Đề xuất cấm thuốc lá mới: Nhìn từ góc độ người dùng
Dù chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh nhưng Thuốc lá làm nóng, Thuốc lá thế hệ mới vẫn được công khai buôn bán trên thị trường tự do từ nguồn hàng xách tay, nhập lậu.
Trong quá trình thảo luận về thuốc lá thế hệ mới hiện nay giữa các bộ ngành, có ý kiến cho rằng nên cấm các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, gồm cả thuốc lá làm nóng. Tuy nhiên cần xem xét tính khả thi của giải pháp này với mục tiêu vì lợi ích chung cho mọi đối tượng.
Nhu cầu của người dùng đang được đáp ứng bởi hàng nhập lậu
Dù chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh nhưng Thuốc lá làm nóng, Thuốc lá thế hệ mới vẫn được công khai buôn bán trên thị trường tự do từ nguồn hàng xách tay, nhập lậu. Người mua và người bán chỉ giao dịch bằng “niềm tin” qua lời giới thiệu, thay cho tem nhãn chứng thực nguồn gốc, thành phần, chất lượng sản phẩm như thông thường.
Đã dùng Thuốc lá làm nóng nhiều năm, anh N.T. (38 tuổi, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết thường mua hàng từ nhiều nguồn, trên mạng, từ tiếp viên hàng không, hoặc người thân đem về từ nước ngoài. Trung bình mỗi tháng anh T. chi từ 2,5-3 triệu đồng để mua Thuốc lá làm nóng.
Đánh giá về đề xuất cấm Thuốc lá làm nóng, Thuốc lá thế hệ mới, anh T. cho rằng, nếu có cấm thì vẫn mua được hàng, tuy nhiên giá luôn khá cao, đặc biệt những lúc khan hàng như giai đoạn COVID-19 hay có biến động ở quốc gia sản xuất TLLN.
Cùng ý kiến, anh N.T.C (35 tuổi, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) nói: “Trước nay TLLN ở VN vẫn là hàng lậu, theo lý vẫn như là cấm. Cho nên nếu có cấm thật thì tôi vẫn có thể mua từ nước ngoài về và dùng bình thường như hiện nay.”
Về vấn đề khả năng Thuốc lá làm nóng bị “biến tướng” vì mục đích sử dụng khác, như thêm các chất, thành phần khác vào sản phẩm như trường hợp thuốc lá điện tử bị trá hình, anh T. cho biết, “việc này gần như không xảy ra.”
Vì theo anh, điếu thuốc lá đặc chế của Thuốc lá làm nóng vốn có nguyên liệu là thuốc lá, nên cần giữ khô. Nếu bơm, tẩm bất kỳ dung dịch hay chất bột nào khác vào sẽ dễ dẫn tới hiện tượng ẩm mốc, hư hỏng, thậm chí không thể sử dụng được với thiết bị làm nóng đi kèm.
Anh C. cũng cho biết, theo quan sát nhiều năm qua thì anh “chưa từng gặp trường hợp “độ”, “chế” với sản phẩm Thuốc lá làm nóng”.
“Nếu muốn sử dụng thuốc lá chứa ma túy, chất cấm trá hình, có lẽ người ta sẽ dùng thuốc lá điếu truyền thống cho rẻ, chứ không cần dùng tới TLLN này vì giá cao,” anh T. nhận định.
Tư duy “không quản được thì cấm” liệu còn phù hợp?
Tại một hội thảo trước đây, ông Kiều Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách - Pháp chế, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương nêu ý kiến: "Khi chưa có quan điểm dứt khoát thì việc xử lý Thuốc lá thế hệ mới tương đối khó khăn. Cấm là cách làm khá "khiên cưỡng", dường như vẫn theo cách tiếp cận truyền thống là "quản không được thì cấm."
Theo Đại biểu Quốc Hội Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, người từng tham gia thông qua Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá (2012), khoa học đã xác nhận thuốc lá là độc hại, nhưng ngành y cũng khẳng định cai thuốc lá là rất khó.
Do đó, điều cần làm là giảm tác hại cho người nghiện thuốc lá. Việc cung cấp các sản phẩm hợp pháp cũng là cách gián tiếp giảm tác hại. Bà Lan khuyến nghị, thuốc lá nào cũng cần được kiểm soát và có luật quản lý cụ thể, hài hòa giữa quyền lợi của người dùng và các bên liên quan.
Về phía người dùng, anh T. cũng chia sẻ, ai cũng biết tác hại của thuốc lá nhưng ít người cai được. Do đó, trong những loại gây hại thì chọn loại nào ít tác hại hơn vẫn tốt hơn.
Theo anh T., người dùng sẽ có cảm nhận rõ nhất về tác động của sản phẩm. Do đó, dù Thuốc lá làm nóng nhập lậu đắt đỏ, khó mua, nhưng anh T. vẫn chuyển hẳn từ thuốc lá điếu sang Thuốc lá làm nóng.
Theo anh, thay đổi dễ nhận thấy là quần áo, đồ đạc không còn ám mùi thuốc lá chỉ sau vài tuần sử dụng. Chỉ sau 4-5 tháng, răng của anh "bắt đầu nhả bớt màu ố vàng.” Kết quả khám sức khỏe của anh T. cũng cho ra kết quả X-quang phổi “không còn vết nám” sau 1 năm sử dụng Thuốc lá làm nóng thay cho thuốc lá điếu.
Bà Nguyễn Quỳnh Liên, Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban Trung Ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam cho biết, người hút thuốc hợp pháp có quyền bình đẳng và được pháp luật tạo điều kiện để tiếp cận những sản phẩm chính danh, chất lượng khi có nhu cầu chuyển sang loại Thuốc lá thế hệ mới ít tác hại hơn.
Vì vậy, theo bà Liên, nếu đã đặt mục tiêu con người trên lợi ích thì cần sớm bàn đến hướng triển khai để hệ thống quản lý đạt mục tiêu này. Đồng thời, áp đặt những nguyên tắc ngăn chặn việc tiếp cận sai đối tượng của các bên cung cấp, kinh doanh.
Theo một số Đại biểu Quốc hội, các cơ quan hữu trách cũng cần nghiên cứu toàn diện, đánh giá công bằng, cân nhắc lợi ích của người dùng, ưu tiên nguyên tắc khoa học “lợi ích lớn hơn nguy cơ” khi đưa ra quyết sách ứng xử với Thuốc lá làm nóng nói riêng và các sản phẩm Thuốc lá thế hệ mới nói chung./.