Di sản hát ADay của người Khmer ở Hậu Giang: Cầu nối gắn kết cộng đồng
Hát ADay - Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia - kết hợp một cách hài hòa, nhuần nhuyễn các bộ môn: âm nhạc, múa, văn thơ thành một cung cách diễn xướng sinh động, giàu tính nghệ thuật dân gian.
Hát ADay của người Khmer (xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) là nghệ thuật trình diễn dân gian tổng hợp, theo lối hát nói. Nội dung của hát ADay là hát giao duyên, ca ngợi quê hương, cảnh vật, cổ vũ đạo đức ở đời, cầu mong sự an lành, hạnh phúc cho cộng đồng và gia đình.
Hát ADay của người Khmer được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia theo Quyết định số 1676/QĐ-BVHTTDL ngày 26/5/2021.
Theo Cục Di sản Văn hóa, nghệ thuật hát ADay ban đầu là loại hát Prop-kay (hát đối đáp) bên nam và bên nữ, cùng vỗ tay thành nhịp, rồi hát đối đáp qua lại. Sau đó, hát ADay còn sử dụng các bài hát kịch, hoặc cổ tích (khi lan tỏa đến vùng đất Nam Bộ thì không có loại này). Ngoài ra, hát ADay còn được sử dụng trong trò chơi Chol Chhung (ném cầu) vào dịp lễ Chôl Chnăm Thmây.
Trong quá trình phát triển, hình thức nghệ thuật này tiếp tục được sáng tạo qua 2 giai đoạn: Đầu tiên, một số các nghệ sỹ tiền bối rút gọn lối hát Prop-kay thành loại “hát đối đáp nam, nữ," được gọi là “Vông phlêng thum."
Đến cuối thế kỷ 19, hình thức biểu diễn được người diễn sáng tạo thêm, phát triển lối hát với lời luôn mới, ứng tác ở mọi tình huống và hoàn cảnh. Người dân yêu thích lối hát và sự thân thiện với người biểu diễn đã đặt tên cho lối hát sáng tạo từ lối hát Prop-kay là hát ADay.
Hát ADay được truyền vào tỉnh Hậu Giang cùng với công cuộc khai hoang mở đất, lập phum, sóc (xóm dân cư) của bà con Khmer. Hát ADay được trình diễn trong các dịp lễ hội, dần dần hát góp vui trong các nghi lễ gia đình.
Hát ADay kết hợp một cách hài hòa, nhuần nhuyễn giữa các bộ môn: âm nhạc, múa, văn thơ thành một cung cách diễn xướng sinh động, giàu tính nghệ thuật dân gian. Người giữ vai trò thực hành chính đều phải biết hát và múa.
Hát ADay là lối hát nói, kỹ thuật đơn giản, không phức tạp, cầu kỳ; chỉ cần nhấn nhá, khi thể hiện trạng thái tình cảm (vui tươi, trêu ghẹo, châm chọc, giận hờn). Người hát-nói, giữ tiết tấu nhanh vừa. Để bắt đầu, dàn nhạc dạo nhạc, đôi trai gái múa chào mời. Người hát cất giọng, dứt câu và múa theo nhạc. Ngưng nhạc, người kia sẽ hát đáp lời và múa theo câu nhạc đệm xen kẽ. Tùy mức độ nội dung bài hát dài hay ngắn, cặp nam nữ sẽ liên tục hát đối đáp cho tới khi kết thúc tiết mục.
Dù là lối hát nói giản đơn, tự do nhưng phải tuân thủ, hát đúng âm điệu, cất giọng khi lên xuống, lúc nhỏ to. Thông thường, mỗi câu hát có độ dài từ 30-40 giây, mỗi bài hát từ 5-10 phút, tùy theo chủ đề đưa ra. Từ lời bài hát, dàn nhạc đệm diễn tấu, làm nền để cặp nam nữ vừa hát vừa múa vờn theo nhau, như trêu ghẹo, giao duyên khiến tiết mục trở nên sinh động, tạo không khí vui tươi, hấp dẫn người xem.
Âm nhạc là phần chủ lực trong hát ADay, bởi đây là giai điệu khung nền, dẫn dắt người hát và người múa theo nhịp điệu. Từ thời xưa, các bài nhạc đệm cho hát ADay, được chọn từ bản nhạc đệm của lối hát đối đáp hay tuồng tích hát dù kê, hay nhạc múa truyền thống.
Dàn nhạc đệm cho hát ADay, nếu đầy đủ có thể gồm 5-6 nhạc cụ truyền thống, gồm: T’ro sô (đàn cò), T’rou (đàn gáo), Khum (tam thập lục), Khlai (sáo trúc), Ch’hưm (chập chả), Tà khê (đàn cá sấu), Sko Đay (trống vỗ)… Tuy nhiên, ngày nay, tại các cuộc chơi hay sinh hoạt cộng đồng, chỉ cần vài nhạc cụ như T’sô và Sko Đay vẫn đệm được cho tiết mục hát ADay.
Trong hát ADay có thể múa nhưng không nhất thiết phải có múa khi hát ADay. Trong khi hát, tùy vào làn điệu của bài hát, cảm hứng, vào việc cần nhấn mạnh để nâng lời ca, từng đôi bắt đầu múa xen kẽ giữa những lời hát đối đáp của đôi trai gái.
Hát xong một câu, nhạc sẽ tấu lên, người hát sẽ múa vờn quanh người đối diện, nửa vòng như biểu lộ sự nôn nóng, chờ đợi câu hát đáp lại. Sau đó, hai người hát-múa hoán đổi vị trí lẫn nhau. Múa cộng vào hát làm cho ADay trở thành một hình thức trình diễn dân gian hoàn chỉnh.
Hát ADay của người Khmer Hậu Giang trở thành nét sinh hoạt văn hóa độc đáo, đặc trưng trong các phum, sóc, gắn liền với ngôi chùa và gia đình. Hát ADay thể hiện khả năng sáng tạo văn hóa, thỏa mãn nhu cầu giải trí của cộng đồng. Lời hát ADay phản ánh hiện thực đời sống kinh tế, văn hóa của cộng đồng; thể hiện tình yêu đôi lứa, răn dạy đạo đức, nhắc nhở về hạnh phúc gia đình.../.