Diễn đàn KT-XH: Đề xuất ổn định lãi suất, tỷ giá để kiểm soát lạm phát

Kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành lãi suất, tỷ giá, tín dụng là vấn đề nhiều đại biểu cho ý kiến ở tọa đàm Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Chiều 18/9, Diễn đàn Kinh tế-Xã hội Việt Nam 2022 đã tổ chức Tọa đàm cấp cao với chủ đề “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững.”

Kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành lãi suất, tỷ giá và tín dụng là vấn đề được nhiều đại biểu, chuyên gia cho ý kiến tại tọa đàm.

"Giải bài toán" với nhiều yếu tố

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà, lạm phát trong nước hiện vẫn trong tầm kiểm soát nhưng áp lực trong năm 2023 là khá lớn và không thể chủ quan với rủi ro này.

Một số tổ chức quốc tế dự báo lạm phát khoảng 3,5-4,4% trong năm 2022 và khoảng 3,2-5,5% trong năm 2023 trong bối cảnh giá hàng hóa thế giới biến động khó lường và xu hướng phục hồi kinh tế.

Dưới góc độ của cơ quan quản lý vĩ mô, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục kiên định với mục tiêu kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thận trọng trong điều hành chính sách tiền tệ, trong đó có điều hành tín dụng. Năm 2022, Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến thực tế.

Ông Phạm Thanh Hà cho biết về điều hành chính sách tiền tệ nói chung, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải "giải bài toán" với nhiều yếu tố khác nhau, mục tiêu đặt ra là kiểm soát lạm phát, đồng thời đảm bảo an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, đảm bảo thanh khoản cho các thị trường tiền tệ, ngoại hối. Các biến số như lãi suất, tỷ giá đều được đưa vào bài toán tổng thể này.

Trong năm 2022, tình hình thế giới rất phức tạp và khó lường, chưa từng có tiền lệ, rủi ro của các nền kinh tế, hệ thống tài chính, ngân hàng là rất lớn; kìm hãm lạm phát là ưu tiên hàng đầu của nhiều nền kinh tế lớn. Nhiều ngân hàng trung ương của nhiều nước trên thế giới đã "chần chừ" vì đánh giá lạm phát là tạm thời do đứt gãy chuỗi cung ứng.

Tuy nhiên, lạm phát kéo dài hơn dự kiến cho thấy vấn đề thực sự phức tạp hơn, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã tăng nhanh lãi suất, dẫn đến nguy cơ suy thoái.

[Diễn đàn Kinh tế-Xã hội Việt Nam 2022 bàn về củng cố kinh tế vĩ mô]

Trước bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã gặp nhiều khó khăn trong điều hành và đã sử dụng nhiều biện pháp để ổn định thị trường tiền tệ, ổn định lãi suất. Tuy nhiên, áp lực lạm phát còn lớn và kéo dài, còn nhiều áp lực trong việc kìm hãm lạm phát trong năm 2023 sắp tới, vì vậy Ngân hàng Nhà nước cần hết sức chú trọng công tác này.

Về chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, trong hơn 10 năm qua, biện pháp hành chính đã thể hiện được sự hiệu quả trong ổn định hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối. Trước năm 2011, tăng trưởng tín dụng rất cao, ở mức trên 30%. Trong 10 năm trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước đã cố gắng điều hành tăng trưởng tín dụng ở mức 12-14%.

Để tăng trưởng kinh tế, theo Phó Thống đốc, cần nhiều nguồn vốn khác nhau, không chỉ là tín dụng ngân hàng, mà bản thân nền kinh tế cần có vốn, chủ thể đầu tư. Các kênh dẫn vốn cho nền kinh tế gồm cổ phiếu, trái phiếu, đầu tư công, nguồn vốn đầu tư nước ngoài; cần khơi thông đầy đủ các kênh vốn này.

Trong nhiều năm trở lại đây, áp lực tăng trưởng tín dụng luôn ở mức cao. Sau 10 năm, quy mô nền kinh tế tăng 2,7 lần. Quy mô tín dụng tăng 4,4 lần. Năm nay, Ngân hàng nhà nước đã tính toán mức tăng trưởng tín dụng hỗ trợ cho phát triển kinh tế khoảng 14%, là mức cao hơn hai năm trước. Trong bối cảnh nhiều biến động và thách thức, Ngân hàng Nhà nước vẫn cố gắng để đạt được mức cao này.

Tham gia thảo luận, Tiến sỹ Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết việc lựa chọn chính sách tiền tệ và tài khóa trong trạng thái kinh tế lạm phát cao, rủi ro vĩ mô lớn, sản xuất đình trệ, là rất phức tạp, khó khăn thách thức. Nhà hoạch định chính sách đứng trước cả hai nguy cơ: lạm phát và suy thoái. Phần lớn các nước đã lựa chọn hy sinh tăng trưởng để kìm hãm lạm phát bằng các biện pháp thắt chặt, tăng lãi suất.

