Đề xuất đầu tư công gần 36.600 tỷ đồng làm cao tốc Quy Nhơn-Pleiku
Dự án đường cao tốc đường bộ cao tốc Quy Nhơn-Pleiku với chiều dài khoảng 123km, tổng vốn đầu tư khoảng 36.594 tỷ đồng được đề xuất bằng hình thức đầu tư công.
Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản báo cáo Chính phủ phương án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Quy Nhơn-Pleiku qua hai tỉnh Gia Lai và Bình Định.
Theo phương án đề xuất, dự án được đầu tư với tổng chiều dài khoảng 123km. Trong đó, chiều dài qua tỉnh Bình Định khoảng hơn 37km, đoạn qua tỉnh Gia Lai dài gần 86km.
Quy mô đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch được duyệt với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 24,75m, vận tốc thiết kế 100km/h. Riêng các đoạn qua khu vực hầm An Khê và hầm Mang Yang có địa hình khó khăn nghiên cứu quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/h. Trên tuyến dự kiến đầu tư xây dựng 2 hầm là: hầm An Khê (dài khoảng 2 km) và hầm Mang Yang (dài khoảng 3 km).
Bộ Giao thông Vận tải tính toán sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 36.594 tỷ đồng. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng hơn 3.700 tỷ đồng; chi phí xây dựng, thiết bị khoảng hơn 26.800 tỷ đồng; chi phí tư vấn đầu tư, quản lý dự án, chi phí khác hơn 2.000 tỷ đồng; chi phí dự phòng khoảng hơn 4.000 tỷ đồng.
Như vậy, suất vốn đầu tư của dự án (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng) khoảng 267 tỷ đồng/km. So với suất vốn đầu tư được Bộ Xây dựng công bố thì suất vốn đầu tư của dự án đang cao hơn khoảng 80tỷ đồng/km,” lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho hay.
Lý giải nguyên nhân suất đầu tư cao, phía Bộ Giao thông Vận tải chỉ ra do dự án có khối lượng công trình cầu và hầm chiếm tỷ trọng lớn, đặc biệt là 2 công trình hầm tổng chiều dài khoảng 5km có chi phí vốn đầu tư khoảng 4.800 tỷ đồng và công trình cầu dẫn trước hầm An Khê và Mang Yang tổng chiều dài khoảng 8km (dự kiến có chiều cao trụ lớn hơn 50m) có chi phí vốn đầu tư khoảng 6.200 tỷ đồng.
Đối với hình thức đầu tư dự án, theo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, tương tự như Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, việc các địa phương đề xuất dừng nghiên cứu đầu tư theo phương thức PPP và chuyển sang hình thức đầu tư công là có cơ sở.
Hiện, Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai và Bình Định đề xuất đầu tư dự án bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương do ngân sách các tỉnh hạn hẹp, khó cân đối bố trí tham gia.
Tuy nhiên, trong điều kiện giai đoạn 2026-2030, Bộ Giao thông Vận tải sẽ triển khai một số dự án có quy mô đầu tư rất lớn như: Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam, Dự án đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng...
Để đảm bảo khả năng cân đối nguồn vốn, giảm áp lực lên ngân sách Trung ương, đồng thời để tăng trách nhiệm của các địa phương là đối tượng thụ hưởng trực tiếp từ việc đầu tư dự án, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai và Bình Định xem xét, cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương giai đoạn 2026-2030 để cùng tham gia đầu tư dự án, phù hợp với quy định sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách Nhà nước mới được Quốc hội khoá XV thông qua.
“Việc cân đối nguồn vốn đầu tư dự án sẽ được nghiên cứu cụ thể trong bước lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án,” lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho hay./.