Doanh nghiệp Cuba và Mỹ thúc đẩy giao thương nông nghiệp
Theo tính toán của NASDA, nếu không có lệnh bao vây cấm vận, trao đổi nông nghiệp giữa Mỹ và Cuba có thể đạt khoảng 1 tỷ USD/năm thay vì mức 250 triệu USD như hiện nay.
Từ ngày 13-15/5, doanh nhân và chính trị gia của Cuba và Mỹ đã nhóm họp tại Hội nghị nông nghiệp lần thứ 5 giữa hai bên nhằm tìm hiểu cơ hội thúc đẩy trao đổi thương mại song phương trong lĩnh vực này trong bối cảnh khó khăn hiện tại.
Theo phóng viên TTXVN tại La Habana, phát biểu tại hội nghị, nghị sỹ Mỹ Rick Crawford nêu bật tầm quan trọng của các cuộc tiếp xúc giữa đại diện giới doanh nghiệp nông sản hai nước để giải quyết các vấn đề liên quan đến an ninh lương thực.
Ông Crawford, đại diện của đảng Cộng hòa Mỹ tại bang Arkansas, nhấn mạnh những tiến bộ đạt được thông qua các cuộc đối thoại thường xuyên và cho biết làn sóng ủng hộ các sáng kiến nông nghiệp song phương cũng như việc bình thường hóa quan hệ kinh tế và thương mại với Cuba đang ngày càng tăng tại Mỹ.
Nghị sỹ Mỹ tái khẳng định cam kết thúc đẩy bình thường hóa quan hệ kinh tế và thương mại song phương và đánh giá cao những nỗ lực của Liên minh nông nghiệp Mỹ (USACC) trong việc tìm kiếm những giải pháp thay thế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao thương với Cuba.
Về phần mình, Chủ tịch USACC Paul Johnson cho biết liên minh này đã có 10 năm làm việc không ngừng nghỉ và đối mặt với nhiều thách thức để thúc đẩy các dự án nông nghiệp song phương.
Theo ông Paul Johnson, phái đoàn Mỹ tham gia hội nghị năm nay rất lớn, bao gồm các đại diện của ngành nông nghiệp trên khắp đất nước, thể hiện mối quan tâm và quyết tâm thúc đẩy mảng trao đổi quan trọng nhất trong quan hệ thương mại song phương.
Ủy viên Nông nghiệp bang Louisiana (Mỹ) Michel Strain chia sẻ những kỳ vọng trong quan hệ song phương, đặc biệt sau cuộc đối thoại gần đây với Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel nhân chuyến thăm La Habana do Hiệp hội Nông nghiệp quốc gia Mỹ (NASDA) tổ chức.
Trước đó, Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel đã tiếp đại diện cơ quan nông nghiệp nhiều bang và NASDA, đồng thời khẳng định La Habana luôn nỗ lực tìm phương thức phá bỏ rào cản trong hợp tác nông nghiệp song phương.
Theo tính toán của NASDA, nếu không có lệnh bao vây cấm vận, trao đổi nông nghiệp giữa Mỹ và Cuba có thể đạt khoảng 1 tỷ USD/năm thay vì mức 250 triệu USD như hiện nay.
Ngành nông nghiệp Mỹ là một trong những ngành tích cực nhất ủng hộ việc cải thiện quan hệ song phương và dỡ bỏ các biện pháp bao vây cấm vận chống Cuba.
NASDA cho biết nông dân Mỹ ủng hộ các dự luật nhằm giảm nhẹ và vận dụng linh hoạt hơn các biện pháp bao vây cấm vận, chẳng hạn như các dự luật phản đối lệnh cấm đi lại đến Cuba và các dự luật nhằm ưu tiên cấp tín dụng và cho phép xuất khẩu sản phẩm của Cuba sang quốc gia khác./.