"Trong tình hình này, Việt Nam đã có lựa chọn khác, vừa thúc đẩy phục hồi, vừa ổn định kinh tế vĩ mô. Lựa chọn này có cơ sở là cuối năm 2021, vị thế tài khóa ngân sách của Việt Nam tương đối tốt; thâm hụt, tỷ lệ nợ công của Việt Nam ở mức khả quan," Tiến sỹ Võ Trí Thành đánh giá.

Do vậy, Việt Nam đã quyết định dựa nhiều vào chính sách tài khóa, ngay cả việc hỗ trợ 2% thuế giá trị gia tăng, nguồn tiền hỗ trợ đều nhờ ngân sách, chưa cần dùng đến chính sách tiền tệ.

Theo ông Võ Trí Thành, việc lựa chọn này là hợp lý, do chính sách tài khóa ít khi gây áp lực cho lạm phát hơn, đồng thời cũng có dư địa lớn hơn so với chính sách tiền tệ. Việc tập trung vào chính sách tài khóa cũng đã tạo dư địa cho chính sách tiền tệ để ứng phó với những rủi ro, bất định.

Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Võ Trí Thành phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Ông Võ Trí Thành nhấn mạnh kết quả của lựa chọn chính xác này là trong khi tình hình quốc tế có biến động mạnh, thì tình hình tài khóa của nước ta vẫn vững vàng, thu ngân sách 8 tháng năm 2022 tăng cao, chúng ta vẫn tiếp tục thực hiện nới tài khóa, cẩn thận và linh hoạt với chính sách tiền tệ.

Về chính sách tín dụng, Tiến sỹ Thành cho rằng: "Con số 14% là hợp lý về cả ngắn hạn lẫn dài hạn. Nếu nới lỏng hơn áp lực lên tỷ giá còn lớn, gây áp lực lên lãi suất, tạo nguy cơ chảy máu vốn. Tăng tín dụng của Việt Nam lên 14% không phải quá nới lỏng, nhưng cũng không phải thắt chặt, tỷ lệ tín dụng trên GDP là 124%, mức rất rủi ro, nhưng các hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam đã tăng vốn để đảm bảo an toàn. Đó sẽ là cơ sở để tính toán mức tăng tín dụng hợp lý."

Bên cạnh đó, ông Võ Trí Thành cho rằng cần vận dụng chính sách tiền tệ linh hoạt hơn nữa, tập trung vào sản xuất kinh doanh, hạn chế các lĩnh vực rủi ro, kiểm soát chặt chẽ phần đầu tư cho trung, dài hạn, để bổ sung cho một số lĩnh vực kinh doanh phù hợp tùy theo chu kỳ kinh doanh của ngành.

Đề xuất ổn định lãi suất

Bình luận về những giải pháp kiềm chế lạm phát, Tiến sỹ Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Việt Nam khuyến nghị: "Lãi suất ở Việt Nam cố gắng ổn định là tốt nhất."

Tiến sỹ Trương Văn Phước khẳng định tình hình lạm phát toàn cầu là một hiện tượng phổ biến. Thông thường khi lãi suất tăng lên, thì cầu giảm, đó là điều mong muốn để hạ bớt cầu về tín dụng ở các quốc gia đang có lạm phát cao; làm dịu bớt thị trường lao động nóng.

"Sau đại dịch COVID-19, các nước sử dụng biện pháp tăng tiền lương để kéo lao động thì lại rơi vào một hiệu ứng nan giải: giá tăng khiến tiền lương tăng, tiền lương tăng làm cho giá tăng. Bên cạnh đó, tăng lãi suất suy cho cùng là làm cho đồng nội tệ tăng lên. Chính vì vậy, việc sử dụng lãi suất là điều quan trọng," từ đó ông Trương Văn Phước khuyến nghị lãi suất Việt Nam cố gắng ổn định là tốt nhất.

Về tỷ giá, Tiến sỹ Trương Văn Phước nhấn mạnh Việt Nam phải giữ cho bằng được ổn định tỷ giá. Đây là “phòng tuyến,” nếu vỡ phòng tuyến này thì lạm phát sẽ tràn vào. Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã làm tốt việc này, giữ tỷ giá trung tâm khoảng 0,6 và để thị trường dao động trong biên độ cộng trừ 3%. "Như vậy là sự lan truyền của lạm phát vào Việt Nam sẽ bị ngưng lại bởi phòng tuyến tỷ giá," ông Phước nhấn mạnh./.

Xuân Tùng (TTXVN/Vietnam+)