Đề nghị quy định cụ thể việc đấu giá đối với một số tài sản đặc thù
Theo đại biểu Nguyễn Tạo, việc đưa các tài sản đặc thù vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản cần được quy định cụ thể, rõ ràng, chặt chẽ, bảo đảm tính khả thi.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, chiều 21/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Bổ sung nội dung quy định về đấu giá trực tuyến
Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đã sửa đổi, bổ sung 43 điều và bãi bỏ 3 điều của Luật hiện hành; bổ sung 3 điều mới; tăng 18 khoản so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 nhưng chủ yếu là sửa về mặt kỹ thuật lập pháp, không phát sinh nhiều chính sách mới.
Liên quan đến nội dung cụ thể của dự thảo Luật, về tài sản đấu giá, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết dự thảo Luật kế thừa quan điểm xây dựng Luật Đấu giá tài sản là luật hình thức, quy định áp dụng thống nhất về trình tự, thủ tục đấu giá đối với các loại tài sản mà pháp luật chuyên ngành quy định phải thực hiện thông qua đấu giá.
Để bảo đảm tính rõ ràng, dễ hiểu, dễ áp dụng trên thực tế, dự thảo Luật quy định theo hướng liệt kê các loại tài sản mà pháp luật chuyên ngành hiện hành quy định phải đấu giá trên cơ sở rà soát, bảo đảm phù hợp, thống nhất với quy định của pháp luật chuyên ngành.
Về quyền và nghĩa vụ của tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng tổ chức hành nghề đấu giá tài sản được cung cấp dịch vụ đấu giá tài sản mà không phân biệt tài sản công hay tài sản tư. Đồng thời, dự thảo Luật đã bổ sung quyền của tổ chức hành nghề đấu giá tài sản được liên kết với các tổ chức hành nghề đấu giá tài sản khác để tổ chức việc đấu giá tài sản quy định tại khoản 2 Điều 4.
Liên quan đến việc đăng ký tham gia đấu giá, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 38 theo hướng việc xét duyệt điều kiện tham gia đấu giá đối với tài sản thông thường, không yêu cầu về điều kiện chuyên môn, kỹ thuật, tổ chức hành nghề đấu giá chỉ cần thông báo cho người không đủ điều kiện tham gia đấu giá chậm nhất một ngày làm việc trước ngày mở cuộc đấu giá.
Về đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá và đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định đấu giá viên chỉ công bố giá trả của từng phiếu trả giá mà không phải công bố tất cả các thông tin trên phiếu trả giá.
Đối với hoạt động đấu giá trực tuyến, dự thảo Luật đã bổ sung Điều 43a và Điều 43b về đấu giá trực tuyến. Điều 43a quy định các nội dung cơ bản về đấu giá trực tuyến, trong đó quy định tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, hội đồng đấu giá tài sản, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng tổ chức việc đấu giá trực tuyến thông qua sử dụng Cổng Đấu giá Tài sản Quốc gia hoặc sử dụng trang thông tin đấu giá trực tuyến của mình, hoặc thuê, sử dụng trang thông tin đấu giá trực tuyến của tổ chức hành nghề đấu giá tài sản khác.
Điều 43b quy định khung về trình tự, thủ tục đấu giá trực tuyến và giao Chính phủ quy định chi tiết nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của quy định.
Bổ sung quy định về hành vi bị nghiêm cấm đối với tổ chức đấu giá tài sản
Bày tỏ nhất trí cao với dự thảo Luật và cho rằng dự thảo Luật đã được xây dựng trên cơ sở bám sát 3 nhóm chính sách được Chính phủ trình Quốc hội thông qua khi đề nghị bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2023-2024, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) nhận thấy Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội và của Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ, có trách nhiệm trong quy trình xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản theo đúng chức năng, nhiệm vụ.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tích cực chỉ đạo Ủy ban Kinh tế là cơ quan chủ trì thẩm tra, phối hợp với Bộ Tư pháp - cơ quan chủ trì tham mưu Chính phủ soạn thảo dự án Luật và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật; đã tổ chức nhiều hội thảo, phiên họp tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà quản lý, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của dự thảo Luật; cũng như lấy ý kiến của các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành, nhất là với các nội dung lớn... để có thêm cơ sở hoàn thiện dự thảo Luật.
Quan tâm đến quy định về đấu giá đối với một số loại tài sản đặc thù, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho rằng những quy định này được đưa ra trong bối cảnh pháp luật về đấu giá tài sản theo Luật hiện hành còn nhiều bất cập, chưa chặt chẽ, chưa phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn, vướng mắc cho tổ chức đấu giá cũng như người có tài sản đấu giá và các cá nhân, tổ chức có liên quan. Vì vậy, việc đưa các tài sản đặc thù này vào dự thảo luật cần được quy định cụ thể, rõ ràng, chặt chẽ, bảo đảm tính khả thi khi triển khai thi hành Luật.
"Như quy định về thời hạn bán, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá còn chưa thực sự hợp lý, chế tài xử lý chưa đủ mạnh đối với các hành vi vi phạm pháp luật... Ngoài ra, việc áp dụng một số quy định chung pháp luật đấu giá tài sản của một số loại tài sản đặc thù như tài sản thi hành án dân sự còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc," đại biểu dẫn chứng.
Đóng góp ý kiến tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Bắc Giang) cho rằng quy định hiện nay đang bỏ trống nội dung về các hành vi bị nghiêm cấm đối với tổ chức đấu giá tài sản. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung quy định về các hành vi bị nghiêm cấm đối với tổ chức đấu giá tài sản tại khoản 5 Điều 1 của dự thảo Luật.
Cụ thể là gây áp lực, đe dọa hoặc thực hiện hành vi trái pháp luật, trái đạo đức xã hội để giành lợi thế cho mình hoặc cho tổ chức mình trong hành nghề đấu giá; nhận, đòi hỏi tiền hoặc lợi ích khác từ người đăng ký tham gia đấu giá ngoài tiền bán hồ sơ tham gia đấu giá, tiền đặt trước và chi phí khác đã được xác định, thỏa thuận; nhận, đòi hỏi tiền hoặc lợi ích khác từ người thứ ba để thực hiện việc đấu giá tài sản không đúng quy định./.