Doanh nghiệp không hấp thụ được vốn, ngân hàng 'tồn kho tiền'
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng doanh nghiệp khỏe, tiếp cận được vốn, ngân hàng mới có dư địa, mảnh đất để hoạt động, ngược lại, ngân hàng phải tồn tại được mới có nguồn vốn cho cho doanh nghiệp.
Doanh nghiệp không hấp thụ được vốn, không muốn vay tiền, các ngân hàng thương mại đang "tồn kho tiền" là vấn đề đáng chú ý được nêu lên trong Hội nghị về Giải pháp Nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp diễn ra tại Trụ sở Chính phủ ngày 7/9.
Hội nghị do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chủ trì.
Đánh giá từ Hội nghị cho thấy tăng trưởng tín dụng thời gian qua chưa cao không phải xuất phát từ nguyên nhân thanh khoản của hệ thống ngân hàng mà chủ yếu từ các yếu tố khách quan như tác động của đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng; một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, tác động từ khả năng hấp thụ vốn của nhóm bất động sản...
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết việc điều hành và các giải pháp mà hệ thống ngân hàng đưa ra rất quyết liệt, linh hoạt, đạt kết quả khá tích cực. Từ thực tế của ngành dệt may, khó khăn không chỉ nằm ở vấn đề tín dụng, mà còn nhiều vấn đề khác. Ngành này đã rơi vào 4 quý giảm liên tiếp. Xuất khẩu quý 4/2022 đã giảm 15% so với bình quân 3 quý trước đó.
Tám tháng năm nay, kim ngạch xuất khẩu đang giảm 16,4% so với cùng kỳ năm 2022. Khó khăn nằm ở khâu đơn hàng rất thiếu và đơn giá rất thấp.
"Doanh nghiệp không có cơ hội sản xuất kinh doanh khả dĩ thì không vay tiền, dù lãi suất có thấp tới đâu," ông Cẩm nói.
Theo ông, giải quyết vấn đề cho sản xuất kinh doanh chưa thể một sớm một chiều tăng được. Nhìn về lâu dài, ngành dệt may có nhiều cơ hội và nhu cầu vốn sẽ rất lớn. Trước xu hướng Chuyển đổi Xanh của thế giới và với ngành dệt may, các thị trường đều đưa ra yêu cầu về xanh hóa, ngành cũng phải thay đổi chiến lược. Nhu cầu vốn cho vấn đề này sẽ rất lớn.
Liên quan đến những khó khăn của doanh nghiệp, từ phân tích số liệu của gần 1.600 doanh nghiệp niêm yết trên 3 sàn chứng khoán, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách Thủ tục Hành chính của Thủ tướng Chính phủ đưa ra những con số đáng chú ý: vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp này đều rất mỏng và hoạt động bình thường dựa trên vốn vay.
Một số ngành có tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu quá lớn gặp khó khăn rất nghiêm trọng. Ví dụ ngành xây dựng, tỷ lệ này là 1,14 lần, ngành hàng và dịch vụ tiêu dùng là 0,78 lần, bất động sản 0,62 lần, vật liệu xây dựng 0,62 lần.
So sánh chi phí lãi vay so với lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp cho thấy năm 2022, ngành xây dựng có tỷ lệ chi phí lãi vay so với lợi nhuận cao nhất, lên đến 375%, tiếp đó là ngành hàng dịch vụ tiêu dùng là 44,8%, bất động sản 40,2%.
"Điều này có hàm ý là khi thực hiện kinh doanh, doanh nghiệp đang gặp rủi ro, nhưng thành quả được hưởng không nhiều và bị xói mòn rất nhiều vì chi phí tài chính, tích lũy để tái đầu tư gần như không có," bà Thủy cho hay.
Gặp gỡ định kỳ, tìm tiếng nói chung
Từ góc độ của ngân hàng, ông Trần Minh Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank) chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp, song cũng mong muốn các hiệp hội doanh nghiệp có sự chia sẻ với ngành ngân hàng.
Tuy nhiên, ông khẳng định giải ngân, cho vay phải đáp ứng được yêu cầu thu hồi vốn, ngân hàng chấp nhận có thể nợ xấu nhưng không mất vốn. Không thu hồi được vốn, trách nhiệm của các ngân hàng thương mại rất lớn.
Bên cạnh đó, các dự án phải có cơ sở pháp lý. Cơ sở pháp lý không chắc chắn sẽ dẫn đến nguy cơ rất cao cho những người đưa ra quyết định cho vay giải ngân. Nếu đáp ứng hai điều kiện trên, "chúng tôi rất mong muốn, thậm chí cạnh tranh lẫn nhau để cho vay các dự án này."
