Doanh nghiệp phản hồi về việc áp dụng giá sàn trong xuất khẩu gạo
Theo ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Tân Long, đề nghị của VFA hoàn toàn phi nguyên tắc thị trường bởi giá sàn không có giá trị khi giá thị trường thế giới cao hơn giá sàn.
Xuất khẩu gạo đang có nhiều thuận lợi, nhưng trong nước xuất hiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh về giá.
Trong cuộc họp mới đây của Bộ Công Thương về gỡ khó cho xuất khẩu nông sản, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã đề xuất đưa giá sàn vào trong xuất khẩu gạo. Đây là đề xuất không mới của VFA và cũng đã từng được áp dụng, nhưng sau đó phải bỏ.
Đề xuất lần này của VFA tiếp tục nhận được sự phản ứng của doanh nghiệp trong xuất khẩu gạo.
Trước đề xuất của VFA, ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Tân Long cho rằng, VFA kiến nghị áp giá sàn xuất khẩu gạo chỉ vì hai hợp đồng trúng thầu xuất khẩu gạo sang Indonesia với giá bình quân thấp hơn chỉ khoảng 15 USD/tấn so với giá thị trường gần 580 USD/tấn là sự vô lý.
Trong vận hành thị trường nông sản, nguồn cung bị ảnh hưởng rất lớn từ tác động từ thời tiết, mùa vụ và dịch bệnh. Vì thế yếu tố tương lai sẽ quyết định đến xu hướng giá.
Doanh nghiệp có thể nhận định xu hướng giá tương lai giảm và ký hợp đồng với giá thấp hơn. Vì hợp đồng xuất khẩu này giao hàng vào tháng 7. Ngược lại trong trường hợp, giá thị trường tăng, doanh nghiệp chấp nhận vẫn phải giao hàng và chấp nhận lỗ.
Đó là chuyện kinh doanh của doanh nghiệp, không thể nói là đây là sự ảnh hưởng lớn đến an ninh lương thực quốc gia hoặc ảnh hưởng lớn đến người dân, cũng không thể nói đây là phá giá, ông Trương Sỹ Bá cho hay.
Theo ông Trương Sỹ Bá, đề nghị của VFA hoàn toàn phi nguyên tắc thị trường. Bởi, giá sàn không có giá trị khi giá thị trường thế giới cao hơn giá sàn. Còn trong trường hợp, giá thị trường thế giới thấp hơn giá sàn thì cầu của thị trường sẽ mua gạo của các nước khác trên thế giới như Thái Lan, Ấn Độ…
Như vậy gạo Việt Nam sẽ không xuất khẩu được. “Giá sàn lúc đó là một rào cản, giống như là cấm xuất khẩu. Như vậy, nông dân Việt Nam sẽ không bán được hàng và giá nội địa sẽ giảm rất sâu. Bằng chứng trong nhiều năm trước đã xảy ra và Việt Nam đã bỏ giá sàn xuất khẩu gạo,” ông Trương Sỹ Bá nêu rõ.
Ông Trương Sỹ Bá còn cho rằng, VFA chưa có thảo luận với các doanh nghiệp trong ngành hàng lúa gạo.
Nhìn về thị trường lúa gạo, ông Trương Sỹ Bá đánh giá, Ấn Độ thời gian qua có chính sách về an ninh lương thực nên hạn chế xuất khẩu. Tuy nhiên, chính sách này không thể là mãi mãi.
Đến một lúc nào, tồn kho nội địa Ấn Độ tăng lên họ sẽ phải dỡ bỏ chính sách hạn chế xuất khẩu. Chỉ cần Ấn Độ dỡ bỏ chính sách này thì chắc chắn giá gạo thế giới sẽ giảm ngay.
Theo ông Trương Sỹ Bá, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang phải “rón rén,” không dám mua hàng nhiều, không dám tồn kho cao là bởi sợ nhất khi Ấn Độ dỡ bỏ chính sách hạn chế xuất khẩu gạo.
Nhìn về thị trường nông sản thế giới, ông Trương Sỹ Bá cho biết, các nước xuất khẩu ngũ cốc lớn trên thế giới giao dịch mấy trăm triệu tấn mỗi năm nhưng chưa thấy nước nào có rào cản về giá sàn xuất khẩu mà hoàn toàn hoạt động vận hành theo thị trường tự do.
Các nước xuất khẩu gạo quanh Việt Nam cũng không có nước nào áp giá sàn xuất khẩu và cũng chưa thấy nước nào có thị trường tập trung, trừ các hợp đồng hỗ trợ của Chính phủ.
