Điện ảnh sẽ hưởng lợi từ gói tín dụng chục nghìn tỷ cho Công nghiệp Văn hóa
Điện ảnh vốn giàu tiềm năng kinh tế, nhưng cũng rất cần nguồn lực lớn để "bung sức" và thực sự trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn, đóng góp cho công cuộc phát triển Công nghiệp Văn hóa tại Việt Nam.
Công nghiệp Điện ảnh nói riêng và Công nghiệp Văn hóa nói chung cần diễn ra song song và bổ trợ lẫn nhau. Để làm được điều đó, các nguồn lực (từ phía quản lý nhà nước đến tư nhân) cần được tập trung để phát triển đúng hướng, đúng lộ trình mang lại hiệu quả cao nhất.
Đây là một trong những nội dung chính được đưa ra thảo luận tại Hội nghị Trực tuyến Toàn quốc về “Phát triển Các ngành Công nghiệp Văn hóa Việt Nam” về lĩnh vực Điện ảnh ngày 22/12.
Kinh phí đầu tư lớn nhưng hồi vốn chậm
Với dân số gần 100 triệu dân, tiềm năng doanh thu phòng vé là rất lớn. Chia sẻ tại Hội nghị, bà Ngô Thị Bích Hạnh (Giám đốc BHD) cho biết Việt Nam có tỷ lệ tăng về doanh thu phòng vé cao, cụ thể là từ 25-40%/năm (trừ năm 2018 là năm CGV phá giá khiến cả thị trường cùng phải xuống giá và những năm COVID-19).
Tuy vậy, phim Việt vẫn chịu cảnh yếu thế trên thị trường. Phía BHD cho biết phim nước ngoài đang chiếm 70-80% thị phần Việt Nam hiện nay, chưa kể ngành phim thường xuyên chịu thiệt hại vì các trang chiếu lậu.
Doanh thu phim Việt chỉ đạt khoảng 18-33% còn phim ngoại đạt 67-82%, chủ yếu là phim Mỹ và Hàn Quốc. Thêm vào đó, doanh nghiệp Hàn Quốc và hệ thống rạp rộng khắp cũng đang tạo sự cạnh tranh không cân sức với doanh nghiệp trong nước (67% thị phần thuộc doanh nghiệp Hàn).
“Với tình hình lãi suất vay cao, tiền thuê đất lớn, doanh nghiệp rạp Việt khó hồi vốn và có lãi. Vì vậy để tạo đối trọng với doanh nghiệp nước ngoài, phía doanh nghiệp đề xuất được hỗ trợ được vay vốn với lãi suất ưu đãi như nông nghiệp,” bà Bích Hạnh nêu đề xuất.
Bên cạnh đó, phía doanh nghiệp đề xuất hỗ trợ thuế, phí để thúc đẩy hợp tác sản xuất với nước ngoài; tạo ưu đãi thuế, phí để thu hút nhà đầu tư, sản xuất phim; cho phép thế chấp bằng tài sản trí tuệ, tài sản vô hình mà cụ thể là phim; được hỗ trợ về thủ tục hành chính để giải quyết giấy phép con…
Về chuyện giấy phép con và thủ tục nhiêu khê, doanh nghiệp này cho biết đã lên tiếng từ 5-7 năm nay nhưng chưa được cải thiện.
Người đại diện doanh nghiệp này đưa ra nhiều đề xuất lập tổ đặc biệt hỗ trợ về Công nghiệp Văn hóa cấp nhà nước, với các nhân sự từ nhiều bộ, ngành liên quan. Tổ này vừa làm chính sách và vừa góp phần theo dõi việc thực thi chính sách.
Theo số liệu thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Việt Nam đang là quốc gia tầm trung về phát triển Công nghiệp Văn hóa và còn nhiều dư địa phát triển. Trong giai đoạn từ 2018-2022, số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực điện ảnh có tỷ lệ tăng khá cao, đạt 7,94%.
Xác định mức độ ưu tiên để đầu tư phù hợp
Tại Hội nghị, đại diện Ngân hàng Nhà nước - Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết Việt Nam có 21 ngành kinh tế quốc dân. Ngành Công nghiệp Văn hóa cần được phân nhánh cụ thể là ngành kinh tế mới hay thuộc nhóm các ngành kinh tế hiện hành. Từ đó, ngành ngân hàng mới có thể nghiên cứu số liệu thống kê, theo dõi và đánh giá một cách hiệu quả, đề ra chính sách phù hợp.
“Hiện tại, Chính phủ có 5 ngành được ưu tiên. Theo chủ trương đó, chúng tôi có quy định riêng về lãi suất cho vay. Với ngành Công nghiệp Văn hóa, nếu xác định là một ngành ưu tiên nữa thì sẽ đưa vào khung ưu tiên và Ngân hàng Nhà nước có hướng dẫn phù hợp,” Phó Thống đốc Phạm Thann chia sẻ.
Thêm vào đó ông đề xuất nếu xác định có ngành Công nghiệp văn hóa cần ưu tiên, thì có thể tham khảo những "gói" tín dụng đang triển khai, ví dụ như "gói" 120.000 tỷ đồng. Đấy là nguồn lực của các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước sẽ có hướng dẫn và để các tổ chức tín dụng triển khai.
Cũng liên quan đến đầu tư cho Công nghiệp Văn hóa và Công nghiệp Điện ảnh, đại diện Bộ Tài chính - Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi - cho biết hiện nay Chính phủ đã có những ưu đãi riêng về thuế cho các doanh nghiệp, tổ chức trong lĩnh vực này. Bộ đã lắng nghe và tiếp nhận ý kiến của phía doanh nghiệp, sẽ tiếp tục báo cáo các cấp có thẩm quyền để có những điều chỉnh phù hợp, tạo điều kiện tốt nhất cho việc phát triển điện ảnh nói riêng và công nghiệp nói chung.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra 2 nhóm giải pháp lớn, gồm huy động nguồn lực và đánh giá sự đóng góp của các ngành Công nghiệp Văn hóa.
Đối với nhóm giải pháp về đánh giá mức độ đóng góp, Bộ này đề xuất 3 giải pháp nhỏ: Thứ nhất, xây dựng chỉ tiêu hệ thống thống kê để đánh giá sự đóng góp của ngành Công nghiệp Văn hoá trong phát triển kinh tế-xã hội; thứ hai, xây dựng các cuộc điều tra thống kê để thu thập thông tin; thứ ba là xây dụng quy chế phối hợp chia sẻ thông tin cho các cơ quan. Tổng Cục Thống kê sẽ phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong quá trình thực hiện.
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo dành "gói" tín dụng ưu đãi khoảng 20.00-30.000 tỷ đồng cho ngành Công nghiệp Văn hóa. Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến để sớm hoàn thiện để trình ban hành văn bản phù hợp sau Hội nghị.
Thủ tướng cũng chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn đến mục tiêu đặt ra cho ngành Công nghiệp Điện ảnh./.