Doanh nghiệp FDI - những công dân danh dự của thành phố Cảng
Hải Phòng hiện nay có 985 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 31 tỷ USD. Thành phố luôn coi các nhà đầu tư nước ngoài vừa là bạn, là đối tác nhưng cũng chính là những công dân danh dự của thành phố.
Hải Phòng luôn coi các doanh nghiệp FDI là một phần quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp thành phố, và các nhà đầu tư nước ngoài vừa là bạn, là đối tác nhưng cũng chính là những công dân danh dự của thành phố.
Quan điểm xuyên suốt này đã và đang lan tỏa tinh thần hành động quyết liệt, đồng hành cùng doanh nghiệp của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Chung mục tiêu, lý tưởng
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng, Hải Phòng hiện nay có 985 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 31 tỷ USD.
Thời gian qua, lãnh đạo thành phố quyết liệt chỉ đạo đổi mới quy trình giải quyết thủ tục hành chính, tháo gỡ vướng mắc khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp làm ăn trên địa bàn thành phố đặc biệt là khối doanh nghiệp FDI.
Dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, 3 năm liên tiếp từ năm 2021-2023, Hải Phòng nằm trong top 3 các thành phố dẫn đầu cả nước về nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thành phố (PCI).
Lãnh đạo thành phố luôn mong muốn đồng hành, giải quyết triệt để các khó khăn vướng mắc trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững, kinh doanh có hiệu quả, đóng góp chung cho sự phát triển của thành phố.
Tại Hội nghị Thường trực Thành ủy Hải Phòng gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp FDI năm 2024 vừa diễn ra, các doanh nghiệp FDI đại diện cho hơn 900 doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên địa bàn thành phố thuộc nhiều lĩnh vực đã chia sẻ, đề xuất, kiến nghị hướng vào 5 nhóm lĩnh vực lớn được nhiều doanh nghiệp quan tâm, cụ thể: nhóm lĩnh vực về lao động; về thuế và hải quan; về năng lượng; về thủ tục hành chính và về lĩnh vực đầu tư.
Ông Ko Tae Yeon, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Hải Phòng, chia sẻ trong thời gian qua, thành phố Hải Phòng đã rất thành công trong việc thu hút các nhà đầu tư lớn từ các quốc gia, tập đoàn lớn trên thế giới, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và tập trung nhiều vào các khu công nghiệp, khu kinh tế, tạo nên một hệ sinh thái chất lượng cao. Các nhà đầu tư đánh giá cao nỗ lực của lãnh đạo thành phố trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nước ngoài trên địa bàn, qua đó, nhiều nhà đầu tư đã quyết định mở rộng đầu tư với quy mô về vốn và nhà máy ngày càng lớn.
Ông Ko Tae Yeon được biết Hải Phòng đang tích cực tập trung phát triển Khu kinh tế phía Nam, và rất mong muốn được biết về thông tin cũng như tiến độ triển khai của kế hoạch này.
Ông Xu Cheng Wei, Phó Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Aroma Bay Candles, cho biết thành phố Hải Phòng rất chú trọng tới hoạt động kết nối đầu tư-kinh doanh giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Là một doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư tại Hải Phòng hơn 16 năm nay, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Aroma Bay Candles muốn tìm cơ hội kết nối đầu tư kinh doanh với các doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực về nguyên vật liệu và một số lĩnh vực khác để giảm bớt gánh nặng về chi phí đầu vào.
Do đó, ông Xu Cheng Wei mong được tham gia nhiều hội nghị kết nối đầu tư hoặc các chương trình khác tương tự để được gặp gỡ, trao đổi với các đối tác; hoặc thành phố hỗ trợ doanh nghiệp được kết nối với các doanh nghiệp Việt Nam trong cùng lĩnh vực để có thể chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác đầu tư...
Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu khẳng định sẽ cùng các đồng chí Thường trực Thành ủy chủ động, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo để những cam kết của lãnh đạo thành phố với doanh nghiệp sớm có kết quả; giải quyết tối đa những nguyện vọng của các doanh nghiệp có vốn nước ngoài tại thành phố.
"Doanh nghiệp FDI thành công và phát triển mạnh mẽ thì Hải Phòng mới có thể sớm hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo chỉ đạo của Bộ Chính trị. Hải Phòng có chung mục tiêu, lý tưởng và trách nhiệm chung tay phát triển doanh nghiệp FDI, đóng góp chung vào sự phát triển của thành phố và đất nước," Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu nhấn mạnh.
