Điều chỉnh tăng thêm chỉ tiêu room tín dụng: Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Theo các chuyên gia, việc điều chỉnh tăng thêm chỉ tiêu room tín dụng lần này không chỉ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn dồi dào hơn mà còn để ổn định thị trường tiền tệ.

Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng nhằm tiếp sức cho doanh nghiệp hồi phục sản xuất kinh doanh. (Ảnh: Vietnam+)

Cùng với sự hồi phục của nền kinh tế, thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp cũng đang tái khởi động lại hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhu cầu tín dụng vì thế cũng tăng theo. Vì vậy Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng. Bên cạnh đó, cơ quan này cũng đang kêu gọi các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm thêm lãi suất nhằm tạo điều kiện cho các doanh phát triển kinh doanh trong tháng cuối năm và đầu năm 2025.

Nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cuối năm

Ngân hàng Nhà nước đã phát đi thông báo điều chỉnh tăng thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (room tín dụng) năm 2024 đối với các tổ chức tín dụng theo nguyên tắc cụ thể, đảm bảo công khai, minh bạch.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết việc nới room tín dụng được thực hiện trong điều kiện lạm phát được kiểm soát dưới mức mục tiêu đề ra, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về điều hành tăng trưởng tín dụng hiệu quả, đáp ứng vốn cho nền kinh tế.

Đây không phải lần đầu Ngân hàng Nhà nước đưa ra chính sách nới room chủ động này. Vào đầu năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng. Đến ngày 28/8, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ chủ động nới room cho các tổ chức tín dụng có tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt từ 80% chỉ tiêu Ngân hàng Nhà nước đã thông báo đầu năm 2024 dựa trên cơ sở điểm xếp hạng.

Theo chuyên gia kinh tế - Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh, những chỉ đạo liên tiếp từ phía cơ quan quản lý cho thấy nỗ lực và quyết tâm của Ngân hàng Nhà nước trong việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ phát triển kinh tế, đáp ứng nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp trong những tháng cuối năm. Đặc biệt, việc điều chỉnh tăng thêm chỉ tiêu tín dụng cho các ngân hàng mà không cần tổ chức tín dụng phải đề nghị là động thái rất chủ động của Ngân hàng Nhà nước, tạo điều kiện cho các ngân hàng đang tăng trưởng tín dụng tốt thêm khả năng cung cấp vốn cho nền kinh tế.

Các chuyên gia cũng đánh giá việc nới thêm room tín dụng lần này không chỉ tạo điều kiện cho nền kinh tế tiếp cận nguồn vốn dồi dào hơn mà còn là bước đi cần thiết để ổn định thị trường tiền tệ. Trong bối cảnh lạm phát đang được kiểm soát tốt, chính sách này sẽ thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của năm 2024 và chuẩn bị sẵn sàng cho năm 2025.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hữu Huân - Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết việc nới room tín dụng tại thời điểm này là hoàn toàn cần thiết, có thể góp phần khiến cho tăng trưởng tín dụng nhanh hơn vào tháng cuối năm.

Để đạt được con số tăng trưởng tín dụng 15% cho toàn hệ thống thì bắt buộc phải nới room cho các ngân hàng đã hết room để tiếp tục đẩy vốn ra cho nền kinh tế.

Các chuyên gia đánh giá, việc nới thêm room tín dụng lần này nhằm tạo điều kiện cho nền kinh tế tiếp cận nguồn vốn dồi dào hơn. (Ảnh: Vietnam+)

Mặc dù đưa thông báo nới room nhưng các điều kiện quyết định mức nới với các ngân hàng không được công bố chi tiết. Ngân hàng Nhà nước cũng không công bố danh sách các đơn vị được nới room, song một số ngân hàng trước đó đã mong muốn được tăng hạn mức tín dụng.

Thống kê từ báo cáo tài chính quý 3/2024, nhiều ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng cho vay cao, đơn cử như Techcombank (20,8%), LPBank (16,1%), HDBank (16,1%), Nam A Bank (15,8%), MB (14,9%), TPBank (14,4%), MSB (14,4%), ACB (13,8%), VPBank (12,2%)... Do vậy, các ngân hàng này nhiều khả năng sẽ thuộc nhóm được nới room tín dụng.

