Di sản kinh tế của Tổng thống Mỹ Joe Biden: Thành tựu và thách thức
Ngoài việc ổn định thị trường, kiểm soát lạm phát, di sản của ông Joe Biden cũng bao gồm mức nợ công cao hơn, thâm hụt thương mại lớn hơn và chi phí tăng vọt trong lĩnh vực nhà ở, chăm sóc sức khỏe...
Tổng thống Joe Biden sẽ rời Nhà Trắng với một nền kinh tế vững mạnh, thị trường lao động ghi dấu ấn lịch sử, đặt nền tảng cho hoạt động sản xuất mở rộng trong tương lai, đồng thời kiểm soát được lạm phát cao kỷ lục trong nhiều thập kỷ mà không gây ra suy thoái.
Các nhà kinh tế nhận định những thành tựu này càng ấn tượng hơn khi ông Biden nhậm chức giữa lúc nước Mỹ đang chìm sâu trong đại dịch COVID-19, gây tổn thương nghiêm trọng đến kinh tế.
Tuy nhiên, di sản của ông cũng bao gồm mức nợ công cao hơn, thâm hụt thương mại lớn hơn và chi phí tăng vọt trong lĩnh vực nhà ở, chăm sóc sức khỏe, giáo dục đại học và chăm sóc trẻ em.
Giáo sư Andreas Hauskrecht từ Trường Kinh doanh Kelley, Đại học Indiana, nhận xét: “Mức nợ công 36.000 tỷ USD là một gánh nặng lớn cho tăng trưởng kinh tế trong tương lai, ảnh hưởng trực tiếp đến phúc lợi của các thế hệ sau."
Thị trường lao động bùng nổ
Dưới thời Tổng thống Biden, thị trường lao động Mỹ đã đạt được những cột mốc chưa từng có. Từ tháng 2/2021 đến tháng 12/2024, nền kinh tế đã tạo thêm 16,6 triệu việc làm, đánh dấu 48 tháng liên tiếp tăng trưởng việc làm - kỳ tích dài thứ hai trong lịch sử Mỹ từ năm 1939.
Tỷ lệ thất nghiệp cũng đạt mức thấp nhất trong 54 năm qua, ở mức 3,4% vào tháng 1/2023, giảm mạnh so với mức 6,8% khi ông nhậm chức. Tỷ lệ thất nghiệp duy trì dưới 4% trong 27 tháng liên tiếp, điều chưa từng thấy kể từ thời Tổng thống Lyndon B. Johnson vào thập niên 1960.
Tăng trưởng GDP và chi tiêu tiêu dùng
Tổng thống Biden để lại một nền kinh tế tăng trưởng ổn định. Trong quý 3/2024, GDP thực tế của Mỹ tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2023 nhờ chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ, mức lương tăng ổn định và thị trường lao động vững chắc.
Mặc dù vậy, số người trễ hạn thẻ tín dụng và các khoản vay mua xe tăng lên, cho thấy áp lực tài chính gia tăng đối với người dân.
Lạm phát và chi phí sinh hoạt
Lạm phát cao đã trở thành điểm yếu lớn nhất trong nhiệm kỳ của Tổng thống Biden. Giá tiêu dùng tăng 20,5% từ tháng 2/2021 đến tháng 12/2024 - mức tăng lớn nhất kể từ năm 1983. Giá thực phẩm tăng 22,6%, mức cao nhất từ năm 1982.
Mặc dù phần lớn nguyên nhân lạm phát đến từ các yếu tố ngoài tầm kiểm soát như đại dịch COVID-19, xung đột tại Ukraine (U-crai-na) và chuỗi cung ứng, nhưng nhiều nhà kinh tế cho rằng các gói kích thích kinh tế khổng lồ dưới thời Tổng thống Trump và Tổng thống Biden đã làm gia tăng nhu cầu, khiến giá cả leo thang.
Đầu tư vào cơ sở hạ tầng và sản xuất
Dấu ấn lớn nhất của ông Biden nằm ở các chính sách đầu tư quy mô lớn như Đạo luật Cơ sở hạ tầng Lưỡng đảng (1.200 tỷ USD), Đạo luật CHIPS và Khoa học (200 tỷ USD) và Đạo luật Giảm lạm phát (750 tỷ USD). Các khoản đầu tư này được kỳ vọng tái định hình kinh tế Mỹ trong thập kỷ tới.
Việc xây dựng các nhà máy đạt mức cao kỷ lục, với tốc độ gấp đôi so với trước đại dịch. Những nhà máy này sẽ tạo ra nhiều việc làm trong tương lai, tạo đà phát triển dài hạn cho lĩnh vực sản xuất nội địa.
Thị trường chứng khoán thăng hoa
Dưới thời Tổng thống Biden, thị trường chứng khoán Mỹ ghi nhận những kỷ lục mới, với S&P 500 tăng 63,77% từ khi ông nhậm chức đến đầu năm 2025.
Mặc dù thị trường chứng khoán không trực tiếp phản ánh chính sách của Tổng thống, nhưng sự tăng trưởng mạnh mẽ của nó trong nhiệm kỳ ông Biden đã củng cố niềm tin vào sức khỏe kinh tế quốc gia./.