Điểm lại những linh vật ấn tượng của các kỳ Olympic kể từ năm 1972 đến nay
Linh vật của Olympic Paris 2024 là chiếc mũ biểu tượng cho tình đoàn kết của người Pháp, cũng là thông điệp mà nước chủ nhà muốn thể hiện ở kỳ Olympic này, là cùng nhau vượt qua mọi thử thách.
Kể từ năm 1972, linh vật đã trở thành một phần không thể thiếu của các kỳ Thế Vận hội (Olympic). Linh vật thường là những nhân vật biểu tượng đại diện cho một sự kiện và cho chính nơi đăng cai tổ chức sự kiện.
Thông thường linh vật là những con vật được nhân hóa với những đường nét phá cách ngộ nghĩnh, đáng yêu, được con người sáng tạo và sử dụng như những biểu tượng để truyền đạt ý nghĩa của kỳ thể thao đó. Linh vật Olympic thường có sự kết hợp giữa nét văn hóa truyền thống và hiện đại.
Cùng điểm lại những linh vật ấn tượng được sử dụng ở các kỳ Olympic kể từ năm 1972 đến nay:
Schuss: Linh vật với hình ảnh tượng trưng cho một người đàn ông nhỏ trên tấm ván trượt tuyết - đã đi vào lịch sử với tư cách linh vật đầu tiên của Olympic, mặc dù không có được sự công nhận chính thức.
Xuất hiện tại Olympic mùa Đông 1968 ở Grenoble (Pháp), Schuss đã xuất hiện dưới hình thức huy hiệu cài áo và một món đồ chơi nhỏ. Đây cũng là linh vật duy nhất không được sản xuất dưới hình thức nhồi bông.
Waldi: Chú chó mình dài được lấy mẫu phỏng theo chú chó có thật mang tên Cherie von Birkenhof - đã vinh dự đi vào lịch sử với tư cách linh vật chính thức đầu tiên được công nhận của Olympic.
Xuất hiện tại Thế Vận hội Munich (Đức), năm 1972, chú chó Waldi mang trên mình màu xanh dương ở đầu và đuôi, còn phần thân là ba trong số năm màu của các vòng tròn Olympic.
Chú hải ly Amik: Được chọn làm linh vật chính thức cho Thế vận hội mùa Hè Montreal (Canada) năm 1976. Trong ngôn ngữ của người thổ dân Indians, Amik có nghĩa là hải ly.
Gấu Misha: Do họa sỹ Victor Chizikov sáng tác. Họa sỹ chuyên vẽ sách thiếu nhi này đã dành sáu tháng để vẽ ra hơn 100 mẫu khác nhau của chú gấu Misha, một trong những linh vật nổi tiếng nhất trong lịch sử Olympic.
Chú gấu dễ thương này đã xuất hiện tại Thế Vận hội Moskva, Nga, năm 1980 với hàng trăm sản phẩm khác nhau như huy hiệu, poster, nhồi bông…
Vẹt Sam: Do ông Robert Moore và các cộng sự tại hãng phim hoạt hình nổi tiếng Walt Disney thiết kế. Chú vẹt Sam được chọn làm linh vật cho Thế Vận hội Los Angeles (Mỹ) năm 1984. Sam cũng được coi là hình tượng tiêu biểu cho nước Mỹ.
Hổ Hodori: Linh vật của Olympic 1988 được tổ chức tại Seoul (Hàn Quốc). Hodori là cái tên được chọn sau cùng trong số 2.295 cái tên được đưa ra lựa chọn.
Từ “Ho” trong cái tên “Hodori” có nghĩa là “hổ” trong tiếng Hàn Quốc, cũng là từ xuất hiện nhiều trong tên các huyền thoại của quốc gia này.
Đeo trên cổ biểu tượng năm vòng tròn của Thế Vận hội, Hodori đội trên đầu chiếc mũ Sangmo truyền thống của đất nước mình, cùng dải băng trên mũ uốn lượn theo hình chữ S, đại diện cho Seoul.
Bên cạnh đó còn có cô hổ Hosuni - linh vật nữ trong bộ đôi linh vật của Olympic 1988. Mặc dù cũng là linh vật chính thức, nhưng cô hổ Hosuni lại rất hiếm khi xuất hiện.
Cobi: Chú chó được cách điệu là linh vật cho Thế Vận hội mùa Hè 1992 tổ chức tại Barcelona (Tây Ban Nha), do họa sỹ vẽ hoạt hình Javier Mariscal thiết kế.
Bên cạnh Cobi, còn có một nhóm các linh vật phụ, và sau Thế Vận hội, cả nhóm đã có hẳn một chương trình TV dài kỳ khá được yêu thích tại Tây Ban Nha.
