Doanh nghiệp Việt Nam-Algeria tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh

80 doanh nghiệp Việt Nam và Algeria đã tham gia hội thảo trực tuyến giới thiệu thị trường Algeria nhằm tìm hiểu về nhu cầu của nhau cũng như tìm kiếm đối tác hợp tác kinh doanh trong nhiều lĩnh vực.

Các doanh nghiệp tham gia hội thảo tại trụ sở Thương vụ Việt Nam tại Algeria để kết nối với các đối tác Việt Nam. (Ảnh: Trung Khánh/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Algeria, chiều 19/10 (giờ Hà Nội), tại thủ đô Algiers của Algeria, Thương vụ Việt Nam tại Algeria đã phối hợp với Diễn đàn Xuất Nhập khẩu và Đầu tư Algeria (AFIETI) tổ chức Hội thảo trực tuyến giới thiệu thị trường Algeria và quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước.

Sự kiện, được tổ chức trực tuyến trên nền tảng Zoom thu hút sự tham dự của khoảng 60 doanh nghiệp, trong đó có hơn 20 doanh nghiệp Algeria hoạt động kinh doanh trong nhiều lĩnh vực.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Diễn đàn Xuất Nhập khẩu và Đầu tư Algeria, ông Mohamed Hassani, cho rằng sự kiện là cơ hội để hai bên làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ lịch sử gắn bó trong quá khứ cũng như củng cố và nâng cao mối quan hệ hợp tác kinh tế song phương lên ngang tầm với mong muốn của người dân hai nước.

Ông cũng cho biết thêm rằng tại Diễn đàn Doanh nghiệp vừa diễn ra tại Hà Nội trong khuôn khổ kỳ họp lần thứ 12 của Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Algeria, hai bên đã nỗ lực thiết lập quan hệ đối tác chiến lược trong nhiều lĩnh vực then chốt bao gồm nông nghiệp, an ninh lương thực, công nghệ, năng lượng tái tạo, phát triển cơ sở hạ tầng như đường sá và cảng biển, khai thác tài nguyên thiên nhiên, giáo dục và nghiên cứu khoa học.

[Chủ tịch Quốc hội: Đẩy mạnh quan hệ thương mại Việt Nam-Algeria]

Về phần mình, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Algeria Hoàng Đức Nhuận cho rằng sự tham gia của khoảng 60 doanh nghiệp tại hội nghị lần này thể hiện sự quan tâm lớn của các doanh nghiệp đến tiềm năng hợp tác kinh tế và thương mại song phương.

Việt Nam và Algeria có chung lịch sử đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân và mối quan hệ song phương đã không ngừng phát triển trong thời gian qua được thể hiện qua việc trao đổi nhiều đoàn cấp cao cũng như các hoạt động hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Trong lĩnh vực kinh tế, nhiều hiệp định, thỏa thuận, biên bản đã được ký kết bao gồm Hiệp định thương mại song phương, Biên bản ghi nhớ về hợp tác xúc tiến thương mại… đã tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho hoạt động của các công ty Việt Nam và Algeria.

Trong lĩnh vực thương mại, cơ cấu xuất nhập khẩu giữa 2 nước không mang tính cạnh tranh mà mang tính bổ sung cho nhau. Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, thương mại song phương chỉ đạt 145 triệu USD vào năm 2022 do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, trong 9 tháng đầu năm nay, tổng giá trị thương mại giữa 2 nước đã đạt 175 triệu USD, tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Các mặt hàng Việt nam xuất khẩu bao gồm càphê thô, hạt tiêu, hạt điều, cơm dừa, thủy sản, sắt thép, hóa chất… Việt Nam cũng nhập khẩu từ Algeria các loại thuốc tân dược, bột trái minh quyết, một số loại quặng, giấy vụn và thức ăn chăn nuôi.

Trong lĩnh vực đầu tư, Liên doanh Dầu khí giữa Petro Việt Nam, tập đoàn Sonatrach của Algeria và công ty PTTEP của Thái Lan cũng là biểu tượng cho sự hợp tác thành công giữa hai nước. Sau 12 năm hoạt động, liên doanh này đã cho ra dòng dầu đầu tiên vào tháng 8/2015 và công suất hiện nay đạt khoảng 18.000 thùng/ngày.

Tuy nhiên, theo Tham tán Hoàng Đức Nhuận, mặc dù đã đạt được nhiều tiến bộ nhưng hợp tác kinh tế hiện nay vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng của hai nước và chưa đáp ứng được kỳ vọng của lãnh đạo cấp cao hai nước.

Một số lý do có thể kể ra là khoảng cách địa lý xa xôi, sự quan tâm chưa đầy đủ của các lãnh đạo doanh nghiệp ở cả hai nước, cũng như thiếu sự trao đổi các đoàn doanh nghiệp.

