Định danh thuốc lá làm nóng là thuốc lá: Việt Nam còn nhiều khác biệt
Theo nghiên cứu của nhiều cơ quan y tế quốc tế và chính phủ các nước, mặc dù cũng là thuốc lá nhưng hàm lượng chất gây hại của thuốc lá làm nóng so với thuốc lá điếu là khác biệt theo hướng tích cực.
Trong khi nhiều tổ chức quốc tế và chính phủ nhiều nước trên thế giới đã xác nhận thuốc lá làm nóng chính là sản phẩm thuốc lá, thì tại Việt Nam đây vẫn đang là vấn đề gây tranh cãi.
Tại kỳ họp Quốc hội khóa XV vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương xác nhận thuốc lá là ngành hàng hợp pháp tại Việt Nam, được quy định tại Luật Đầu tư và chịu sự quản lý của Luật Phòng chống tác hại thuốc lá.
Định danh thuốc lá làm nóng là thuốc lá: Khác biệt giữa Việt Nam và quốc tế
Tại kỳ họp Hội nghị Các bên tham gia Công ước khung về Kiểm soát thuốc lá (FCTC) lần thứ 10 (COP10) vào tháng 2/2024, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhắc lại định nghĩa “thuốc lá làm nóng là thuốc lá," và khuyến nghị các nước quản lý sản phẩm này theo luật quốc gia như kết luận từ kỳ COP8 năm 2018.
Từ năm 2014, Chỉ thị về các sản phẩm thuốc lá của Liên minh châu Âu (EU TPD) cũng khẳng định thuốc lá làm nóng được quản lý như sản phẩm thuốc lá, tách bạch với thuốc lá điện tử.
Tháng 5/2024, theo tiêu chuẩn ISO quốc tế cho danh mục thuốc lá làm nóng mà Tổ chức ISO vừa công bố, tiêu chuẩn quan trọng để định nghĩa thuốc lá làm nóng là “sản phẩm có chứa nguyên liệu là thuốc lá được làm nóng (không đốt cháy) để tạo ra khí hơi có chứa nicotine."
Tại Việt Nam, trong phiên giải trình do Ủy ban Xã hội và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức đầu tháng Năm, các đại biểu đã chỉ rõ thực tế thuốc lá làm nóng hiện vẫn đang được tranh luận liệu có phải là thuốc lá hay không.
Theo đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng khẳng định: “thuốc lá làm nóng chỉ thay đổi cách “đốt” thuốc lá (khác với thuốc lá điếu), nhưng vẫn có tính chất là sợi thuốc lá và các chất của thuốc lá, nên vẫn là thuộc khái niệm thuốc lá."
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thì cho rằng,mặc dù thuốc lá làm nóng có nguyên liệu thuốc lá nhưng do phải đi kèm với thiết bị nên không phải là sản phẩm thuốc lá. Mặt khác, trong Luật Phòng chống tác hại thuốc lá cũng không đề cập đến thuốc lá làm nóng.
Đại diện Bộ Tư pháp, tại một hội thảo năm 2023, ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự-kinh tế bày tỏ quan điểm: “Chúng tôi khẳng định thuốc lá làm nóng là thuốc lá vì được chế tạo từ nguyên liệu thuốc lá dưới dạng mẩu thuốc, sau đó lắp vào thiết bị để hút. Thay vì đốt cháy điếu thuốc thì thiết bị này sẽ làm nóng nguyên liệu thuốc lá."
Kết quả nghiên cứu quốc tế về lợi điểm của thuốc lá làm nóng
Theo nghiên cứu của nhiều cơ quan y tế quốc tế và chính phủ các nước, mặc dù cũng là thuốc lá, nhưng hàm lượng chất gây hại của thuốc lá làm nóng so với thuốc lá điếu là hoàn toàn khác biệt theo chiều hướng tích cực.
Năm 2019, FDA Hoa Kỳ đã thẩm định khoa học một sản phẩm thuốc lá làm nóng trước khi cấp phép kinh doanh cùng với chỉ định “Sản phẩm Thuốc lá Điều chỉnh về nguy cơ - Giảm thiểu phơi nhiễm (với chất gây hại lên cơ thể)." Cơ quan này xác định hàm lượng chất gây hại của thuốc lá làm nóng thấp hơn thuốc lá điếu lên đến 90%.
Trung tâm Ung thư Quốc gia Nhật Bản (NCC) cũng chứng minh mức phơi nhiễm với thuốc lá làm nóng là ở ngưỡng có thể chấp nhận được, vì nguy cơ ung thư trọn đời của thuốc lá làm nóng được kỳ vọng là dưới 1/100.000 (mức độ an toàn) - thấp hơn 3 bậc so với thuốc lá điếu trong cùng điều kiện.
Điều này có tác động nhất định trong quyết sách của chính phủ Nhật đối với thuốc lá làm nóng kể khi ra mắt năm 2014.
Tại Việt Nam, Phó Giáo sư-Tiến sỹ-bác sỹ Trần Khánh Toàn, Giảng viên cao cấp Bộ môn Y học gia đình, Đại học Y Hà Nội thông tin, các nghiên cứu của FDA đã chỉ ra rằng thuốc lá làm nóng giảm các thành phần độc hại, gây ung thư như formaldehyde, CO, nitrosamine…
Từ đó các chỉ điểm sinh học về tác hại thuốc lá trong cơ thể người chuyển đổi sang thuốc lá làm nóng cũng giảm theo, và tỷ lệ mắc các bệnh thường gặp liên quan thuốc lá thấp hơn hẳn khi chuyển từ thuốc lá điếu sang thuốc lá làm nóng.
Ông Khánh Toàn cũng cho biết thêm dữ liệu này được đưa ra từ nghiên cứu trên các sản phẩm chính danh, không bao gồm hàng lậu trôi nổi trên thị trường.
Trong giới nghiên cứu khoa học cũng như các đại biểu Quốc hội cũng đã có nhiều ý kiến phản biện đối với quan điểm cho rằng phải cấm thuốc lá làm nóng vì độc hại hơn so với thuốc lá điếu.
Hiện, Bộ Công Thương đang đề nghị Bộ Y tế thực hiện báo cáo khoa học cụ thể về vấn đề này, trong bối cảnh thông tin cả về cách định danh lẫn mức độ gây hại của thuốc lá làm nóng được công bố trong nước chưa thống nhất với những dữ liệu đời thực trên toàn cầu./.