Doanh nghiệp Việt Nam-Đức hợp tác thúc đẩy tăng trưởng xanh tại TP Hồ Chí Minh
Thành phố Hồ Chí Minh được đánh giá là nơi tốt nhất để thử nghiệm các chính sách thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn nhờ đặc thù về đô thị, quy mô dân số và tính năng động của nền kinh tế.
Chiều 28/3, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư và Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC), Hiệp hội Doanh nghiệp Đức tại Thành phố Hồ Chí Minh và Ngân hàng United Overseas Bank (UOB) tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Đức-Việt Nam chủ đề “Hợp tác vì phát triển xanh Thành phố Hồ Chí Minh."
Bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc ITPC cho biết Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị sôi động và là trung tâm kinh tế-văn hóa-khoa học công nghệ của Việt Nam, đóng góp 25% ngân sách cả nước.
Thành phố Hồ Chí Minh có dân số cơ học hơn 10 triệu dân, hơn 400.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có gần 15.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; tầng lớp trung lưu cũng ngày càng phát triển, cho thấy kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh đã phục hồi nhanh, đồng bộ và tương đối ổn định.
Mặc dù vậy, môi trường kinh tế, chính trị toàn cầu được dự báo còn nhiều bất ổn, gây ra những khó khăn mới cho nền kinh tế thế giới và Việt Nam.
Thêm vào đó là chính sách thuế tối thiểu toàn cầu, các tiêu chí xanh, bền vững cùng với bộ chỉ tiêu môi trường-xã hội-quản trị (ESG) đang được áp dụng tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam, đặc biệt là thị trường châu Âu, trong đó có Đức, là những nguyên nhân tác động đến việc thu hút nguồn vốn FDI và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam.
Thành phố Hồ Chí Minh luôn xác định vai trò và sứ mệnh tiên phong của mình trong triển khai các chiến lược phát triển công nghệ cao, chip, bán dẫn, kinh tế số, kinh tế xanh...
Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn thiện khung chiến lược tăng trưởng xanh đến 2030 (tầm nhìn 2050) xác định lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm chuyển đổi.
Thành phố Hồ Chí Minh được đánh giá là nơi tốt nhất để thử nghiệm các chính sách thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn nhờ đặc thù về đô thị, quy mô dân số và tính năng động của nền kinh tế.
Theo bà Cao Thị Phi Vân, Diễn đàn doanh nghiệp Đức-Việt Nam là cơ hội giúp cập nhật môi trường đầu tư cũng như cơ chế phát triển mới của Thành phố Hồ Chí Minh đối với các nhà đầu tư châu Âu, đặc biệt là nhà đầu tư Đức. Qua đó, khai thác tiềm năng hợp tác đầu tư giữa Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành lân cận và các nước châu Âu trong lĩnh vực tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và đổi mới sáng tạo.
Diễn đàn cũng sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam gặp gỡ, kết nối và thúc đẩy hợp tác giao thương trong thời gian tới với doanh nghiệp châu Âu.
Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục nỗ lực để luôn là điểm đến hấp dẫn và mở ra nhiều cơ hội hợp tác đối với các doanh nghiệp châu Âu nói chung và Đức nói riêng, giúp hai bên phát huy nhiều hơn nữa tiềm năng hợp tác trong tương lai.
Ông Alexander Ziehe, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đức tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhấn mạnh Diễn đàn doanh nghiệp Đức-Việt Nam đầu tiên hướng tới sự phát triển bền vững, chính sách xanh nhằm đưa nền kinh tế Việt Nam hướng tới các cam kết tại COP26 về việc đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Tăng trưởng xanh mở ra cơ hội mới cho nền kinh tế và doanh nghiệp để nâng cao sự cạnh tranh. Mô hình kinh doanh mới đang được triển khai, công nghệ mới đang nổi lên và toàn bộ chuỗi cung ứng đang biến đổi.
Điều này tạo ra sự tăng trưởng cho các doanh nghiệp tại Việt Nam bằng cách thúc đẩy hàng hóa và dịch vụ carbon thấp, khám phá thị trường mới và ủng hộ đối tác trong việc xanh hóa.
Theo ông Alexander Ziehe, Việt Nam đã tận dụng các đối tác công tư, sự mở cửa cho các cải cách chính sách và cộng đồng doanh nghiệp đổi mới sáng tạo phục vụ mục tiêu phát triển bền vững. Thành phố có mạng lưới các công ty, trường đại học và đối tác đã thúc đẩy những ý tưởng mới và thực hiện sự thay đổi.
Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức đến từ sự đô thị hóa nhanh chóng do sự gia tăng dân số đang ảnh hưởng đến thiên nhiên, nông nghiệp và năng lượng nói riêng. Nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại hơn chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến môi trường.
Để hỗ trợ công nghệ mới và nâng cao tiêu chuẩn thì Việt Nam nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, cần hoàn thiện chính sách theo hướng cải tiến về tài chính, thủ tục hành chính, cơ sở hạ tầng, số hóa và lao động nước ngoài.
Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp Đức hoạt động tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam đã đối mặt với nhiều thách thức như hạn chế về tài nguyên, thiếu sự đào tạo về kiến thức và những rào cản về các quy định dẫn đến sự trì hoãn trong việc triển khai các giải pháp phát triển bền vững.
Ông Erick Contreras, Chủ tịch Tiểu ban tăng trưởng xanh Eurocham chia sẻ Việt Nam đang phát triển đa dạng hóa và thích ứng để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net-zero) vào năm 2050; trong đó nổi bật là xu hướng chuyển dịch sang năng lượng tái tạo.
Tuy nhiên, quá trình tăng trưởng năng lượng tái tạo đang gặp nhiều thách thức do quy trình chưa rõ ràng, cơ sở hạ tầng và hệ thống truyền tải năng lượng bị hạn chế, sự sai lệch giữa tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế, chúc năng của hợp đồng mua bán điện không chắc chắn cản trợ đầu tư quốc tế vào ngành điện.
Việt Nam nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng muốn đẩy nhanh quá trình chuyển tăng trưởng xanh, cần ưu tiên các cơ chế minh bạch để kích thích đầu tư vào hiệu quả năng lượng, bao gồm giảm trợ cấp cho giá điện. Đồng thời, có giải pháp tiếp cận kịp thời và đồng bộ để tối đa hóa sự đóng góp của năng lượng tái tạo (mặt trời, sinh học, gió) vào nguồn cung năng lượng quốc gia.
Thành phố cũng cần triển khai áp dụng các giải pháp vật liệu xây dựng thân thiện với môi thường và tái sử dụng; xây dựng lộ trình quy hoạch đô thị rõ ràng, không chỉ các công trình xanh mà bao gồm cả quản lý nước, chất thải và giao thông…, ông Erick Contreras khuyến nghị./.