'Điểm mặt' ba lĩnh vực lãng phí lớn nhất của Việt Nam hiện nay
Thực trạng tham nhũng và lãng phí đã làm suy yếu các nguồn lực trong nước, làm thui chột năng lực sáng tạo, cản trở việc thu hút nhân tài, làm mất đi nhiều cơ hội hội nhập hợp tác quốc tế.
Sự lãng phí ở Việt Nam hiện hữu ở khắp mọi nơi, mọi lĩnh vực, mọi ngành, mọi cấp, mọi nhà. Lãng phí về tài nguyên, tài sản công, thời gian, trí tuệ, công sức của con người rất dễ nhận biết. Trong số đó có ba lĩnh vực lãng phí vô cùng lớn, tác động tiêu cực đến đời sống chính trị, kinh tế, môi trường, an ninh và an sinh xã hội. Đó là lãng phí tài nguyên, lãng phí tài sản công và lãng phí nhân lực, nhân tài của đất nước.
Lãng phí tài nguyên
Từ việc khai thác các loại khoáng sản, khai thác các loại tài nguyên để làm vật liệu xây dựng đến việc khai thác không gian mặt đất, mặt nước của các tổ chức và cá nhân để triển khai các dự án, ở đâu cũng có chuyện lãng phí xảy ra.
Thời gian gần đây, Nhà nước đã có những chế tài, chế định pháp lý, quản lý chặt chẽ việc cấp phép và thực hiện khai thác tài nguyên nhưng vẫn còn những bất cập, khó khăn và lãng phí.
Tình trạng "quy hoạch treo," "dự án treo" không chỉ kìm hãm sự phát triển kinh tế-xã hội mà còn khiến người dân bức xúc vì "khổ sở từ đời này qua đời khác." Chỉ riêng Thành phố Hồ Chí Minh, đến cuối năm 2022, thành phố có hơn 300 dự án treo gây bức xúc cho người dân.
Để khắc phục tình trạng quy hoạch, dự án treo, ngoài việc tích cực hoàn thiện hệ thống pháp luật, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Xây dựng và các địa phương đã có những động thái tích cực.
Ngày 5/6/2023, Bộ Xây dựng có văn bản số 2390/BXD-QHKT đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện, quy hoạch chung xây dựng xã để phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; tổ chức rà soát các cấp độ quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng đã được lập, phê duyệt trên địa bàn, đồng thời rà soát lại những dự án chậm triển khai, dự án đã bị thu hồi để điều chỉnh quy hoạch theo quy định pháp luật; bổ sung nội dung về quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị (nếu có); bảo đảm sự thống nhất giữa các cấp độ quy hoạch, giúp thực hiện quản lý phát triển đô thị và lập dự án đầu tư xây dựng hiệu quả, đồng bộ.
Cuối tháng 6/2024, Hà Nội có 153 dự án buộc phải thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất, chấm dứt hoạt động, dừng triển khai hoặc chấm dứt việc giao chủ đầu tư nghiên cứu lập quy hoạch. Cùng với Hà Nội, nhiều nơi khác cũng đã rà soát lại các quy hoạch, dự án treo để có biện pháp xử lý mạnh hơn.
Mặc dù Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền cũng như chính quyền nhiều địa phương đã quan tâm đến quy hoạch, dự án treo, nhưng cho đến nay, dường như vẫn chưa có nhiều tiến triển.
Tại phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế-xã hội chiều 26/10/2024 của kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu sự lãng phí trong quy hoạch và dự án treo.
Tổng Bí thư lấy ví dụ về dự án chống ngập lụt ở Thành phố Hồ Chí Minh, dự án Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức (cơ sở 2 ở Hà Nam) và câu chuyện "treo" ngân sách trong đầu tư công.
Trong nhiều phát biểu khác, Tổng Bí thư nêu nhiều ví dụ cụ thể khác về lãng phí đất đai. Đây là những dẫn chứng đầy thuyết phục liên quan đến chống tham nhũng lãng phí cũng như tìm giải pháp hóa giải những hệ lụy phức tạp từ sự lãng phí hiện nay.