Izzy: Sau khi thiết kế linh vật cho Thế Vận hội Atlanta 1996, câu hỏi mà nhà thiết kế John Ryan phải trả lời nhiều nhất là: “Whatizit?” - Nó là cái gì? Và ông chọn luôn cái tên Izzy cho linh vật này.
Thật ra, ý tưởng để cho ra đời Izzy là kết hợp giữa những đặc trưng của bang Georgia, nơi đăng cai Thế Vận hội, gồm: củ lạc, loài thú có túi ôpôt và quả đào.
Ollie, Syd và Millie: Ba linh vật của Olympic Sydney 2000 là ba loài thú đặc trưng của Australia, nước chủ nhà của Thế Vận hội lần này.
Ollie (lấy từ Olympic), với hình ảnh một chú chim bói cá, đại diện cho sự phóng khoáng của tinh thần Olympic. Syd (Sydney) - chú rái cá mỏ vịt đại diện cho môi trường. Millie (Millennium) - chú nhím đại diện cho công nghệ và thông tin.
Athena và Phevos: Hai linh vật của Thế Vận hội Athens 2004 được thiết kế dựa trên những con búp bê có hàng nghìn năm tuổi được tìm thấy ở các địa điểm khai quật tại Hy Lạp.
Phevos - vị thần tượng trưng cho ánh sáng và âm nhạc, trong khi đó Athena là nữ thần đại diện cho sự thông thái và cũng là nữ thần bảo hộ cho thành phố Athens.
Beibei, Jingjing, Huanhuan, Yingying và Nini: Năm linh vật của Olympic Bắc Kinh 2008, tác phẩm của nghệ sỹ Han Meilin.
Beibei là một chú cá tuyết, mang trên mình màu xanh dương của nước, đại diện cho sự phồn thịnh và ấm no.
Jingjing là Chú gấu trúc, đại diện cho thiên nhiên và bảo tồn; đồng thời là biểu hiện cho sự khỏe mạnh của các vận động viên khi mang trên người màu đen của vòng tròn Olympic.
Huanhuan là biểu tượng của ngọn lửa Olympic cùng niềm đam mê thể thao. Ngọn lửa trên đầu Huanhuan do các nghệ sĩ chuyên vẽ bích họa nổi tiếng của Trung Quốc sáng tác.
Chú linh dương Tây Tạng Yingying đại diện cho phong cảnh rộng lớn bao la của đất nước Trung Hoa hùng vĩ. Mang trên mình màu vàng của vòng tròn Olympic, Yingying còn đại diện cho sự mạnh mẽ của các vận động viên điền kinh.
Nini - linh vật được thiết kế dựa trên ý tưởng về những chiếc diều cánh én vàng chao lượn trên bầu trời Bắc Kinh mỗi mùa Xuân và Hè.
Chim én - được gọi là “yan” trong tiếng Trung Quốc và còn đại diện cho Yanjing - tên gọi cổ của Bắc Kinh. Mang trên mình màu xanh lá của vòng tròn Olympic, Nini đại diện cho các vận động viên thể dục.
Wenlock: Linh vật của Thế Vận hội London 2012. Đây là một sinh vật giả tưởng có con mắt là một chiếc camera. Linh vật này lấy tên từ ngôi làng Much Wenlock vùng Shropshire nơi trước đây từng là chủ nhà của Olympic trong thế kỷ 19.
Vinicius: Linh vật của Thế Vận hội Rio de Janeiro 2016, là một chú mèo vàng có chiếc đuôi của loài khỉ, sinh vật đại diện cho tất cả các loài động vật có vú ở Brazil, đất nước có rừng rậm Amazone rộng lớn nhất thế giới.
Miraitowa: Linh vật của Thế Vận hội Tokyo 2020 với hai màu xanh và trắng. Miraitowa được ghép từ hai từ trong tiếng Nhật Bản gồm “mirai” (có nghĩa là tương lai) và “towa” (nghĩa là vĩnh cửu).
Tên gọi này được nước chủ nhà Nhật Bản đưa ra với mục đích thúc đẩy một tương lai đầy hy vọng vĩnh cửu trong trái tim nhân loại.
Miraitowa có nét duyên dáng cổ điển phản ánh truyền thống và cũng thể hiện tính chất công nghệ cao, có ý thức mạnh mẽ về công lý và rất thể thao.
Phrygian: Linh vật của Thế Vận hội Paris 2024, được lấy cảm hứng từ chiếc mũ Phrygian, biểu tượng của cuộc cách mạng Pháp.
Đây là chiếc mũ biểu tượng của tình đoàn kết của người dân Pháp khi đã cùng nhau vượt qua khó khăn và đó cũng là thông điệp mà nước chủ nhà Pháp muốn thể hiện ở kỳ Olympic này: Cùng nhau vượt qua mọi thử thách./.