Doanh nghiệp, người dân vẫn ‘thấp thỏm’ trước việc cắt điện luân phiên

Việc cắt điện là điều không mong muốn song doanh nghiệp kiến nghị ngành điện cần có kế hoạch cắt điện, thời gian thông báo trước để, doanh nghiệp sắp xếp làm lệch ca hoặc làm thêm vào ngày có điện.

Doanh nghiệp đẩy mạnh các giải pháp tiết kiệm năng lượng, hợp lý hóa các quy trình sản xuất. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Việc cắt điện tại nhiều nơi trong những ngày vừa qua đã làm đảo lộn hoạt động sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp lẫn sinh hoạt của người dân.

Nhiều ý kiến cho rằng, thiếu điện là khó khăn chung, song việc cắt điện cũng cần có kế hoạch và được thông báo trước để giảm thiệt hại xuống thấp nhất, tránh lãng phí nguồn lực của doanh nghiệp.

Đảo lộn vì thiếu điện

Hơn 2 tuần nay, quán phở trên địa bàn quận Hai Bà Trưng của anh Hưng vắng khách hơn. Thời tiết nắng nóng khiến nhu cầu ăn những món đồ nóng sụt giảm, nhưng tình trạng mất điện đột ngột khiến việc kinh doanh đã khó lại càng thêm khó khăn.

Theo anh Hưng chia sẻ, mỗi tháng chi phí tiền điện của cửa hàng từ 12-15 triệu đồng, bởi toàn bộ hệ thống nồi đun cùng với hệ thống điều hòa luôn chạy hết công suất, do vậy chỉ cần mất điện là cửa hàng sẽ phải ngừng hoạt động.

“Nếu cắt điện mà được thông báo trước thì có thể tạm nghỉ vài ngày, nhưng lo ngại nhất là việc mất điện đột ngột, vừa ảnh hưởng tới khách hàng lại có thể làm hỏng hết đồ đun nấu,” anh Hưng chia sẻ.

[Nhiều thủy điện phải phát cầm chừng do lưu lượng nước về hạn chế]

Cũng như anh Hưng, nhiều doanh nghiệp hiện đang tăng tốc để trả đơn hàng nên khi điện không được cung cấp ổn định sẽ tác động rất lớn tới hoạt động của họ.

Ông Trần Văn Nam, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thiết bị điện tử MBT cho biết việc thiếu điện, cắt điện luân phiên ảnh hưởng rất lớn đến công việc sản xuất kinh doanh, hơn nữa các chỉ tiêu đặt ra trong tháng cũng sẽ bị đảo lộn, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành sản phẩm, thậm chí có thể làm mất uy tín với khách hàng do chậm tiến độ giao hàng.

“Nếu tình trạng này còn kéo dài, doanh nghiệp cũng chỉ còn cách chủ động đầu tư thêm máy phát điện để đáp ứng những đơn hàng cấp bách, đảm bảo tiến độ,” vị này nói.

- Vận hành điện của Hà Nội những ngày gần đây:

Doanh nghiệp đẩy mạnh các giải pháp tiết kiệm năng lượng, hợp lý hóa các quy trình sản xuất. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tuy nhiên, giải pháp này chỉ là tình thế, bởi việc đầu tư mua và vận hành máy phát điện sẽ phát sinh thêm một khoản chi phí ngoài dự phòng, trong khi việc cắt điện chỉ diễn ra tại một số thời điểm nhất định và có thể chỉ cục bộ ở vài nơi.

"Doanh nghiệp sẵn sàng chung tay để giảm áp lực cho ngành điện và xã hội nói chung qua mùa nóng, thiếu điện. Song doanh nghiệp mong muốn, điện lực cần có kế hoạch cắt điện, thời gian thông báo trước càng sớm càng tốt. Khi đó, doanh nghiệp sắp xếp làm lệch ca hoặc làm thêm vào những ngày có điện, để không bị ảnh hưởng nhiều…," ông nói.

Hạn chế việc mất điện không báo trước

Có thể thấy, việc cắt điện trong những tháng cao điểm mùa khô năm nay là một điều không mong muốn của ngành điện, song để hài hòa giữa các chủ thể, vẫn cần sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả hơn.

