Đề xuất mở trung tâm logistic, cảng thủy nội địa tại Hải Dương

Theo đề xuất của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, dự án Trung tâm logistics, cảng thủy nội địa Ninh Giang ở xã Hồng Phúc (Ninh Giang, Hải Dương) sẽ có công suất 3 triệu tấn hàng hóa/năm.

Xếp dỡ hàng hóa container tại một cảng biển Việt Nam. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) cho biết vừa có đề xuất đầu tư xây dựng Trung tâm logistics, cảng thủy nội địa Ninh Giang ở xã Hồng Phúc (Ninh Giang, Hải Dương) với quy mô gần 27ha.

Theo đề xuất VIMC, dự án Trung tâm logistics, cảng thủy nội địa Ninh Giang sẽ có công suất 3 triệu tấn hàng hóa/năm. Tổng vốn đầu tư dự án gần 1.400 tỷ đồng, thời gian hoạt động 50 năm kể từ ngày chấp thuận chủ trương đầu tư.

Nếu được chấp thuận, dự án dự kiến hoàn thành giải phóng mặt bằng trong quý 3/2024, khởi công xây dựng trong quý 4/2024.

Trung tâm logistics, cảng thuỷ nội địa Ninh Giang có chức năng cung cấp dịch vụ vận tải đa phương thức cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở huyện Ninh Giang và các khu vực lân cận; lưu kho, lưu bãi hàng hoá, bốc xếp, vận tải bằng đường thuỷ, đường bộ; thông quan hải quan; bảo dưỡng, sửa chữa vỏ container, phương tiện vận tải...

[VIMC sẽ đầu tư, nâng cấp hàng loạt các cảng biển để đón tàu lớn]

Dự án được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, bốc xếp, lưu giữ, phân hối hàng hoá tại khu vực. Đồng thời xây dựng đầu mối vận tải đa phương thức, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư.

Trong một diễn biến liên quan hoạt động sản xuất kinh doanh của VIMC khi donah nghiệp này cũng vừa quyết định phương án chuyển nhượng vốn tại Công ty cổ phần Vận tải biển Hải Âu (Sesco, SSG).

VIMC sẽ chào bán hơn 1,32 triệu cổ phiếu SSG, tương ứng 26,46% vốn. VIMC đưa ra mức giá khởi điểm là 22.300 đồng/cổ phiếu. Thời gian chào bán dự kiến thực hiện trong quý 4/2023.

Nếu đấu giá thành công, VIMC sẽ thu về khoảng 30 tỷ đồng. Trong khi giá trị gốc phần vốn đầu tư của VIMC vào SSG hơn 14,6 tỷ đồng, tương ứng 26,46% vốn.

Năm 2022, SSG ghi nhận tổng doanh thu gần 101 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 58 tỷ đồng, lần lượt gấp 3,4 lần và 14 lần năm trước, chủ yếu do công ty này được hưởng lợi từ giá thuê tàu cao.

Nhờ một năm kinh doanh khởi sắc hơn, ngày 10/5 vừa qua, SSG đã chi 18,5 tỷ đồng trả cổ tức năm 2022 cho cổ đông với tỷ lệ 37%. Cho năm 2023, SSG đặt mục tiêu tổng doanh thu hơn 49 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 15,6 tỷ đồng, lần lượt giảm 49% và 73% so với năm 2022.

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) được thành lập vào ngày 29/4/1995. VIMC đặt mục tiêu trở thành tập đoàn logistics đường biển tích hợp số 1 Việt Nam. Đến năm 2025, dư kiến doanh thu hợp nhất của VIMC đạt 13.081 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 2.083 tỷ đồng.

Trong cơ cấu doanh thu, doanh thu hoạt động khai thác cảng là nguồn thu chủ lực, chiếm 65% tổng doanh thu, với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 6,6%/năm. Doanh thu hoạt động vận tải biển chiếm 27% tổng doanh thu. Doanh thu hoạt động dịch vụ hàng hải chiếm 12% tổng doanh thu.

Đến năm 2030, VIMC sẽ giữ vị trí số 1 của ngành hàng hải Việt Nam, có thương hiệu và năng lực cạnh tranh cao trong khu vực châu Á và có phạm vi hoạt động toàn cầu.

Đối với lĩnh vực vận tải biển, đến năm 2025, đội tàu của VIMC đạt trọng tải khoảng 1,5 triệu DWT, chiếm khoảng 20% trọng tải đội tàu biển Việt Nam; trong đó, phát triển đội tàu container đạt trọng tải khoảng 200.000 DWT (16.000-20.000 Teus), tương đương 30% trọng tải đội tàu container Việt Nam; sản lượng hàng container nội địa đạt 25% thị phần, giữ vị trí số 1 của vận tải biển container nội địa.

Bình quân giai đoạn 2021-2025, sản lượng vận tải biển của VIMC đạt khoảng 17,7 triệu tấn/năm; doanh thu vận tải biển đạt khoảng 4.543 tỷ đồng/năm với tốc độ giảm trung bình khoảng 10%/năm do VIMC tiếp tục bán, thanh lý tàu; lợi nhuận vận tải biển đạt khoảng 770 tỷ đồng/năm./.

Quang Toàn (TTXVN/Vietnam+)