Doanh nghiệp đổi mới quản trị để tiếp cận phương thức tài chính mới

Đối với ngành sản xuất kinh doanh, theo Tiến sỹ Thế Hiển, khi công ty gặp khó khăn phải kiểm tra lại các nguồn vốn; xây dựng chuỗi cung ứng giá trị để giảm nhu cầu vốn của các công ty.

(Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnam+)

Theo các chuyên gia kinh tế, nhiều doanh nghiệp khó khăn trong huy động nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh ở giai đoạn nước rút của năm 2022. Thêm nữa, tình trạng nợ xấu gia tăng cũng đang khiến các ngân hàng thương mại trở nên chặt chẽ hơn, thậm chí là giảm hạn mức cho vay do quan ngại thu nợ chậm.

Tiến sỹ Đinh Thế Hiển, Chuyên gia kinh tế phân tích, việc huy động vốn từ cổ phiếu đang gặp khó do sự suy giảm của thị trường chứng khoán. Năm 2021, VN-Index tăng 35,7% nhưng vốn cổ phần huy động chỉ đạt 177 nghìn tỷ đồng, chiếm 3% vốn hóa và đây là mức huy động rất thấp.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán năm 2022 vẫn tiếp tục bị tác động tiêu cực và ảnh hưởng không thuận lợi từ những lùm xùm thao túng thị trường của một số người đứng đầu vài tập đoàn kinh tế, do đó, nguồn vốn huy động từ kênh này cũng giảm mạnh. Huy động vốn từ trái phiếu giảm mạnh do các ngân hàng thương mại không tham gia.

Mặc dù quy mô trái phiếu doanh nghiệp năm 2020 cao gấp 4 lần so với năm 2016. Sang năm 2021, tổng giá trị phát hành trái phiếu chỉ đạt 495.029 tỷ đồng, tăng 23,6% so với năm 2020; trong đó, phát hành riêng lẻ chiếm 94,3%.

Còn năm 2022, Chính phủ chủ trương, chấn chỉnh việc phát hành trái phiếu dưới chuẩn nên dự kiến số lượng trái phiếu phát hành đang và chắc chắn sẽ giảm, ảnh hưởng tới nguồn vốn các công ty sản xuất kinh doanh và bất động sản. Chính vì thế, việc tìm 1 kênh huy động vốn, 1 giải pháp huy động vốn bền vững chính là điều đang rất được cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt quan tâm lúc này.

Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, vấn đề chính yếu đối với các doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay vẫn là vốn. Qua đợt dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đã phải rời bỏ thị trường cũng là do thiếu vốn và không thể tiếp cận vốn.

Lâu nay, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đều mong muốn được tiếp cận vốn ngân hàng. Tuy nhiên, hầu như doanh nghiệp không tiếp cận được  bởi ngân hàng nào cũng đều yêu cầu phải có tài sản thế chấp. Suốt 2 năm COVID-19, đa phần các doanh nghiệp nhỏ và vừa đều hoạt động không có lãi, hồ sơ tài chính không đảm bảo, dẫn tới không thể vay được nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Thậm chí còn có nhiều ý kiến từ doanh nghiệp phản ánh rằng, Nhà nước hỗ trợ 2% lãi suất nhưng doanh nghiệp khó tiếp cận được chính sách này. Lý do là chính các ngân hàng cũng không muốn và không dám cho vay.

[Không có chủ trương siết chặt hay hạn chế trái phiếu doanh nghiệp]

Một số giám đốc chi nhánh ngân hàng từng trao đổi, thời kỳ năm 2009-2010, thực hiện chủ trương hỗ trợ lãi suất nhưng cho đến tận bây giờ vẫn có một số ngân hàng chưa quyết toán xong. Vì thế, đối với gói hỗ trợ lãi suất 2% như hiện nay dù phải thực hiện, nhưng vẫn phải làm sao để đảm bảo sự an toàn cho ngân hàng; ngân hàng cho vay mà không quyết toán được thì cũng sẽ gặp nhiều rủi ro.

