Đề nghị ESCAP đồng hành, hỗ trợ Việt Nam phát triển bền vững

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị Liên hợp quốc nói chung và ESCAP nói riêng đồng hành, hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam trong phát triển bền vững và thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG).

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đón Phó Tổng Thư ký kiêm Thư ký điều hành Ủy ban Kinh tế Xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (ESCAP) Armida Salsiah Alisjahbana. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, bà Armida Salsiah Alisjahbana, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc kiêm Thư ký Điều hành Ủy ban Kinh tế Xã hội châu Á-Thái Bình Dương (ESCAP) có chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 3-6/7.

Sáng 3/7, tại Nhà khách Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã hội đàm với Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc kiêm Thư ký Điều hành ESCAP Armida Salsiah Alisjahbana.

Tại cuộc hội đàm, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã bày tỏ vui mừng đón Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc kiêm Thư ký Điều hành ESCAP thăm chính thức Việt Nam, khẳng định chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh thế giới và khu vực đang ở giữa chặng đường thực hiện ''Chương trình Nghị sự 2030 vì sự Phát triển Bền vững'' và đang gặp những thách thức không nhỏ, đòi hỏi cần tăng cường hợp tác quốc tế.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã chia sẻ với Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc kiêm Thư ký Điều hành ESCAP một số nét lớn về tình hình và định hướng phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Bộ trưởng khẳng định Việt Nam luôn kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, ủng hộ chủ nghĩa đa phương và một trật tự thế giới dựa trên luật pháp Quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.

Bộ trưởng nhấn mạnh Việt Nam hết sức coi trọng hợp tác với Liên hợp quốc nói chung và ESCAP nói riêng, đồng thời cảm ơn sự đồng hành và những hỗ trợ quý báu của Liên hợp quốc cũng như ESCAP đối với công cuộc phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam từ nhiều thập kỷ qua.

[Việt Nam đề xuất ESCAP thúc đẩy các cam kết về phát triển bền vững]

Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc kiêm Thư ký Điều hành ESCAP bày tỏ những tình cảm hết sức tốt đẹp với Việt Nam, ấn tượng trước những thành tựu kinh tế-xã hội mà Việt Nam đạt được.

Bà Armida Salsiah Alisjahbana cũng đánh giá cao vai trò và vị thế ngày càng cao của Việt Nam tại khu vực và trên thế giới, hoan nghênh sự tham gia đóng góp tích cực và hiệu quả của Việt Nam tại ESCAP, khẳng định ESCAP mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trong thời gian tới.

Trong không khí chân thành và cởi mở, hai bên đã trao đổi và đánh giá cao những bước phát triển tích cực trong quan hệ hợp tác thời gian qua và thảo luận những biện pháp tăng cường hợp tác hơn nữa trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị Liên hợp quốc nói chung và ESCAP nói riêng đồng hành, hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam trong phát triển bền vững và thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG).

Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc kiêm Thư ký Điều hành ESCAP khẳng định sẵn sàng trao đổi với phía Việt Nam về khả năng tổ chức một ''Diễn đàn Quốc gia về SDG'' trong năm 2024 nhằm đẩy nhanh việc thực hiện các SDG.

Hai bên cũng nhất trí tăng cường các hoạt động hợp tác trong các lĩnh vực thích ứng với Biến đổi Khí hậu; Triển khai JETP; Chuyển đổi sử dụng điện và năng lượng xanh đối với phương tiện giao thông vận tải;  Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông xanh; Nâng cao năng lực thống kê; Chuyển đổi Số; Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển bền vững...

Quang cảnh cuộc hội đàm. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

ESCAP là một trong 5 Ủy ban Kinh tế và Xã hội khu vực, trực thuộc Hội đồng Kinh tế và Xã hội của Liên hợp quốc (ECOSOC), được ECOSOC trao trọng trách như một Trung tâm phát triển kinh tế-xã hội của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, có những chức năng và nhiệm vụ sau: thúc đẩy sự hợp tác phát triển kinh tế-xã hội và tăng cường quan hệ hợp tác giữa các nước trong và ngoài khu vực; nghiên cứu và phổ biến thông tin về các vấn đề kinh tế-xã hội, kỹ thuật và phát triển ở các nước trong khu vực; hỗ trợ kỹ thuật cho các nước trong khu vực giải quyết các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế-xã hội và có trách nhiệm phối hợp chung các hoạt động của các cơ quan Liên hợp quốc tại khu vực.

ESCAP có quan hệ với Việt Nam ngay sau ngày đất nước ta thống nhất và đã hỗ trợ kỹ thuật cho hầu hết các ngành kinh tế, xã hội; các trọng tâm hoạt động hiện nay của ESCAP cũng phù hợp với quan tâm của Chính phủ Việt Nam.

Trong bối cảnh của tình hình Việt Nam hiện nay, những vấn đề ESCAP quan tâm ưu tiên cũng là những vấn đề lớn được Chính phủ Việt Nam quan tâm.

Sự đồng nhất này là điều kiện thuận lợi cho các bộ, ngành tăng cường hợp tác và tranh thủ sự giúp đỡ của ESCAP, đặc biệt trên 3 phương diện: Hoạch định chính sách và chiến lược phát triển kinh tế-xã hội; Phương hướng và chính sách để tháo gỡ những khó khăn trên một lĩnh vực hay một vấn đề cụ thể; Nâng cao năng lực cán bộ, nhân viên thông qua các khóa đào tạo, hội thảo chuyên đề do ESCAP tổ chức về nhiều lĩnh vực như chính sách kinh tế vĩ mô, các vấn đề xã hội, phát triển nông nghiệp, giao thông vận tải, thông tin-truyền thông, thống kê, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường.../.

(TTXVN/Vietnam+)