây dựng họ chỉ đưa khoảng 10-12 người sang (bởi chi phí cho nhân công của Nhật Bản hay Hàn Quốc rất đắt) còn lại là họ sử dụng lao động rẻ của Việt Nam. Cách làm đó của họ là hiệu quả,” ông Hiệp nói.
Thực tế cho thấy hoạt động xây dựng của doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay không phải là nhiều nên tìm được cơ hội đầu tư ra nước ngoài là tốt. Tuy nhiên ông cũng lưu ý đến yếu tố làm việc ở nước ngoài mà mang theo mô hình như ở Việt Nam đi thì sẽ thất bại, nhất là với các dự án nhà ở xã hội.
“Cũng như Việt Nam, nhà ở xã hội tại các nước thường là giá thấp và chi phí xây dựng thấp. Liệu doanh nghiệp từ Việt Nam sang một đất nước xa xôi (mang theo nguồn lực, chi phí đi lại…) thì có cạnh tranh được các doanh nghiệp địa phương hay không? Do vậy doanh nghiệp trúng thầu ở nước ngoài cần phải tính toán kỹ chi phí huy động đầu vào (như xe máy, thiết bị, nhân công đi lại…) và phải xem xét cách làm phù hợp,” ông Hiệp chia sẻ.
Từ trăn trở đó, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam khuyến cáo doanh nghiệp cần lưu ý tới mô hình hoạt động của mình ở nước ngoài, bởi đầu tư nhà ở xã hội ở nước ngoài chưa hẳn là “miếng bánh ngon!”
Về phía Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, trước đó, trong dịp kỷ niệm 35 năm thành lập vào tháng 9/2022, doanh nghiệp này đã công bố kế hoạch giai đoạn phát triển trong 10 năm từ 2022-2032 với mục tiêu chiến lược là phát triển ra thị trường nước ngoài; đến năm 2032 doanh thu đạt xấp xỉ 20 tỷ USD.
Khởi đầu hành trình “hướng ngoại” trên, mới đây, Hòa Bình đã thông báo chính thức nhận được thư trúng thầu 5 dự án nhà ở xã hội tại Kenya.
Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình là tổng thầu thiết kế và thi công các nhà ở cùng cơ sở hạ tầng cho các đơn vị gồm: Trường Đào tạo đơn vị dịch vụ tổng hợp Embakasi, Trụ sở cảnh sát Ruiru, Trụ sở chính cho Trường Đào tạo đơn vị dịch vụ tổng hợp Buruburu, Trường Đào tạo cảnh sát quốc gia Kiganjo, Trường Đại học kỹ thuật Kenya.
Ông Lê Viết Hải - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho hay châu Phi hiện có hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, được xem là thị trường xây dựng lớn và tiềm năng nhất ở các châu lục trong những thập niên tới. Trước mắt Hòa Bình sẽ tập trung vào phân khúc nhận thầu xây dựng các dự án nhà ở xã hội, sau đó tiến đến thi công các dự án cao cấp hơn.
Lãnh đạo Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cũng nhấn mạnh sẽ vượt qua được các công ty ở địa phương và các công ty đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản hay Châu Âu ở phân khúc xây dựng nhà ở xã hội, bởi lâu nay, những chính sách của các nước lớn trong lĩnh vực xây dựng làm ở Châu Phi là họ không chuyển giao công nghệ.
“Hòa Bình nhất định sẽ thực thi một chính sách khác, chúng tôi cam kết sẽ giúp cho lục địa này đạt được những tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực xây dựng,” ông Hải nói./.