Trước những băn khoăn của đông đảo doanh nghiệp, Tiến sỹ Đinh Thế Hiển gợi mở một số giải pháp huy động vốn bền vững; đặc biệt là cho ngành bất động sản. Theo đó, đầu tiên cần giảm nhu cầu vốn tín dụng ngân hàng thương mại bằng cách cho vay theo tỷ lệ giảm dần các phân khúc không ưu tiên. Sau đó, tăng vốn cổ phần để tăng nguồn lực.

Ảnh minh họa. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Ngoài ra, có định chế tài chính hợp tác phát triển dự án Quỹ tín thác bất động sản hoặc tương tự; Hợp tác Quỹ - Công ty theo từng dự án; nhà đầu tư cá nhân mua chứng chỉ quỹ sẽ an toàn hơn mua trái phiếu doanh nghiệp hoặc ký hợp đồng hợp tác với công ty.

Đối với ngành sản xuất kinh doanh, theo Tiến sỹ Thế Hiển, khi công ty gặp khó khăn phải kiểm tra lại các nguồn vốn; xây dựng chuỗi cung ứng giá trị để giảm nhu cầu vốn của các công ty. Mô hình công ty cổ phần đại chúng cũng có thể sẽ hữu ích.

Từ đó, giúp cho việc huy động vốn được trở nên thuận lợi. Hay, việc chuẩn hóa hoạt động kinh doanh, minh bạch tài chính cũng có thể là giải pháp giúp việc tiếp cận vốn, lãi suất tốt từ khoảng 6 - 7% từ các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.

Riêng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng là khó và cũng không thể phát hành trái phiếu. Do đó, giải pháp vốn với các doanh nghiệp nhỏ và vừa là không dựa vào quy mô vốn mà dựa trên mô hình tổ chức và lợi thế sản xuất. Đồng thời, xây dựng chiến lược trong các giai đoạn phát triển cụ thể, có phân kỳ đầu tư hợp lý; nên sử dụng dịch vụ thuê ngoài và tăng cường liên kết, hợp tác hoặc chọn mô hình công ty cổ phần và thuê tư vấn chuyên nghiệp để mời gọi đối tác đầu tư tài chính. Ngoài ra, phát triển công ty trong nền kinh tế 4.0 để tạo ra hệ sinh thái và cộng đồng đầu tư kết nối.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư FIDT cho biết, các doanh nghiệp phải quan tâm tới việc quản trị tài chính; đồng thời phải tính tới những sự kiện “thiên nga đen” như COVID-19 và những bất ổn như trong 2 năm qua, khi ấy không có thặng dư tài chính dẫn tới phải "cuống cuồng" huy động vốn. Doanh nghiệp cần có 1 bộ hồ sơ hay còn gọi là “profile” bài bản để bước vào thị trường huy động vốn, IPO hoặc kêu gọi vốn khi cần.

Giải pháp giúp doanh nghiệp chuẩn bị “profile” cho quá trình IPO, theo ông Tuấn, các doanh nghiệp cần tập trung đáp ứng các tiêu chuẩn pháp định rõ  ràng và minh bạch, như vốn từ 120 tỷ đồng, 2 năm hoạt động liên tục có lãi và thêm 1 số yêu cầu về hiệu suất hoạt động... Bên cạnh đó, cùng với 1 chiến lược IPO thành công thì mô hình kinh doanh cũng cực kỳ quan trọng.

Cùng với đó, doanh nghiệp phải chuẩn bị một mô hình kinh doanh với mức tăng trưởng hấp dẫn. Hiện hầu hết doanh nghiệp chuẩn bị chỉ mang tính đối phó và sau đó bị bỏ lỡ giai đoạn vàng để gọi vốn.

Bên cạnh việc chuẩn bị  “profile,” các doanh nghiệp còn phải chuẩn bị các điều kiện hợp tác thuận lợi, mục tiêu kinh doanh cụ thể và mức chiết khấu chào bán phải hấp dẫn cho nhà đầu tư./.

Ngọc Quỳnh (TTXVN/Vietnam+)