Doanh nghiệp Việt sẵn sàng chuyển đổi mô hình kinh tế carbon thấp
Chuyển đổi mô hình kinh doanh giảm thiểu phát thải carbon đang là yêu cầu cấp bách. Theo đó, khu vực doanh nghiệp đòi hỏi phải đổi mới bằng các giải pháp thông minh và sử dụng tài nguyên hiệu quả.
Chuyển đổi mô hình kinh doanh bền vững đang là giải pháp tối ưu cho doanh nghiệp khi đứng trước các bài toán bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.
Đây là một trong những nội dung quan trọng được trao đổi tại Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam thường niên (VCSF) năm 2023 - “Cuộc đua xanh toàn cầu: Từ chiến lược đến thực hành kinh doanh bền vững,” ngày 23/8, do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) tổ chức.
Cân bằng phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường
Khai mạc diễn đàn, bà Cao Thị Ngọc Dung, Phó Chủ tịch VBCSD, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) nhấn mạnh: “Chúng ta đang sống trong một thời kỳ mà sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường đã trở thành một trong những vấn đề quan trọng nhất, là đòi hỏi tất yếu để tồn tại. Với sự tăng trưởng nhanh chóng và thay đổi chóng mặt của công nghệ, chúng ta không thể bỏ lỡ cơ hội để tạo ra một nền kinh tế thấp carbon, hướng đến sự cân bằng và bền vững.”
Bà Dung cho biết Phiên thảo luận chuyên đề của Diễn đàn VCSF 2023 sẽ tập trung vào hai chủ đề: “Thúc đẩy sáng kiến ‘vị’ tự nhiên hướng tới nền kinh tế carbon thấp” và “Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua xây dựng chuỗi cung ứng bền vững.”
[Việt Nam tiếp tục tham gia đóng góp vào các nỗ lực chung của quốc tế]
Theo bà Dung, giải bài toán chuyển đổi mô hình kinh doanh giảm thiểu phát thải carbon là một yêu cầu cấp bách. Theo đó, khu vực doanh nghiệp đòi hỏi phải đổi mới, nắm bắt những giải pháp thông minh, sử dụng tài nguyên thiên nhiên có hiệu quả, từ việc sử dụng năng lượng tái tạo đến quản lý tài nguyên thiên nhiên. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường, mà còn giúp doanh nghiệp tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững trong tương lai.
Để thực hiện những yêu cầu đặt ra, việc xây dựng chuỗi cung ứng bền vững (từ việc đảm bảo nguồn cung cấp đến chất lượng sản phẩm và tuân thủ đạo đức kinh doanh) có tầm quan trọng rất lớn.
“Bằng cách tạo ra một hệ thống cung ứng bền vững, doanh nghiệp có thể tối ưu hóa hoạt động kinh doanh, giảm thiểu rủi ro đồng thời góp phần vào việc duy trì sự phát triển bền vững của cộng đồng và môi trường,” bà Dung nói.
Định nghĩa lại thành công
Tại diễn đàn, bà Lê Thị Hồng Nhi, Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại tại Unilever Việt Nam, chia sẻ dấu vết carbon trong toàn chuỗi giá trị của Unilever hiện nay chủ yếu đến từ nguồn nguyên liệu thô. Bên cạnh đó, tỷ trọng thấp hơn là từ nguồn nguyên liệu bao bì, hậu cần và phân phối, phát thải bán lẻ (đặc biệt là tủ đông kem), rác thải và bao bì, bao gồm phân hủy sinh học…
Thực hiện kế hoạch hành động chuyển đổi khí hậu trên toàn cầu, bà Nhi cho hay, hiện nay Unilever đã triển khai các chương trình hiệu quả sinh thái để giảm nhu cầu năng lượng, kết quả đạt 100% sử dụng điện lưới tái tạo từ năm 2020. Kế đến, tập đoàn tiếp tục đặt mục tiêu chuyển sang sử dụng 100% nhiệt từ năng lượng tái tạo vào năm 2030 đồng thời loại bỏ dần chất làm lạnh HFC khỏi hệ thống làm mát.
Nhằm Xanh hóa hệ thống phân phối và phát triển chuỗi cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường, bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ, Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại, AEON Việt Nam chia sẻ một số sáng kiến, như cung cấp lựa chọn túi thân thiện môi trường, phù hợp với nhiều mục đích sử dụng của khách hàng. Bên cạnh đó, AEON Việt Nam đang cung cấp dịch vụ cho thuê túi, nhằm hỗ trợ khách hàng đưa ra những lựa chọn tiêu dùng bền vững dễ dàng hơn. Đến nay, 98% túi mua sắm tại các địa điểm kinh doanh tại AEON Việt Nam được làm bằng chất liệu phân hủy sinh học-thân thiện môi trường.
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, bà Huệ cũng cho biết doanh nghiệp đã gặp một số vấn đề khó khăn, chủ yếu đến từ việc giá thành của các vật liệu bao gói hàng hóa thân thiện môi trường (túi bột ngô, khay bã mía, ống hút giấy…) còn cao vì chưa được đầu tư công nghệ và hỗ trợ tài chính để sản xuất đại trà.
Ngoài ra, đại diện của AEON Việt Nam kiến nghị Chính phủ sớm hoàn thiện các chính sách, quy định, hạ tầng phục vụ cho mô hình kinh tế tuần hoàn cũng như các chính sách về môi trường và phát triển bền vững.
Theo bà Huệ, những chính sách này sẽ mở đường cho các nhà sản xuất và phân phối mạnh dạn chuyển đổi, đầu tư công nghệ... từ đó giúp các sản phẩm/nguyên liệu sinh thái dễ tiếp cận với người tiêu dùng hơn. Mặt khác, mô hình liên minh các nhà bán lẻ, nhà sản xuất cũng đóng vai trò quan trọng giúp nhân rộng sáng kiến và đồng bộ hóa thay đổi ở cấp độ hệ thống.
Đứng trước các yêu cầu về phát triển bền vững, ông Nguyễn Quang Vinh Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch VBCSD cho rằng cộng đồng cộng đồng cần định nghĩa lại thành công không chỉ nằm ở các con số tài chính mà giờ đây còn bao gồm khả năng thích ứng, chống chịu và phục hồi trước những thách thức chưa từng có trong tiền lệ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần gắn kết thành công và tăng trưởng dài hạn với lợi ích bền vững của cộng đồng, xã hội và môi trường.
“Khi đã chuyển đổi về tư duy, các doanh nghiệp cũng cần tập trung cho một số ưu tiên hành động, đó là chuyển đổi chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng theo hướng bền vững hơn, từ đó thúc đẩy trách nhiệm giải trình và chuyển đổi kép (chuyển đổi số song hành cùng chuyển đổi xanh),” ông Vinh nói./