Để 'tử thần' không còn rình rập cướp sinh mạng học sinh trước cổng trường

Khu vực trường học, nơi tập trung hàng nghìn học sinh mỗi ngày, luôn là điểm nóng với nhiều nguy cơ tiềm ẩn về tai nạn giao thông cho các em nhỏ.

Nhiều trường học đã được cải thiện tạo lối đi bộ qua đường an toàn, mở rộng vỉa hè tại giao cắt, tổ chức chỗ đỗ xe hợp lý cho phụ huynh đưa đón học sinh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hàng loạt các dự án, mô hình về an toàn giao thông, giải pháp tăng cường hiệu quả trong việc cải thiện hạ tầng quanh khu vực trường học đã hướng tới mục tiêu đảm bảo mỗi học sinh đều có một hành trình an toàn đến trường.

Điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi

Tại Hội thảo quốc tế về công tác bảo đảm an toàn giao thông khu vực trường học vào ngày 17/12, ông Lê Kim Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm, tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng của gần 1,35 triệu người và làm cho hơn 50 triệu người khác lâm vào cảnh thương tật vĩnh viễn suốt đời. Cùng với đó, nền kinh tế toàn cầu bị thiệt hại khoảng 2,5% tổng giá trị GDP.

Khẳng định tai nạn giao thông hàng năm tại nước ta được kiềm chế, ông Thành nhìn nhận khu vực trường học, nơi tập trung hàng nghìn học sinh mỗi ngày, luôn là điểm nóng giao thông với nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Hiện nay, tại không ít trường học trên cả nước, tình trạng ùn tắc giao thông, lấn chiếm lòng lề đường và ý thức tham gia giao thông chưa cao đã tạo ra những nguy cơ tai nạn đáng báo động.

Dẫn chứng con số 10 tháng của năm nay, tỷ lệ trẻ em thương vong rất lớn, có tới 2.266 trẻ em bị thương và 878 em vĩnh viễn ra đi, ông Thành chia sẻ đây là một con số không thể chấp nhận khi các em - thế hệ tương lai của đất nước đáng lẽ phải được bảo vệ và phát triển trong một môi trường an toàn nhất.

Theo ông Võ Ngọc Quảng, Phó Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông Gia Lai, qua rà soát, nắm tình hình, vi phạm pháp luật giao thông trong thanh thiếu niên, lứa tuổi học sinh trên địa bàn tỉnh có nhiều diễn biến phức tạp.

“Tình trạng giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ xảy ra nhiều. Ý thức chấp hành pháp luật, kỹ năng điều khiển phương tiện của số đối tượng là lứa tuổi học sinh còn hạn chế, nhiều trường hợp điều khiển xe khi chưa đủ tuổi, không đội mũ bảo hiểm, chạy xe với tốc độ cao có nguy cơ gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông,” ông Quảng đánh giá.

Cảnh sát giao thông sẽ xử lý những học sinh điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm. (Ảnh: Võ Phương/Vietnam+)

Bổ sung thêm, ông Tạ Đức Giang, Phó Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông Hà Nội cho rằng các trường học được quy hoạch nằm trên các tuyến đường trục chính. Trong nội thành thường có mật độ giao thông cao, ngoại thành có các phương tiện xe tải lưu thông tốc độ cao.

Ngoài ra, khu vực cổng trường thường xuyên ùn tắc vào các giờ học sinh tan trường, thiếu các khu vực dừng đỗ xe; chưa hình thành các đường riêng cho xe đạp, xe máy; còn thiếu đường cho người đi bộ (hè phố bị chiếm dụng để kinh doanh, đỗ xe, lối đi bộ qua đường chưa an toàn); tốc độ phương tiện di chuyển qua khu vực cổng trường học cao gây nguy cơ mất an toàn khi học sinh tan trường; tỷ lệ học sinh tự đến trường bằng đi bộ và xe đạp thấp.

