Điểm danh 5 "điểm nóng" trên thị trường hàng hóa toàn cầu
Sự phát triển bùng nổ xe điện của Trung Quốc có nguy cơ làm giảm nhu cầu xăng dầu; nhu cầu của thế giới đối với ngô của Mỹ đang tăng lên; sản lượng đồng của Chile sụt giảm.
Nhu cầu của thế giới đối với ngô của Mỹ đang tăng lên. Sản lượng đồng của Chile, nhà cung cấp hàng đầu thế giới, đang phục hồi sau nhiều năm sụt giảm.
Sự phát triển bùng nổ xe điện của Trung Quốc có nguy cơ làm giảm nhu cầu xăng dầu.
Dưới đây là năm "điểm nóng" trên thị trường hàng hóa toàn cầu khi bước vào tuần mới.
Ngô
Mỹ đang trên đà xuất khẩu lượng ngô lớn nhất kể từ năm 2021 trong niên vụ này, tiếp tục duy trì vị thế là nước xuất khẩu hàng đầu loại ngũ cốc được sản xuất nhiều nhất thế giới.
Xuất khẩu của Mỹ sang tất cả các nước đã đạt mức 32,4 triệu tấn và đang trên đà vượt mức đã đạt được trong hai năm qua.
Những nước mua nhiều nhất trong niên vụ này là Mexico và Nhật Bản, mặc dù ngô của Mỹ cũng đang được những người mua không xác định mua với tốc độ kỷ lục.
Dầu mỏ
Các thị trường năng lượng đang chịu những tác động từ tuyên bố của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump về việc áp thuế 25% đối với tất cả các hàng hóa từ Canada và Mexico.
Điều đó khiến ngành công nghiệp dầu mỏ của Canada nhấn mạnh lợi ích kinh tế của việc xuất khẩu cho các nhà máy lọc dầu của Mỹ. Trong khi đó, Mexico cảnh báo kế hoạch của ông Trump sẽ làm mất việc làm của người Mỹ.
Các nhà phân tích cho rằng thuế quan sẽ khiến giá xăng cao hơn đối với người lái xe Mỹ. Theo dữ liệu của chính phủ, Canada và Mexico xuất khẩu tổng cộng 1,95 tỷ thùng dầu sang Mỹ vào năm 2023.
Đồng
Chile, nhà cung cấp đồng hàng đầu thế giới, đang trên đà phục hồi sản lượng sau nhiều năm sụt giảm, khi các công ty thúc đẩy những dự án trị giá hàng tỷ USD để giải quyết tình trạng chất lượng quặng đang suy giảm.
Theo cơ quan thống kê của Chile, quốc gia Nam Mỹ này đã đạt sản lượng đồng lớn nhất trong năm nay vào tháng 10. Các mỏ bao gồm cả những mỏ do Codelco và BHP Group vận hành đã sản xuất ra 492.804 tấn trong tháng 10, tháng đạt năng suất cao nhất kể từ năm 2019.
Xe điện
Theo Hiệp hội Xe khách Trung Quốc, doanh số bán xe điện và xe hybrid ở nước này đã đạt đỉnh, chiếm hơn một nửa doanh số bán lẻ xe chở khách trong 4 tháng kể từ tháng 7/2024.
Xu hướng này có thể làm giảm nhu cầu sử dụng nhiên liệu vận tải, điều sẽ có tác động lớn đến thị trường dầu mỏ. Quốc gia châu Á này chiếm gần 1/5 nhu cầu dầu mỏ trên toàn cầu.
Thép
Các nhà máy thép của Trung Quốc đã sản xuất nhiều hơn bình thường vào đầu mùa thấp điểm, góp phần làm tăng giá quặng sắt.
Theo dữ liệu từ Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc, sản lượng thép thô trung bình trên toàn quốc trong 20 ngày đầu tháng 11/2024 đạt mức cao nhất vào thời điểm đó trong năm kể từ năm 2020.
Điều này đã khiến giá quặng sắt kỳ hạn tăng 3,4% trong tuần trước khi các nhà máy nhập thêm nguyên liệu thô dù cuộc khủng hoảng bất động sản tiếp tục ảnh hưởng đến nhu cầu./.