Đoàn kết giữa các thế hệ, tiếp sức cho tương lai
Chủ đề đoàn kết được nêu bật trong bối cảnh những quan niệm về tuổi tác đang là hạn chế, cản trở năng lực của thế hệ thanh thiếu niên - nhân tố tạo nên thay đổi và là thế hệ lãnh đạo tương lai.
Để đạt được Các mục tiêu phát triển bền vững, thế giới cần phát huy mọi tiềm năng của tất cả các thế hệ và đoàn kết giữa các thế hệ là chìa khóa cho sự phát triển bền vững.
Liên hợp quốc đã nhấn mạnh như vậy trong thông điệp của Ngày Quốc tế Thanh thiếu niên (12/8) năm nay: “Đoàn kết quốc tế: Kiến tạo một thế giới cho mọi lứa tuổi.”
Chủ đề đoàn kết được nêu bật trong bối cảnh những quan niệm về tuổi tác đang là hạn chế, cản trở năng lực của thế hệ thanh thiếu niên - nhân tố tạo nên thay đổi và là thế hệ lãnh đạo tương lai.
Thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho thấy tính đến tháng 4/2022, thế giới có khoảng 1,3 tỷ thanh thiếu niên (từ 10-19 tuổi), chiếm 16% dân số toàn cầu.
[Infographics] Giới trẻ trên thế giới lạc quan hơn về tương lai
Có những gương mặt tiêu biểu đã chứng tỏ được bản lĩnh, phát huy được sức trẻ và lan tỏa được những thông điệp sống có ý nghĩa trên nhiều lĩnh vực.
Cô bé Gitanjali Rao tại Denver, bang Colorado, khi mới 15 tuổi đã được tạp chí Time vinh danh là nhà khoa học trẻ tuổi nhất nước Mỹ với việc phát minh ra các công nghệ mới, trong đó có thiết bị giúp xác định chì trong nước uống chỉ sau 10 giây và một ứng dụng sử dụng trí thông minh nhân tạo để phát hiện hành vi bắt nạt trên mạng.
Hay như nam sinh 18 tuổi Jordan Mittler ở New York (Mỹ) bằng sức sáng tạo của mình đã trở thành cầu nối giúp người cao tuổi tiếp cận với công nghệ và được vinh danh là một trong 10 thanh thiếu niên thay đổi thế giới năm 2021.
Cậu đã mở các lớp học trực tuyến cho hơn 2.000 người cao tuổi, giúp họ không cô đơn trong giai đoạn đại dịch COVID-19, đồng thời liên tục cập nhật chương trình giảng dạy gồm các kỹ năng thiết thực như đặt hàng từ Amazon hay truy cập báo mạng...
Tại Việt Nam, theo kết quả cuộc Tổng điều tra dân số năm 2019, tỷ lệ dân số trẻ cao nhất trong lịch sử đất nước với 20,4 triệu thanh thiếu niên từ 10-24 tuổi, chiếm 21% dân số và thời kỳ “dân số vàng” dự kiến kéo dài đến năm 2039.
Điều đó cho thấy hơn bao giờ hết, thanh thiếu niên đóng vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã khẳng định “thế hệ trẻ hiện nay vô cùng quan trọng trong tương lai để có thể quản lý và đảo ngược các quyết định chính trị, các quyết định kinh tế và đảo ngược hành vi của các cá nhân, góp phần giải cứu hành tinh.”
Tuy nhiên, để thanh thiếu niên khẳng định được vị thế và hoàn thành tốt vai trò của mình, Liên hợp quốc nhấn mạnh cần phải hợp tác để thúc đẩy các mối quan hệ bình đẳng giữa các thế hệ, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.
Tổng Thư ký Guterres cũng đã đưa ra các khuyến nghị mới về tình đoàn kết giữa các thế hệ, lồng ghép cả trong Chương trình nghị sự chung của Liên hợp quốc.
Một trong những rào cản đối với quá trình khẳng định vai trò và năng lực của thanh thiếu niên toàn cầu hiện nay là "chủ nghĩa tuổi tác."
Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chủ nghĩa tuổi tác là thuật ngữ mang ý nghĩa định kiến, thành kiến và phân biệt đối xử với người khác hoặc bản thân dựa trên lứa tuổi.
Báo cáo toàn cầu về chủ nghĩa tuổi tác do Liên hợp quốc công bố hồi tháng 3/2021 đã nêu bật nhiều dữ liệu cho thấy những khoảng cách còn tồn tại liên quan đến chủ nghĩa tuổi tác đối với giới trẻ.
Cho dù chưa có những nghiên cứu toàn diện, nhưng nhiều thanh thiếu niên vẫn tiếp tục phản ánh các rào cản do tuổi tác trong các lĩnh vực khác nhau như việc làm, sức khỏe, công lý và cơ hội tham gia chính trị.
Ở cấp độ cá nhân, những trở ngại đó có thể ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống và sinh kế không chỉ trong giai đoạn thanh thiếu niên mà còn cả ở tuổi trưởng thành.
Ở cấp độ xã hội, chủ nghĩa tuổi tác ngăn cản chúng ta suy nghĩ và thiết kế các chính sách, dịch vụ xã hội hữu ích cho cuộc sống và đảm bảo công bằng cho mọi lứa tuổi.
Báo cáo toàn cầu về chủ nghĩa tuổi tác chỉ ra rằng để giải quyết vấn đề này, nên tổ chức nhiều hoạt động giữa các thế hệ.
Biện pháp đó có thể tăng tính kết nối xã hội nhiều hơn và củng cố tình đoàn kết giữa mọi tầng lớp ở mọi lứa tuổi.
Ngoài ra, theo bà Henrietta Fore, cựu Giám đốc Điều hành UNICEF, thế hệ thanh thiếu niên trên thế giới hiện nay cũng đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức mới và sự thay đổi toàn cầu mà thế hệ cha mẹ không thể tưởng tượng được.
Biến đổi khí hậu đang diễn ra với tốc độ nhanh hơn chúng ta có thể nhận thấy. Bất bình đẳng ngày càng trở nên sâu sắc.
Công nghệ đang làm thay đổi cách chúng ta nhìn nhận thế giới. Bởi vậy, nếu nhìn lại chặng đường hơn 30 năm thực hiện Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em, chúng ta cũng cần phải nhìn về tương lai, 30 năm tới.
Chúng ta cần lắng nghe tiếng nói của trẻ em và thanh thiếu niên trên thế giới hiện nay về những vấn đề mà các em quan tâm nhất và bắt đầu hợp tác cùng các em để tìm ra những giải pháp phù hợp nhằm giải quyết những vấn đề của thế kỷ 21.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Guterres cho rằng giới trẻ không ngừng khơi dậy những ý tưởng sáng tạo và đó là động lực đưa thế giới vượt qua thử thách và khủng hoảng.
Chính mối quan hệ bền chặt và thấu hiểu giữa thanh thiếu niên với các thế hệ đóng vai trò hết sức quan trọng, giúp giải quyết những thách thức mà thanh thiếu niên đang gặp phải, đảm bảo rằng tiếng nói của họ được lắng nghe cũng như được tập hợp vào quá trình ra quyết định ở tất cả các cấp.
Tiếp sức cho thanh thiếu niên bằng cách tháo gỡ những rào cản phân biệt tuổi tác, tin tưởng và tạo điều kiện để thế hệ trẻ phát huy năng lực, đóng góp cho xã hội chính là con đường hướng tới tương lai bền vững./.