Định hướng dòng vốn đầu tư, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững
Thu hút đầu tư bền vững là một mục tiêu quan trọng của mỗi quốc gia trong các nỗ lực nhằm hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, gia tăng tiêu thụ năng lượng và giảm thiểu phát thải khí nhà kính.
Thế giới đang phải đối mặt với những thách thức to lớn. Việc đáp ứng các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs), giảm thiểu biến đổi khí hậu và làm chủ quá trình Chuyển đổi Số sẽ đòi hỏi lượng đầu tư khổng lồ.
Vậy để làm sao định hướng dòng vốn đầu tư đúng hướng, đảm bảo mục tiêu phát triển nhanh nhưng phải bền vững của các quốc gia là nội dung được đề cập tại tọa đàm bàn tròn với chủ đề "Doanh nghiệp và đối thoại chính sách công-tư và đầu tư bền vững."
Hoạt động là một phần của chuỗi cuộc họp Mạng lưới Doanh nghiệp OECD-Đông Nam Á, nằm trong khuôn khổ Chương trình Diễn đàn Kinh tế cấp bộ trưởng OECD-Đông Nam Á do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Ngoại giao và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ASEAN BAC) cùng các tổ chức liên quan khác đồng tổ chức ngày 26/10 tại Hà Nội.
Tại sự kiện, đại diện tiếng nói cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh thế giới đang thay đổi nhanh chóng, phức tạp với nhiều biến động chưa từng có.
Sự nóng lên của Trái đất, biến đổi khí hậu đã kéo theo những tác động tiêu cực vô cùng lớn đến sự phát triển và sinh tồn của hành tinh này.
Các hành động khí hậu đã trở thành định hướng trong chiến lược phát triển của mỗi quốc gia, khu vực. Mỗi quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp đều nỗ lực hành động để hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, gia tăng tiêu thụ năng lượng và giảm thiểu phát thải khí nhà kính.
Trong bối cảnh đó, thu hút đầu tư bền vững là một mục tiêu quan trọng, có ảnh hưởng lớn quyết định sự phát triển của mỗi quốc gia, nhất là đối với các nước Đông Nam Á.
[Việt Nam khẳng định vai trò của quốc hội trong phát triển bền vững]
Tăng trưởng Xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, thực hiện mục tiêu phát thải bằng "0" vào năm 2050 là định hướng ưu tiên của Việt Nam trong thời gian tới.
Với quan điểm, chuyển đổi xanh cần được thực hiện một cách cân bằng, công bằng, hài hòa, hợp lý, đặt người dân làm trọng tâm, đóng góp cho một thế giới tương lai hòa bình, bền vững, thịnh vượng.
Trọng tâm của quá trình này tại Việt Nam là hoàn thiện khung khổ pháp lý cho tăng trưởng xanh, chuyển đổi số; đẩy nhanh chuyển đổi năng lượng... và điều này không chỉ phụ thuộc nỗ lực, vào trách nhiệm của doanh nghiệp.
Quan trọng nhất là cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước vẫn cần có sự ủng hộ, đồng lòng của người dân, người thụ hưởng chính thức và cuối cùng của chuỗi giá trị.
Tại tọa đàm, bà Reema Bhattacharya, Trưởng phòng Nghiên cứu Rủi ro châu Á, Công ty Verisk Maplesoft, thành viên Tổ chức OECD tại Singapore cho biết với nhiều nỗ lực và tài chính đã đầu tư cho triển khai các chương trình hướng tới Mục tiêu Thiên niên kỷ (SDG) vẫn chưa có nhiều kết quả từ phía doanh nghiệp được ghi nhận.
Đây vừa là thách thức xong cũng là cơ hội để các quốc gia thành viên OECD tập trung thúc đẩy mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Thực tế vẫn thiếu một khuôn khổ hay một cách thức để đánh giá và đo lường các mức độ rủi ro trong việc hoạch định các chiến lược phát triển kinh tế-xã hội ở mỗi một quốc gia.
Đây là điều cần làm một cách nghiêm túc và thực chất để các nhà đầu tư có được bức tranh toàn cảnh trước khi ra quyết định chuyển dòng vốn đầu tư một cách đúng đắn và khả thi.
Đại diện quốc gia thành viên mới gia nhập OECD, là Indonesia, ông Radju Munusamy, Chuyên gia tư vấn, Công ty PwC Indonesia đánh giá cao quan điểm doanh nghiệp đóng góp lớn và có vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư quốc tế để thúc đẩy Quan hệ đối tác OECD-Đông Nam Á.
Việc thực hiện cam kết và các tiêu chuẩn của OECD không chỉ là hướng tới sự phát triển bền vững mà cũng cần thực sự đảm bảo hài hoà lợi ích kinh tế của các bên tham gia.
Tại sự kiện, bà Đào Thúy Hà, Phó Tổng giám đốc, Công ty cổ phần Traphaco cho biết qua 2 năm dịch bệnh COVID-19, cộng đồng doanh nghiệp đã nhận rõ hơn tác động tích cực của mô hình sản xuất, kinh doanh theo hướng phát triển bền vững.
Đó không chỉ là "kim chỉ nam" cho sự phát triển của doanh nghiệp trong trạng thái ổn định mà còn đóng vai trò là "cái neo" để trụ vững và là "bánh lái" để doanh nghiệp thích ứng và phục hồi khi đối mặt với những "cơn sóng thần" của sự khủng hoảng.
Vì lẽ đó, cũng như nhiều doanh nghiệp tại các quốc gia thành viên thuộc Tổ chức OECD, Traphaco mong đợi sự đổi mới đến từ các chính sách, quan hệ đối tác đúng đắn, qua đó tái khẳng định cam kết hợp tác trong nội khối OECD mà các nhà hoạch định chính sách khu vực này đang hướng tới./.