Điều chỉnh lãi suất cho vay nhà ở xã hội: Đảm bảo cân đối nhiều yếu tố
Theo lý giải của Ngân hàng Chính sách, việc điều chỉnh mức lãi suất cho vay nhà ở xã hội từ 4,8% lên 6,6% nhằm đảm bảo tính bền vững của chương trình và giảm tải gánh nặng ngân sách Nhà nước.
Theo Nghị định số 100/2024/NĐ-CP, từ ngày 01/8/2024 Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện lãi suất cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân và xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở từ mức 4,8%/năm lên 6,6%/năm. Mức lãi suất mới này được điều chỉnh nhằm đảm bảo tính bền vững của chương trình cho vay và giảm tải gánh nặng ngân sách Nhà nước.
Cân nhắc từ nhiều góc độ
Nghị định số 100/2024/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, đã mang đến một loạt thay đổi đáng chú ý liên quan đến việc cho vay nhà ở xã hội.
Một trong những thay đổi đáng chú ý là lãi suất cho vay được điều chỉnh theo mức lãi suất cho vay đối với hộ nghèo do Thủ tướng Chính phủ quy định trong từng thời kỳ. Mức lãi suất nợ quá hạn cũng được quy định là 130% so với lãi suất cho vay thông thường. Điều này có nghĩa rằng, với lãi suất cho vay hộ nghèo hiện tại là 6,6%/năm, lãi suất cho vay nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội đã tăng thêm 1,8% so với trước đây.
Theo Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Huỳnh Văn Thuận, mức lãi suất cho vay này đã được cơ quan có thẩm quyền tổng kết, đánh giá, tính toán kỹ lưỡng trong quá trình xây dựng Nghị định của Chính phủ. Dự thảo Nghị định đã được lấy ý kiến tham gia rộng rãi của các Bộ, ngành, địa phương, người dân để hoàn thiện, thẩm định trước khi trình Chính phủ ban hành theo quy định.
Đánh giá về những điều chỉnh mới, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, nhận định rằng việc phê duyệt mức lãi suất 6,6%/năm đã được cân nhắc kỹ lưỡng, nhằm đảm bảo cân đối nhiều yếu tố. Ông Hùng cho rằng chính sách này cần nhìn nhận từ góc độ ổn định và dài hạn, với thời hạn vay lên đến 25 năm.
Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội tính đến 31/7/2024, sau gần 10 năm triển khai thực hiện cho vay nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở 2014, Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, Nghị định số 49/2021/NĐ-CP, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân được 20.894 tỷ đồng cho hơn 49.000 khách hàng, dư nợ đạt 17.263 tỷ đồng với gần 46.000 khách hàng đang còn dư nợ.
Nguồn vốn tín dụng chính sách về nhà ở xã hội đã góp phần giúp hơn 49.000 người thu nhập thấp, công nhân cùng gia đình có nhà ở xã hội và góp phần xây dựng hơn 49.000 căn nhà ở, ổn định “an cư, lạc nghiệp,” yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế.
Xem xét điều chỉnh phù hợp thực tiễn
Được tính toán kỹ lưỡng nhằm duy trì tính bền vững của chương trình và giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, một số chuyên gia cũng nhấn mạnh sự cần thiết của một chính sách ổn định trong dài hạn.
Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, đánh giá mức lãi suất 6,6%/năm là tương đối hấp dẫn và nhấn mạnh cần cố định mức lãi suất này trong nhiều năm để tạo sự ổn định cho người vay. Ông Hiếu lấy ví dụ về lãi suất vay mua nhà tại Mỹ, nơi mức lãi suất có thể lên đến 7,5%/năm nhưng được cố định trong suốt 30 năm, giúp người vay có thể lên kế hoạch tài chính dài hạn mà không lo ngại về sự biến động của lãi suất.
Trước những ý kiến đa chiều liên quan đến việc điều chỉnh lãi suất cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2024/NĐ-CP, Phó Tổng Giám đốc Huỳnh Văn Thuận khẳng định với vai trò là đơn vị triển khai thực hiện cho vay, Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ tiếp thu các ý kiến để báo cáo các Bộ, ngành liên quan, từ đó báo cáo trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Ngân hàng Chính sách xã hội cũng cam kết tiếp tục tập trung triển khai thực hiện chương trình cho vay nhà ở xã hội đảm bảo tuân thủ đúng các quy định của Chính phủ tại Nghị định số 100/2024/NĐ-CP, trong đó có quy định về lãi suất cho vay./.