Thu hút các dòng vốn phát triển bền vững
Hiện thực hóa cam kết luôn đồng hành và dành sự quan tâm đặc biệt, sự hỗ trợ thực chất, hiệu quả để tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của khối doanh nghiệp FDI, Hải Phòng tập trung đẩy nhanh tiến độ thành lập, mở rộng các khu công nghiệp, khu kinh tế, đặc biệt là thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam; xác định đây là động lực mới cho phát triển kinh tế thành phố, là nơi "làm tổ" của các doanh nghiệp FDI công nghệ cao, thu hút các dòng vốn phát triển bền vững.
Thúc đẩy thủ tục thành lập Khu Thương mại tự do thế hệ mới với cơ chế ưu đãi vượt trội thu hút các dòng vốn ngoại, các tập đoàn công nghệ đến đầu tư.
Tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng logistics, giao thông đối nội, đối ngoại kết nối hệ thống cảng biển, các khu kinh tế, khu công nghiệp, sân bay, đường sắt tốc độ cao, đường bộ cao tốc và các công trình quan trọng khác.
Cùng với đó, thành phố quan tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, lực lượng lao động có tay nghề; triển khai quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết của Ban Thường vụ Thành ủy về đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp FDI thực hiện các dự án tại Hải Phòng về địa điểm, quy hoạch, đất đai, môi trường, lao động, phòng cháy chữa cháy; nghiên cứu xây dựng cơ chế một cửa khi doanh nghiệp FDI thực hiện thủ tục dự án, không để doanh nghiệp phải qua lại nhiều cơ quan để thực hiện các thủ tục dự án tại Hải Phòng.
Đồng thời, tập trung phát triển nhà ở chất lượng cao và nhà ở xã hội, hệ thống trường học quốc tế, bệnh viện quốc tế, các khu vui chơi, giải trí, du lịch chất lượng cao, nhà ở tiện ích… để các nhà đầu tư và gia đình có thể yên tâm ổn định cuộc sống, làm việc lâu dài tại Hải Phòng; biến Hải Phòng thành thành phố đáng sống, là quê hương thứ 2 của nhà đầu tư và gia đình.
Thành phố cũng duy trì, tăng cường hiệu quả và đa dạng hóa hình thức các hoạt động tiếp xúc, gặp gỡ, đối thoại giữa các cấp chính quyền với doanh nghiệp theo hướng có trách nhiệm và thực chất. Trường hợp cần thiết, đề nghị các sở, ngành, các quận, huyện kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết nhanh chóng, triệt để các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp.
Về phía các doanh nghiệp FDI, Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu cho rằng muốn phát triển bền vững, gắn bó lâu dài với thành phố Hải Phòng, các doanh nghiệp cần luôn nêu cao ý thức thượng tôn pháp luật, tuân thủ nghiêm túc và đầy đủ các quy định của pháp luật trong đầu tư kinh doanh và các nghĩa vụ với Nhà nước và xã hội; chấp hành nghiêm chính sách thuế của Nhà nước Việt Nam, ưu tiên thành lập doanh nghiệp và chi nhánh có trụ ở tại Hải Phòng để đóng góp trực tiếp cho thành phố.
Thực tế, tính liên kết giữa các doanh nghiệp FDI với các nhà cung ứng, các đối tác trong nước còn chưa đáp ứng kỳ vọng; tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm công nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu; việc hình thành các trung tâm nghiên cứu, chuyển giao công nghệ còn khá hạn chế.
Việc tăng cường liên kết hợp tác là giải pháp quan trọng để các doanh nghiệp tiết giảm kinh phí, thể hiện tinh thần trách nhiệm, sự sẵn sàng hợp tác và mong muốn gắn bó lâu dài với thành phố.
Thành phố Hải Phòng khuyến khích và chào đón các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Khu kinh tế ven biển Nam Hải Phòng. Tại đây, các doanh nghiệp sẽ được hưởng chính sách ưu đãi cao nhất, thủ tục thông thoáng nhất và sự ủng hộ chính trị của lãnh đạo và các ban, sở, ngành của thành phố, ưu tiên các dự án thân thiện môi trường, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, giảm thiểu phát thải carbon./.