Doanh nghiệp Việt Nam-Thụy Điển tìm cơ hội đầu tư, hợp tác thương mại
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Thụy Điển nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp hai nước tìm hiểu thông tin về cơ hội đầu tư, hợp tác thương mại trong nhiều lĩnh vực.
Kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Thụy Điển, Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Điển, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển và Tập đoàn công nghệ FPT đã phối hợp tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Thụy Điển năm 2024 tại Stockholm ngày 6/9, với chủ đề "Chuyển đổi số - Chuyển đổi năng lượng - Đổi mới sáng tạo: Hợp tác vì một tương lai phát triển bền vững."
Diễn đàn nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam và Thụy Điển tìm hiểu thông tin về chính sách, pháp luật, cơ hội đầu tư, hợp tác thương mại trong nhiều lĩnh vực.
Tham dự diễn đàn có ông Trần Văn Tuấn - Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Thụy Điển, kiêm nhiệm Cộng hòa Latvia; bà Camilla Mellander - Tổng vụ trưởng Chính sách Thương mại, Bộ Ngoại giao Thụy Điển; ông Lê Khắc Nam - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng, cùng nhiều đại diện các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp của Việt Nam và Thụy Điển.
Trong 55 năm qua, hai nước đã duy trì mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, khoa học-công nghệ đến văn hóa, giáo dục.
Riêng trong lĩnh vực kinh tế, quan hệ thương mại-đầu tư song phương đang phát triển tích cực, mang lại những lợi ích thiết thực cho chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và người dân hai nước. Tuy nhiên, tiềm năng hợp tác giữa hai bên vẫn còn khá dồi dào, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu của thời đại như: Chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, đổi mới sáng tạo.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Đại sứ Trần Văn Tuấn khẳng định: "Chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng và đổi mới sáng tạo đang dần trở thành các động lực chính cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Theo tính toán của Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam, năm 2023, kinh tế số đã đóng góp 16,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và có tốc độ tăng trưởng hằng năm trên 20%; kinh tế xanh gắn với chuyển đổi năng lượng, tuy mới đóng góp khoảng 2% GDP cả nước, nhưng tốc độ tăng trưởng cũng rất nhanh, đạt khoảng 10%/năm."
Theo Đại sứ Trần Văn Tuấn, kinh tế Việt Nam cũng đang dần dịch chuyển sang chiều sâu, trên cơ sở ứng dụng khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo, thể hiện rõ nhất ở mức đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng kinh tế ngày một lớn. Nếu như trong giai đoạn 2011-2015, TFP mới đóng góp khoảng 32,88% vào tăng trưởng GDP thì đến giai đoạn 2016 - 2020, con số này là 45,57%.
Việt Nam được ghi nhận là một trong những quốc gia có tốc độ tăng TFP cao nhất trong số các nước thành viên Tổ chức Năng suất châu Á (APO). Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa Việt Nam cũng tăng từ 19% năm 2010 lên gần 50% năm 2023.
Đại sứ Trần Văn Tuấn cho rằng hai nước vẫn còn nhiều dư địa để phát triển trên nhiều lĩnh vực, trong đó có chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng và đổi mới sáng tạo. Việt Nam có thị trường lớn và nhu cầu lớn, còn Thụy Điển có trình độ khoa học-công nghệ cao, có kinh nghiệm lâu năm trong các lĩnh vực này.
Năm 2023, Thụy Điển đã được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới xếp hạng thứ 2 toàn cầu về chỉ số đổi mới sáng tạo.
Tính đến nay, Thụy Điển cũng đã giành được 20 giải Nobel trong lĩnh vực khoa học - công nghệ. Những kinh nghiệm, thành quả của Thụy Điển xứng đáng được cả thế giới ngưỡng mộ và mong muốn học hỏi, trong đó có Việt Nam.
Diễn đàn đã tổ chức phiên thảo luận với chủ đề: “Hợp tác doanh nghiệp Việt Nam-Thụy Điển trong lĩnh vực Chuyển đổi số, Chuyển đổi năng lượng và Đổi mới sáng tạo: Cơ hội, Thách thức và Tiềm năng” với sự tham dự của đại diện các doanh nghiệp Business Sweden, Swedfund, FPT, Nutifood, Vilja Solutions, Syre và Tân Cảng Sài Gòn.
Phần thảo luận của các diễn giả có nhiều thông tin trao đổi hữu ích để các chuyên gia, nhà quản lý kinh tế và các doanh nghiệp của hai nước hiểu biết sâu hơn về tiềm năng, thế mạnh của mỗi bên và triển vọng hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế-thương mại-đầu tư nói chung và về chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, đổi mới sáng tạo nói riêng.
Các diễn giả đều cho rằng thông qua hợp tác chặt chẽ, Việt Nam và Thụy Điển có thể nâng cao vị thế dẫn đầu trong nền kinh tế số và kinh tế xanh, trở thành tấm gương cho các quốc gia khác noi theo về đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững và chuyển đổi số.
Trong khuôn khổ Diễn đàn, trước sự chứng kiến của Đại sứ Trần Văn Tuấn; bà Camilla Mellander - Tổng vụ trưởng Chính sách Thương mại, Bộ Ngoại giao Thụy Điển; ông Lê Khắc Nam - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng và bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán Thương mại, Trưởng Văn phòng Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển đã ký Biên bản Ghi nhớ (MoU) với Tổ chức xúc tiến thương mại Thụy Điển Business Sweden Việt Nam nhằm thiết lập một khung hợp tác trong thúc đẩy thương mại giữa Thụy Điển và Việt Nam; trao đổi thông tin liên quan đến cơ hội kinh doanh, chính sách thương mại, quy định pháp luật và các dữ liệu khác nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp của hai nước; và hỗ trợ lẫn nhau trong các đoàn công tác thương mại và các sự kiện xúc tiến thương mại.
Một MoU khác cũng được Tham tán thương mại Nguyễn Thị Hoàng Thúy ký kết với Tập đoàn ARC - một tổ chức tài chính toàn cầu được thành lập vào năm 2015 có trụ sở tại Stockholm và hiện diện mạnh mẽ tại châu Á.
Với MoU này, hai bên cam kết sẽ thúc đẩy và phát triển mối quan hệ thương mại giữa hai quốc gia trên cơ sở cùng có lợi, đồng thời thể hiện mong muốn thiết lập một khuôn khổ hợp tác để hỗ trợ Bộ Công Thương Việt Nam trong việc tổ chức đoàn doanh nghiệp của Bắc Âu tham dự Hội chợ quốc tế nguồn hàng được tổ chức hằng năm tại Việt Nam, nhằm tăng cường quan hệ thương mại, thúc đẩy tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam và thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và các nước Bắc Âu.
Cũng nhân dịp này, Sở Công Thương thành phố Hải Phòng đã ký MoU với cảng Gothenburg (Thụy Điển) về phối hợp phát triển, mở rộng hoạt động logistics giữa hai bên; xúc tiến xuất nhập khẩu; chia sẻ ý tưởng và các thực tiễn tốt nhất nhằm hướng tới một hệ thống logistics bền vững hơn và thúc đẩy phát triển hơn nữa trong lĩnh vực số hóa về logistics.
Bản MoU thứ 4 trong khuôn khổ diễn đàn được ký giữa Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên và Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn (SNP) về hợp tác xúc tiến thương mại, chia sẻ kinh nghiệm về chuyển đổi số và chuyển đổi xanh và hợp tác trong phát triển các chương trình đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong hoạt động khai thác cảng và dịch vụ logistics./.