Đặc biệt, gần đây, báo chí đã "điểm mặt" các dự án treo có quy mô hàng nghìn tỷ đồng, thời gian treo rất dài, có những dự án đã trên 30 năm. Các dự án đầu tư bị treo, chậm tiến độ đang "chôn" hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước, doanh nghiệp và vốn ngân hàng, thị trường chứng khoán... gây thiệt hại về kinh tế, hiệu quả đầu tư, tác động tiêu cực đến kinh tế, đời sống xã hội.
Trong quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, hàng vạn ha đất vốn là đất nông nghiệp, đất công… đã thành đất vàng, đất ở vị trí đắc địa, giá trị sinh lợi "bỗng dưng" gấp trăm, gấp ngàn lần giá gốc. Khoản chênh lệch khổng lồ này cũng chỉ có một phần nhỏ góp vào ngân sách nhà nước qua việc thu thuế.
Lãng phí ngân sách
Điều mà ai cũng biết là bộ máy nhà nước lâu nay khá cồng kềnh và kém hiệu lực. Số lượng đối tượng hưởng lương từ ngân sách rất lớn. Hằng năm, Nhà nước phải chi một số tiền quá lớn để trả lương cho công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị sự nghiệp công, trong các hội, đoàn thể của cả hệ thống chính trị, đồng thời cũng tiêu tốn một khoản tiền lớn để bảo đảm thực hiện chức năng nhiệm vụ của từng tổ chức.
Gần 70% tiền ngân sách chi cho việc trả lương và chi thường xuyên cho các hoạt động của cả hệ thống chính trị. Đây là một tỷ lệ quá cao so với các nước khác. Điều này làm suy yếu nguồn lực đầu tư nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển của đất nước.
Mặc dù Trung ương Đảng đã có nhiều Nghị quyết về tinh giản tổ chức, biên chế, nhiều cấp, nhiều ngành đã triển khai thực hiện và đã đạt được những kết quả nhất định nhưng so với yêu cầu phát triển cũng như khắc phục sự bất cập trong sử dụng ngân sách thì chưa đáp ứng được.
Giá trị và giá trị thặng dư được tích lũy từ sức lao động của cộng đồng được dùng để trả lương cho những người trong bộ máy, trong đó có những người xứng đáng được hưởng và cả những người không xứng đáng được hưởng; những người làm được việc và những người không làm việc hoặc làm hỏng việc; thậm chí là trả cho cả những người thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng.
Mặt khác do chức năng nhiệm vụ của các tổ chức trong bộ máy chồng chéo, trùng lặp nên việc chi trả tiền lương và các chi phí bảo đảm cho các hoạt động thực hiện nhiệm vụ cũng bị trùng lặp. Trong bộ máy, có những người tâm huyết, cống hiến, làm được nhiều việc thì thu nhập chưa tương xứng với sự cống hiến của họ.
Lãng phí nhân lực, nhân tài
Cho đến nay, chưa có một thống kê nào để ước lượng được việc lãng phí trong xây dựng, quản lý sử dụng nguồn nhân lực cũng như lãng phí nhân tài, chất xám. Tuy nhiên, nhìn vào thực trạng nền giáo dục, thực trạng công tác quản lý lao động, công tác tổ chức cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, doanh nhân, sỹ quan, trong đó có cả việc đào tạo, quản lý giáo sư, tiến sỹ, thạc sỹ, văn nghệ sỹ, nhiều người có chung nhận định: lãng phí nguồn nhân lực, đặc biệt là lãng phí nhân tài ở Việt Nam khá nghiêm trọng. Có người cho rằng đây là lãng phí lớn nhất. Tỷ lệ người có đức, có tài, có chỗ để phát huy tài năng, được bố trí nhiệm vụ phù hợp để cống hiến chưa cao.
Lãng phí nhân lực, nhân tài là nguyên nhân của lãng phí khác. Tỷ lệ người có đức, có tài có chỗ phù hợp để cống hiến càng cao thì sức năng động, sức mạnh của cả hệ thống chính trị cũng như sự năng động trong phát triển kinh tế, xã hội sẽ được nhân lên gấp bội./.