Giảm tốc độ xe và tạo lối đi an toàn

Đưa ra các giải pháp thực hiện nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông học sinh, theo ông Tạ Đức Giang, Phó Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông Hà Nội, từ năm 2018 đến nay, các ban an toàn giao thông tại nhiều tỉnh, thành đã phối hợp Quỹ Phòng chống thương vong châu Á (AIP) và Bộ Giao thông Vận tải triển khai các dự án: “Giảm tốc độ-trường học an toàn,” “Tuổi trẻ và những cung đường biết nói,” “Đạp xe đến trường an toàn,” áp dụng mô hình “Khu vực trường học an toàn" và “Sổ tay an toàn giao thông trường học” để lồng ghép việc cải tạo nâng cao điều kiện an toàn đường bộ đoạn đi qua khu vực trường học.

Cụ thể, cơ quan chức năng đã thực hiện cắm biển báo khu vực trường học, biển hạn chế tốc độ dưới 30 km/h và biển cấm dừng đỗ ôtô trong một số khung giờ học sinh đến trường và tan trường; thu hẹp làn xe chạy; lắp đặt các gờ, gồ giảm tốc; cải thiện tạo lối đi bộ qua đường an toàn; mở rộng vỉa hè tại giao cắt; tổ chức chỗ đỗ xe hợp lý cho phụ huynh đưa đón học sinh; thí điểm tổ chức làn ưu tiên cho xe đạp qua nút giao.

“Sau thời gian thực hiện tại nhiều trường học ở thành phố Hà Nội, mức độ tin tưởng của phụ huynh đối với sự an toàn tăng, tốc độ chung của phương tiện giảm, số lượng học sinh sử dụng hè phố tăng, số người chọn đi xe đạp để đến trường tăng, người đi bộ dưới lòng đường hay băng qua đường không đúng nơi quy định (ngoài vạch sang đường cho người đi bộ) giảm,” ông Giang tiết lộ.

Với vạch kẻ sơn và đèn tín hiệu được triển khai lắp đặt đã giúp các em học sinh sang đường an toàn trước khu vực cổng trường. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thời gian tới, các tỉnh, thành kịp thời xử lý bất cập trong tổ chức giao thông, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông khu vực trường học; tổ chức phân luồng, phân tuyến giao thông khoa học, hợp lý tại các trường học, tránh ùn tắc, phòng ngừa tai nạn; quan tâm đầu tư kinh phí từ ngân sách, các nguồn lực khác cải thiện hạ tầng giao thông đường bộ khu vực trường học, cơ sở vật chất và các điều kiện bảo đảm phục vụ công tác bảo đảm an toàn giao thông trong và ngoài trường học.

Lãnh đạo Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết theo báo cáo của 43 đơn vị, đến cuối năm 2024, có hơn 3.000 vị trí trường học trên toàn hệ thống quốc lộ được rà soát, khắc phục các bất cập, tồn tại về tổ chức giao thông, hạ tầng giao thông, điều kiện an toàn giao thông tại các nút giao với các trường học trên hệ thống đường bộ như hoàn thiện bổ sung hệ thống biển báo, vạch đi bộ qua đường, gờ giảm tốc, đèn tín hiệu sang đường, biển tốc độ tối đa cho phép... với tổng kinh phí thực hiện gần 80 tỷ đồng.

Bộ Giao thông Vận tải phối hợp và đề nghị chính quyền địa phương thường xuyên rà soát, chỉ đạo khắc phục ngay các bất cập, tồn tại về tổ chức, hạ tầng, điều kiện an toàn giao thông tại các nút giao với các trường học trên hệ thống đường bộ; đề xuất khắc phục các “điểm đen” trên các tuyến đường có trường học theo phân cấp quản lý; đề xuất cân đối ngân sách Trung ương, địa phương và các nguồn khác để cải tạo hạ tầng giao thông, hoàn thiện tổ chức giao thông khu vực có trường học; đề nghị tăng cường xử phạt vi phạm giao thông đối tượng học sinh…/.