Chia sẻ về việc này, ông Nguyễn Minh Châu, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn cơ khí chính xác Hà Nội CNC, điện là yếu tố đầu vào vô cùng quan trọng trong hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

Trước dự báo sản lượng điện không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng trong mùa cao điểm năm 2023, cuối tháng Năm vừa qua, doanh nghiệp đã thực hiện ký kết "Thỏa thuận đồng hành cùng EVN" khi nhận được yêu cầu phối hợp với điện lực khu vực cắt giảm phụ tải (giảm lượng điện tiêu thụ khi nhận được thông tin yêu cầu).

Tuy nhiên, thực tế việc giảm tải (giảm phụ tải, hoặc cắt điện) như hiện nay khiến doanh nghiệp rất nhiều khó khăn và thách thức trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch.

Bởi lẽ, năm 2023 suy thoái kéo theo đơn hàng giảm sút, các đơn hàng, dự án được triển khai thường có yêu cầu tiến độ ngắn, gấp. Vì vậy, việc mất điện khiến doanh nghiệp bị động trong việc điều chỉnh kế hoạch sản xuất, ảnh hưởng lớn đến chuỗi sản xuất.

Trước thực tế đó, doanh nghiệp đã hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng điện trong nhà máy, động viên và sắp xếp điều chỉnh lịch làm việc của người lao động; Chia sẻ thông tin mất điện với các bên liên quan, báo cáo khách hàng ngay khi sắp xếp và đối ứng kế hoạch mới và xin kéo dài thời gian thực hiện một số đơn hàng trong phạm vi cho phép...

“Thấu hiểu khó khăn của ngành điện, nhưng doanh nghiệp mong nhận được kế hoạch cắt điện sớm, nhằm đủ thời gian điều tiết, sắp xếp kế hoạch sản xuất cũng như thông báo tới nhà cung cấp, khách hàng,” vị này nêu ý kiến.

Nhân viên EVNHANOI hướng dẫn người dân ứng dụng công nghệ để theo dõi việc sử dụng điện. (Ảnh: evnhanoi)

Báo cáo của Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) về tình hình vận hành hồ thủy điện ngày 13/6 cho thấy, các hồ chứa khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Đông Nam Bộ ở mực nước tăng nhẹ ở mức nước thấp, xấp xỉ mực nước chết. Khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên mực nước các hồ dao động nhẹ so với ngày hôm qua, mực nước nằm trong phạm vi mực nước tối thiểu theo quy định của quy trình vận hành.

Dù vậy, lượng nước về hồ chủ yếu để điều tiết nước đảm bảo dòng chảy tối thiểu, các nhà máy thủy điện vận hành phát điện bằng lưu lượng nước về, số nhà máy xấp xỉ mực nước chết tập trung khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ phát điện cầm chừng với cột nước, công suất thấp để đảm bảo an toàn cho tổ máy khi vận hành, khó có thể đáp ứng được việc phát điện theo quy trình vận hành hồ chứa tại thời kỳ này.

Trước những khó khăn về cung ứng điện hiện nay, ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) đã yêu cầu EVN tập trung huy động hiệu quả mọi nguồn lực, trong chỉ đạo điều hành thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng điện.

Cụ thể là duy trì độ sẵn sàng các nhà máy/tổ máy nhiệt điện, đẩy nhanh thời gian khắc phục sự cố nhanh nhất có thể; Vận hành hệ thống điện hợp lý, cố gắng tăng huy động nhiệt điện để ngăn chặn suy giảm mực nước thuỷ điện; đẩy mực nước các hồ thủy điện lớn lên khỏi mực nước chết càng sớm càng tốt; Chủ động xây dựng các kịch bản linh hoạt ứng phó với những khó khăn về cung ứng điện nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, tăng cường huy động các nhà máy năng lượng tái tạo, đẩy nhanh tiến độ đưa các nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp vào vận hành.

Đại diện EVN cũng thông tin về việc tiết giảm điện, trong đó, hai đơn vị là Tổng Công ty Điện lực miền Bắc và Tổng Công ty Điện lực Hà Nội đã lên phương án tính toán theo hướng ưu tiên cho khách hàng sử dụng điện quan trọng đã được tỉnh và thành phố phê duyệt; Cùng với đó, ưu tiên cho các khách hàng căn cứ vào thực tế của các địa phương như các đơn vị sản xuất các mặt hàng thiết yếu như sản xuất nước sạch, thực phẩm... và các cơ sở sản xuất sử dụng nhiều lao động...

“Tất cả những kế hoạch này đều được các đơn vị báo cáo lên Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, thành phố và Sở Công Thương các địa phương để giám sát việc thực hiện,” đại diện EVN cho hay./.

Duy Anh (Vietnam+)