Về việc VFA cho rằng giá xuất khẩu thấp hơn giá thị trường và ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của người nông dân, ông Trương Sỹ Bá cho rằng không đúng. Nếu áp dụng giá sàn, ông Trương Sỹ Bá khẳng định, giá gạo nội địa sẽ giảm rất sâu và người chịu thiệt thòi nhất là người nông dân.
Trước đây, người nông dân cũng đã bị gánh chịu chính sách này. Bên cạnh đó, để thay đổi giá sàn sẽ phải quyết định từ Chính phủ. Khi đó việc quyết định sẽ không thể nhanh và doanh nghiệp sẽ là người tổn hại tiếp theo.
“Giá là do người mua, người bán thiết lập chứ không phải là một hiệp hội có thể định giá thị trường,” ông Trương Sỹ Bá nêu vấn đề.
Một vấn đề nữa được ông Trương Sỹ Bá đưa ra là khi áp dụng giá sàn thì các đơn hàng xuất khẩu đều phải thông qua VFA để đăng ký mới xuất khẩu được. Như vậy sẽ phát sinh thủ tục hành chính và chi phí với doanh nghiệp.
Về kiến nghị về áp dụng giá sàn trong xuất khẩu gạo, bà Bùi Thanh Tâm, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood1) cũng cho biết, trước đây, khi áp dụng giá sàn cũng có nhiều ưu điểm, nhưng sau đó áp dụng cũng có nhiều ý kiến và bỏ giá sàn. Bây giờ quay lại giá sàn cần có nghiên cứu đánh giá kỹ lưỡng.
Về việc doanh nghiệp bỏ thầu với giá thấp, Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng, cần phải xem xét đấy là loại gạo gì? Nếu là loại gạo dẻo, gạo thơm (gạo cao cấp) cần thiết phải rà soát cho kỹ về động cơ. Nếu là gạo thường, gạo phẩm cấp thấp thì điều đó có lo ngại, nhưng cũng dễ vượt qua.
Việc doanh nghiệp bỏ thầu giá thấp dẫn đến 2 tình huống: Nếu nhu cầu mua gạo trên thế giới tăng cao, doanh nghiệp bỏ giá thấp sẽ thua lỗ do giá lúa trong nước tăng cao. Ngược lại, nhu cầu mua thấp hoặc nguồn cung tăng nếu Ấn Độ mở cửa xuất khẩu gạo trở lại, doanh nghiệp vẫn có đơn hàng để giao.
Theo chuyên gia Hoàng Trọng Thủy, việc bỏ thầu giá thấp hay cao là quyền của doanh nghiệp. Tuy nhiên, giá thấp cũng sẽ tác động đến công việc quản trị của cơ quan quản lý, nhà xuất khẩu và người nông dân.
Bởi rất có thể nhiều nhà mua, lấy đây làm căn cứ để hạ giá gạo của Việt Nam xuống thấp hơn, gây bất lợi cho người trồng lúa. Và rất có thể gây ra những tổn thương đối với gạo xuất khẩu của Việt Nam.
Là một trong 2 doanh nghiệp vừa qua trúng thầu với giá thấp tại thị trường Indonesia, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời Huỳnh Văn Thòn cho biết, công ty có vùng nguyên liệu và nhiều nhà máy xay xát lúa gạo khắp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có hệ sinh thái từ mua lúa đến sản xuất lúa gạo nên có lợi thế về chi phí. Do đó, Lộc Trời bán gạo với giá nào cũng không ảnh hưởng đến nông dân.
Theo ông Huỳnh Văn Thòn, Lộc Trời đã có rất nhiều năm gắn bó với nông dân, có hệ sinh thái đa dạng từ giống, thuốc bảo vệ thực vật, công nghệ... thì chi phí đầu vào sẽ khác với các doanh nghiệp chỉ thu mua lúa đơn thuần. Bởi vậy, doanh nghiệp bán giá nào cũng đều là quyền tự quyết của doanh nghiệp.
Trước thông tin từ một số cơ quan truyền thông, trong đợt thầu ngày 21/5/2024 của Indonesia để nhập khẩu 300.000 tấn gạo trắng 5% tấm, một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đã dự thầu và trúng thầu với giá thấp hơn giá xuất khẩu của gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã có văn bản hỏa tốc gửi Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) yêu cầu xác minh thông tin doanh nghiệp xuất khẩu gạo bỏ thầu giá thấp.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, hành vi xuất khẩu gạo với giá thấp có thể vi phạm pháp luật về cạnh tranh. Cục Xuất nhập khẩu đề nghị VFA tổ chức làm việc với các hội viên đã trúng thầu vào thị trường Indonesia và báo cáo Bộ Công Thương chi tiết về hoạt động xuất khẩu và tình hình đấu thầu xuất khẩu của doanh nghiệp./.