Mục tiêu 15% liệu có đạt được?

Ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng đạt 15%. Theo số liệu thống kê mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 22/11, tín dụng toàn hệ thống tăng 11,12% so với cuối năm 2023.

Theo một giảng viên Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, trong giai đoạn hiện nay, khi các doanh nghiệp đang đẩy mạnh hoạt động sản xuất cuối năm và các kế hoạch trả lương, thưởng Tết thì nhu cầu về nguồn vốn là rất cần thiết, nhất là các doanh nghiệp lớn sử dụng nhiều lao động. Việc ngân hàng nới room tín dụng thời điểm này là chính sách hợp lý, không chỉ giúp các ngân hàng đã giải ngân hết hạn mức mà còn giúp các doanh nghiệp có nhiều điều kiện tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn.

“Thực tế là mặc dù hiện tăng trưởng tín dụng chung toàn hệ thống chưa cao, tuy nhiên cũng có không ít ngân hàng tăng trưởng tín dụng rất tích cực. Những ngân hàng này phần lớn có lượng khách hàng uy tín, ổn định và đang có đà tăng trưởng tốt. Vì vậy, việc nới room đối với các ngân hàng có chỉ số hoạt động tốt, lành mạnh và hệ số an toàn giúp cho ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp,” vị giảng viên nhận định.

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm - Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Giám đốc Sacombank cũng cho biết ngân hàng đã có nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả. Đó là quản trị chặt chẽ chi phí vốn, kéo giảm lãi suất huy động 1,2% so đầu năm, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay gần 1,5%. Như vậy, Sacombank đã hy sinh một phần lợi nhuận để chia sẻ khó khăn cùng khách hàng. Thực tế, lãi suất giải ngân hiện nay tại Sacombank chỉ quanh mức 7,5%/năm (trong đó khách hàng cá nhân là 7,9% và doanh nghiệp là 7%).

Một số lãnh đạo ngân hàng cũng chia sẻ, đã xuất hiện những dấu hiệu tích cực gia tăng nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đối với các khách hàng doanh nghiệp, các ngân hàng này cũng duy trì mức giá giảm sâu, tập trung vào tài trợ vốn lưu động và tài trợ trung dài hạn cho các doanh nghiệp với mức lãi suất từ 2,9% trở lên. Mặc dù việc giảm giá sâu sẽ dẫn đến làm giảm lợi nhuận ngắn hạn nhưng đây là bước tạo điều kiện phát triển bền vững cho cá nhân, doanh nghiệp và ngân hàng khi sản xuất kinh doanh được phục hồi trong thời gian tới.

Người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cho rằng mục tiêu tăng 15% của năm 2024 là hoàn toàn khả thi. (Ảnh: Vietnam+)

Giới chuyên môn đánh giá tích cực công tác điều hành tín dụng của Ngân hàng Nhà nước ngày càng linh hoạt, kịp thời, đảm bảo dòng vốn chảy thông suốt vào nền kinh tế. Nhưng các chuyên gia cũng lưu ý, phần tăng trưởng tín dụng được phân bổ thêm phải lựa chọn kỹ càng, thận trọng. Không vì cố gắng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng được giao phó lại lựa chọn cho vay “lỏng tay” trong bối cảnh cầu tín dụng của nền kinh tế có thể vẫn chưa phục hồi theo kịp với mục tiêu tăng trưởng tín dụng được mở rộng. Điều này có thể kéo theo rủi ro tín dụng tiềm ẩn lại phát sinh trong giai đoạn kế tiếp.

Do vậy, Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo các tổ chức tín dụng một mặt duy trì dòng vốn cho nền kinh tế những vẫn phải đảm bảo cho vay vào các lĩnh vực sản xuất, hạn chế đầu tư vào các kênh đầu cơ.

Về phía cơ quan quản lý, trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng các động lực tăng trưởng kinh tế từ phía cung và phía cầu đều có sự cải thiện và có sự phục hồi. Thông thường, tín dụng sẽ tăng mạnh vào những tháng cuối năm, vì vậy mục tiêu tăng 15% của năm 2024 là hoàn toàn khả thi./.