Ông Hoàng Đức Nhuận đánh giá hội nghị lần này cũng là dịp tốt để thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước. Thương vụ Việt Nam tại Algeria cam kết sẽ tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động hơn nữa nhằm kết nối các doanh nghiệp hai bên.

Tham gia phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Algeria (CACI) đồng thời cũng là chủ công ty Palais du Café, một công ty chuyên nhập khẩu và rang xay càphê, cho biết ông cũng đang muốn tìm đối tác cung cấp càphê từ phía Việt Nam, tuy nhiên vẫn chưa tìm được do đa số các công ty xuất khẩu càphê của Việt Nam hiện chưa cung cấp hàng theo giá trên các sàn giao dịch nông sản quốc tế.

Ông cũng kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sản xuất hoặc chế biến tại Algeria để tận dụng các quy định của Hiệp định Thương mại Tự do Lục địa châu Phi (AfCFTA). Theo đó, nếu hàng hóa có tỷ lệ nội địa hóa 40% tại Algeria thì sẽ được miễn thuế để thâm nhập 53 nước châu Phi khác với thị trường 1,4 tỷ người và tổng GDP hàng năm 3.000 tỷ USD.

Ông Nabil Akriche, Cố vấn phụ trách xuất nhập khẩu của diễn đàn AFIETI, thông tin thêm tổ chức này đang cố gắng thiết lập cầu nối liên lạc giữa các nhà hoạt động kinh tế, bao gồm cả nhà sản xuất, nhà nhập khẩu, nhà xuất khẩu và nhà đầu tư để giúp phát huy tối đa lợi thế và tiềm năng kinh tế của các bên.

Theo ông Nabil, Algeria là thị trường lớn về lương thực và vật tư nông nghiệp. Người dân Algeria tiêu thụ lượng lớn càphê trong cuộc sống hàng ngày và đất nước này đang nhập khẩu càphê từ một số quốc gia, trong đó có Brazil và Việt Nam.

Trà cũng là loại đồ uống xếp thứ 2 sau càphê, tuy nhiên cho đến nay, Trung Quốc vẫn là quốc gia cung cấp chính các loại trà cho Algeria với nhiều mẫu mã và giá cả khác nhau.

Thứ 3 có thể kể đến là các loại gia vị. Người dân Algeria có nhu cầu sử dụng nhiều loại như tiêu (cả tiêu đen và tiêu trắng), quế, hồi, nghệ, đinh hương, gừng… tuy nhiên do có nhiều nhà cung cấp trên thị trường đến từ nhiều nước khác nhau như Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ, Syria nên giá cả là yếu tố cạnh tranh quan trọng cần xem xét khi muốn thâm nhập thị trường này.

Các loại hạt như hạt điều, hạnh nhân, đậu phộng hay gạo cũng là các loại sản phẩm mà Algeria có nhu cầu nhập khẩu cao.

Trong lĩnh vực dệt may và da giầy, Algeria cũng nhập khẩu quần áo may sẵn, nguyên phụ liệu ngành dệt may, giầy dép nam nữ và trẻ em. Các sản phẩm của Việt Nam trên thị trường cũng được người dân đánh giá cao trong tương quan giữa giá cả và chất lượng.

Ngoài ra, Algeria cũng có nhu cầu nhập khẩu một số mặt hàng khác như nguyên liệu mỹ phẩm, dầu thực vật, phụ tùng ôtô, thiết bị di động, đồ điện tử…

Ở chiều ngược lại, ông Nabil khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu một số mặt hàng chủ lực và có thế mạnh của Algeria như chà là và các sản phẩm chiết xuất từ chà là, quả ô liu và dầu ô liu, bột trái minh quyết, các sản phẩm gia cầm, nông sản (các sản phẩm giấm, nước sốt, mứt… làm từ táo, nho, cà chua, dâu tây), gốm sứ, ximăng, thạch cao…

Algeria là nước sản xuất chà là lớn thứ 4 trên thế giới với hơn 170 chủng loại. Nước này cũng đang có lợi thế về khả năng cung cấp số lượng lớn trong bối cảnh nhiều nước xuất khẩu khác như Tunisia, Tây Ban Nha, Italy đang giảm sản lượng do hạn hán.

Dầu ôliu của Algeria cũng được đánh giá là có chất lượng rất tốt và từng giành được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi quốc tế. Nước này cũng có thể cung cấp số lượng lớn bột trái minh quyết dùng để thay thế ca cao trong công nghiệp thực phẩm vì có giá thành rẻ hơn.

Trong cuộc hội thảo, doanh nghiệp hai bên cũng đã trao đổi trực tiếp để tìm hiểu về nhu cầu của nhau và tìm kiếm đối tác hợp tác kinh doanh./.

Trung Khánh (TTXVN/Vietnam+)