Doanh nghiệp Việt cần bắt tay cùng làm đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam
Ngoài việc học hỏi, làm chủ công nghệ thi công dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, các doanh nghiệp Việt Nam cũng trăn trở đến việc nguồn nhân lực lao động.
Với năng lực, trình độ các doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia các dự án giao thông hiện nay, đại diện các nhà thầu giao thông khẳng định hoàn toàn có thể đảm đương được về mặt công nghệ, thi công.
“Trận địa công nghệ mới”
Tại buổi Tọa đàm: “Đường sắt tốc độ cao-Cơ hội và thách thức với doanh nghiệp Việt” do Báo Giao thông tổ chức vào sáng 19/11, theo ông Vũ Hồng Phương, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đường sắt, đây là dự án rất lớn và có nguồn vốn đặc biệt lớn, chưa từng có tại Việt Nam.
Khẳng định quan điểm của Đảng, Chính phủ là ưu tiên tối đa cho doanh nghiệp trong nước trên tất cả các lĩnh vực, từ tư vấn, thi công xây lắp, đến sản xuất vật liệu; công nghiệp đường sắt,… ông Phương đặt vấn đề chính sách đã có thì sự sẵn sàng của doanh nghiệp thế nào?
“Nghiên cứu của Tư vấn đã chỉ ra, với giá trị vốn đầu tư hợp phần xây lắp hạ tầng khoảng 33 tỷ USD, cùng đó là các hợp phần về hệ thống điều khiển, hệ thống cấp điện, phương tiện… Đây là cơ hội rất lớn đối với các doanh nghiệp trong nước,” ông Phương nhìn nhận.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho rằng thời gian qua, các nhà thầu Việt đã có sự phát triển vượt bậc, có thể thực hiện được tất cả những công trình cầu, hầm.
Tuy nhiên, với dự án đường sắt tốc độ cao có tốc độ 350km/h, ông Hiệp lưu ý độ chính xác liên quan đến tốc độ đòi hỏi mức độ khác hơn về công nghệ, do đó không thể chủ quan. Các nhà thầu Việt Nam cần ý thức đây là một “trận địa công nghệ mới” cần học hỏi, tiếp thu các kiến thức tiên tiến nhất về xây dựng để ứng dụng.
Với năng lực, trình độ các doanh nghiệp Việt hiện nay, ông Hiệp khẳng định hoàn toàn có thể đảm đương được về mặt công nghệ, thi công. Vấn đề cần quan tâm chỉ là nguồn nhân lực lao động.
Là đơn vị tham gia thi công hàng loạt gói thầu tại các Dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông, Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn nhận thấy cơ hội rất lớn của Trường Sơn và các nhà thầu Việt. Nếu không chuẩn bị kỹ, doanh nghiệp Việt thua ngay trên sân nhà.
“Ngoài tự thân cố gắng, cần có sự phối hợp với nhau giữa các doanh nghiệp. Trước đây doanh nghiệp xây lắp thường cạnh tranh, nhưng gần đây có hỗ trợ tương tác tốt. Chúng ta cần phát huy yếu tố này khi thực hiện đường sắt tốc độ cao và hệ thống đường sắt khác,” Đại tá Nguyễn Tuấn Anh góp ý.
Đánh giá hiện nay thiết bị nhà thầu Việt đáp ứng yêu cầu, nhưng khi làm hạng mục công trình đường sắt tốc độ cao đòi hỏi công nghệ mới hơn, đặc biệt là tính chính xác của máy móc, Đại tá Nguyễn Tuấn Anh tin rằng nếu có sự hỗ trợ chính sách của Đảng, Nhà nước thì nhà thầu xây lắp Việt có thể tự hoàn thành các hạng mục.
Vấn đề then chốt là gì?
Tại buổi tọa đàm, các nhà thầu Việt Nam cũng bày tỏ nguồn nhân lực là vấn đề then chốt của dự án đường sắt tốc độ cao. Tính toán cho thấy, dự án sẽ cần khoảng 240.000 công nhân kỹ thuật cho thi công xây lắp hạ tầng và một số chuyên ngành đặc thù, 13.800 nhân lực vận hành và khoảng 2.000 chuyên gia tư vấn.
Ông Mai Thanh Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tổng công ty Công trình đường sắt (RCC) nhìn nhận trong 2 năm tới để khởi động thi công, không thể lao vào đào tạo nhân lực mà cần tìm giải pháp thông qua nhập khẩu lao động, nhập khẩu kỹ sư. Việc đào tạo dành cho chiến lược dài hơi trong 5 năm tới.
Ông Nguyễn Quang Huy, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho biết tập đoàn đã hợp tác với các trường đại học trong nước, thành lập Viện đào tạo nghiên cứu Đèo Cả khai giảng chương trình đào tạo chuyên ngành xây dựng đường sắt-metro.
“Đặc biệt, thời gian qua, Tập đoàn Đèo Cả cũng đã tổ chức nhiều đoàn công tác học tập dài ngày, nghiên cứu, làm việc với các đơn vị trong nước và các đối tác nước ngoài về tất cả những vấn đề liên quan tới công nghệ, nội địa hóa, chuyển giao công nghệ, liên doanh liên kết,” ông Huy chia sẻ.
Về cơ chế chính sách đối với nhà thầu tham gia dự án này, ông Huy đề nghị Nhà nước sớm công bố tiêu chuẩn để doanh nghiệp nhà thầu có cơ sở đi theo, có đầu bài để đưa ra hợp tác quốc tế, có chuẩn để tiếp cận công nghệ phù hợp.
“Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam nếu Nhà nước phụ trách giải phóng mặt bằng, chuẩn bị mỏ, nhà thầu vào thực hiện dự án thì thời gian có thể rút ngắn từ 6-9 tháng,” ông Huy bày tỏ sự tin tưởng.
Thừa nhận một trong những điểm vướng mắc nhất khi thi công các dự án là công tác giải phóng mặt bằng, Đại tá Phan Phú, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty 319 (Bộ Quốc phòng) đề xuất trong bước thiết kế, nếu đã có quy hoạch đề nghị thu hồi ngay mặt bằng.
“Nếu có hành lang pháp lý có diện thu hồi đất thì công tác giải phóng mặt bằng cũng sẽ được triển khai nhanh hơn. Nếu không, doanh nghiệp sẽ rất khó khi làm việc với người dân,” Đại tá Phan Phú nói.
Ở góc độ khác, ông Trần Cao Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn xây dựng Miền Trung đặt câu hỏi: “Doanh nghiệp phải huy động nguồn vốn lớn để tham gia, vậy liệu có được cơ chế chính sách nào để tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng khi chưa biết trước mắt thắng thua như thế nào? có ưu đãi gì để dễ dàng thực hiện dự án này hơn?”
Từ đó, ông Sơn cho rằng Nhà nước cần cơ chế tạo điều kiện doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.
Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn kiến nghị cần xem xét ban hành sớm các tiêu chuẩn ngành, khảo sát, thiết kế, nghiệm thu, thanh toán, thi công để tạo ra hành lang pháp lý sau này từ đầu tư, thiết kế, thi công đến phê duyệt./.