Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024 sẽ được tổ chức vào tháng 12 tới

Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024 (VLF 2024) với chủ đề “Khu thương mại tự do-giải pháp đột phá thúc đẩy tăng trưởng logistics” sẽ được tổ chức tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vào tháng 12 tới.

Kho bãi chứa container tại cảng Tân Vũ, thành phố Hải Phòng. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương, cho biết Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024 sẽ là diễn đàn lần thứ 12 được tổ chức.

Diễn đàn năm nay tổ chức trong bối cảnh có nhiều đặc điểm mới. Theo đó, việc triển khai các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, đa phương và thế hệ mới đòi hỏi doanh nghiệp phải nỗ lực nâng cao sức cạnh tranh.

Bên cạnh đó, kinh tế thế giới năm 2024 dự báo tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Gia tăng căng thẳng địa chính trị, xung đột giữa Nga-Ukraine diễn biến phức tạp và kéo dài, xung đột tại Dải Gaza leo thang, các cuộc tấn công hoạt động vận tải tại Biển Đỏ đã ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu.

Cùng đó, xu hướng phát triển bùng nổ của thương mại điện tử và thương mại điện tử xuyên biên giới, cùng với yêu cầu ngày càng cao về logistics xanh và phát triển bền vững vừa là cơ hội và cũng là thách thức với ngành dịch vụ logistics Việt Nam.

Trong bối cảnh thế giới còn nhiều yếu tố bất ổn, cơ hội và thách thức đan xen, việc tổ chức Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024 nhằm thảo luận, đề xuất và kiến nghị triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển dịch vụ logistics cần được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế đất nước.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế trong phát triển dịch vụ logistics như nằm ở vị trí chiến lược trong khu vực phát triển năng động của thế giới, có nền kinh tế đang trên đà phát triển, hội nhập quốc tế sâu rộng, là thị trường mới nổi thứ 8 có sức tiêu thụ lớn, thương mại điện tử có xu hướng phát triển mạnh, là trung tâm sản xuất mới của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Cần trục giàn có khả năng nâng hàng chục tấn khi bốc xếp tại Tân Cảng, Lạch Huyện. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Bên cạnh đó, Việt Nam có lợi thế về vị trí địa lý hướng biển, thuận lợi cho vận tải quốc tế với bờ biển dài 3.260km, nhiều cảng nước sâu, sân bay quốc tế, hệ thống đường sắt xuyên quốc gia và mạng lưới giao thông thuận lợi,...

Thời gian qua, Việt Nam đang tích cực nghiên cứu về các khu thương mại tự do trên thế giới. Đây là một loại hình khu kinh tế có thể mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam, góp phần thúc đẩy dịch vụ logistics. Hiện tại, Việt Nam chưa có khu thương mại tự do. Vừa qua, thành phố Đà Nẵng đã được Quốc hội thông qua cơ chế thí điểm thành lập khu thương mại tự do, là cơ sở để thí điểm nghiên cứu chính sách mới, làm tiền đề để luật hóa các quy định về khu thương mại tự do cho cả nước.

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới, tham gia tích cực vào FTA và với lợi thế địa kinh tế, việc nghiên cứu, đề xuất triển khai xây dựng, thành lập và phát triển mô hình khu thương mại tự do nên được thực hiện sớm để tận dụng thời cơ, góp phần đưa ngành dịch vụ logistics Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng logistics toàn cầu.

Bà Rịa-Vũng Tàu là tỉnh ven biển thuộc vùng Đông Nam Bộ, nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, ở vị trí cửa ngõ ra Biển Đông của các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ, kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khác bằng đường bộ, đường thủy nội địa và đường hàng không.

Những năm qua, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có nhiều thành tích trong việc thu hút FDI, phát triển sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu, đóng vai trò dẫn dắt trong liên kết vùng của Đông Nam Bộ. Đến năm 2030, tỉnh sẽ tập trung nâng cao tỷ lệ ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế, trong đó đặc biệt chú trọng về du lịch, tài chính, cảng biển và logistics.

Bên cạnh đó, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 370/QĐ-TTg ngày 4/5/2024 phê duyệt Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bốc dỡ container tại cụm cảng Cái Mép, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Theo đó, đã định hướng “Hình thành khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.” Cùng với đó, Quyết định số 200/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng giao nhiệm vụ “Hỗ trợ nâng cao hiệu quả khai thác, tiếp thị và mở rộng nguồn hàng, nâng cao lưu lượng hàng hóa tại cụm cảng Cái Mép-Thị Vải thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đưa cụm cảng trở thành đầu mối thu gom và trung chuyển hàng hóa trong khu vực.”

Việc sớm thành lập được Khu thương mại tự do tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ là đòn đẩy quan trọng góp phần hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, thu hút nguồn vốn đầu tư, tạo sự cộng hưởng nhằm khơi dậy tiềm năng sẵn có của địa phương này.

Để truyền tải thông điệp này, từng bước thay đổi nhận thức của các cấp chính quyền và doanh nghiệp liên quan đến việc thành lập, đầu tư, phát triển khu thương mại tự do nhằm thúc đẩy thương mại, đầu tư và hội nhập kinh tế quốc tế, định hướng và khuyến khích các tập đoàn logistics đa quốc gia cũng như doanh nghiệp logistics lớn quan tâm, chủ động hợp tác đầu tư trong việc vận hành chuỗi cung ứng để sớm nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hiện nay, Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024 (VLF 2024) do Bộ Công Thương phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tổ chức với chủ đề “Khu thương mại tự do-giải pháp đột phá thúc đẩy tăng trưởng logistics,” sẽ diễn ra vào đầu tháng 12 tại Khách sạn The Grand Hồ Tràm, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Đây cũng là chủ đề của Báo cáo Logistics Việt Nam 2024 sẽ công bố tại diễn đàn.

Diễn đàn dự kiến quy tụ hơn 500 đại biểu gồm lãnh đạo các bộ, ngành liên quan; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Đông Tây Nam Bộ; đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, các hiệp hội, doanh nghiệp dịch vụ logistics, sản xuất và xuất nhập khẩu trong và ngoài nước, chuyên gia và cơ quan truyền thông, báo chí trên cả nước.

Trước đó, Bộ Công Thương sẽ tổ chức đoàn khảo sát thực tế tại các cảng, trung tâm logistics lớn trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng như khu vực lân cận cho các đại biểu tham dự diễn đàn. Các đại biểu không có điều kiện tham dự trực tiếp nhưng quan tâm đến diễn đàn sẽ theo dõi mọi hoạt động qua các kênh trực tuyến của chương trình./.