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietinbank khẳng định lãi suất không phải vấn đề lớn hiện nay. Cho rằng "cơ chế đã mở hết," ông Trần Minh Bình nhận định vấn đề còn lại là triển khai. Ông đề xuất các ngân hàng và hiệp hội, có thể đa chiều, hoặc song phương, định kỳ họp giao ban với nhau, giải quyết những vấn đề "không phải mang lên cấp độ cao như Chính phủ."
Ông Trần Minh Bình khẳng định là Chủ tịch VietinBank, ông sẵn sàng tiếp các hiệp hội để bàn bạc, mổ xẻ, phân tích, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn.
Từ phân tích cấu trúc tiền gửi vào VietinBank tăng, nêu quan điểm "dân vẫn có tiền" nhưng chỉ tập trung vào hai đối tượng chủ yếu là đối tượng mang tính chất đầu cơ các thị trường, và những người mất niềm tin, dồn tiền vào ngân hàng, kênh đầu tư sinh lời thấp nhất để bảo toàn vốn của mình, ông Trần Minh Bình cho rằng với đối tượng này, đầu tiên phải tác động đến niềm tin.
Để tác động vào niềm tin, chính sách phải ổn định, rõ ràng, có thời gian để họ tiên lượng được các quyết định của mình là an toàn. Nếu khôi phục được niềm tin này, giới đầu cơ sẽ vào, sẽ kích thích các hoạt động cầu, phát triển sản xuất kinh doanh.
[Nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp]
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Tiên phong (TPBank), những quý gần đây, lãi suất hạ rất nhanh, các ngân hàng rất khó để đẩy tín dụng ra. Vấn đề cầu tín dụng rất yếu. Không chỉ doanh nghiệp mà người dân cũng vậy, các nhu cầu hoặc một số sản phẩm cho khách hàng cá nhân, đặc biệt là vay mua nhà, mua xe, cho vay tiêu dùng gần như nhu cầu không có.
Theo ông, vấn đề cốt lõi làm sao tạo được niềm tin cho người tiêu dùng và tăng được cầu trong nền kinh tế, như vậy mới đẩy được tín dụng ra. Tốc độ huy động vốn của TPBank hiện nay đang gấp đôi so với tăng trưởng tín dụng, chi phí trả lãi đang gây áp lực rất lớn.
"Thà rằng chúng tôi cho vay lãi suất thấp cho doanh nghiệp còn hơn để tiền ứ ở đấy, vì tiền ứ là phải trả lãi cho người gửi tiền mà không có phần cho vay ra để bù lại được. Thấp mà hòa vốn còn hơn để đọng vốn khê lại số tiền đó," ông Nguyễn Hưng cho hay.
Ông mong có sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ trong việc tạo ra cầu trong nền kinh tế tốt hơn, thúc đẩy đầu tư công, để người tiêu dùng tăng cường khả năng chi tiêu, các doanh nghiệp tăng cường đầu tư. Các ngân hàng sẽ cố gắng hết sức để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận những khoản tín dụng với chi phí thấp nhất có thể.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, Ngân hàng Nhà nước theo thẩm quyền của mình, sẽ tiếp tục cố gắng hết sức để tạo thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, cũng như đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng. Những mục tiêu này tạo dựng một môi trường kinh doanh ổn định cho doanh nghiệp và người dân.
Điều hành tín dụng với tầm nhìn dài hạn
Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các đại biểu, các ý kiến rất trách nhiệm, sâu sắc, sát thực tế, phù hợp… để cùng tìm giải pháp xử lý công việc chung.
Phó Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, cơ quan phát huy tinh thần cầu thị, nghiên cứu kỹ lưỡng các ý kiến đóng góp để chủ động có giải pháp tháo gỡ ngay theo thẩm quyền và quy định pháp luật, không để chậm trễ, bị động, mất tính thời điểm.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng doanh nghiệp khỏe, tiếp cận được vốn, ngân hàng mới có dư địa, mảnh đất để hoạt động. Doanh nghiệp, phá sản, ngân hàng cũng không có chỗ. Ở chiều ngược lại, ngân hàng phải tồn tại được mới có nguồn vốn cho cho doanh nghiệp.
"Nếu làm không theo nguyên tắc, quy định của pháp luật, ngân hàng không có khả năng thu hồi vốn thì không còn tồn tại ngân hàng để thực hiện việc này. Do đó, phải hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro, nương với nhau."
Phó Thủ tướng nhấn mạnh liên quan đến tiếp cận tín dụng, phải có cơ sở pháp lý, đồng thời phải có khả năng thu hồi. Khó khăn chỗ nào tháo gỡ chỗ đó. Để có những giải pháp khả thi, Phó Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước đánh giá lại kết quả công tác tín dụng trong thời gian qua, rà soát lại số liệu cho chính xác.
Phó Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành, địa phương có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và các nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ, trong đó tập trung theo dõi sát, phân tích, dự báo tình hình kinh tế, diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ thế giới, khu vực, trong nước để có phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tăng cường khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế./.