Để khoa học công nghệ phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hiệu quả
Các mô hình ứng dụng KHCN ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã thúc đẩy chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, thay đổi tập quán canh tác, năng suất lao động, giúp cải thiện đời sống của bà con.
Thời gian qua, Ðảng, Nhà nước đề ra nhiều chủ trương, chính sách ưu tiên để bảo đảm phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vai trò của khoa học và công nghệ.
Nhiều chương trình khoa học công nghệ phục vụ đồng bào đã được triển khai, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn cũng như thực hiện chương trình phát triển kinh tế-xã hội bền vững.
Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao công nghệ
Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025 theo Quyết định số 1747/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 13/10/2015 tập trung ưu tiên cho hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ tại vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số.
Ngay sau đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng và ban hành Thông tư số 07/2016/TT-BKHCN quy định việc quản lý Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025 để triển khai thực hiện các nội dung được quy định tại Chương trình.
Bộ cũng ban hành Quyết định quy định về xây dựng dự toán chi công lao động khoa học của dự án thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025.
Việc ban hành đầy đủ và kịp thời các văn bản để hướng dẫn thực hiện, quản lý Chương trình đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong thực hiện các Chương trình/nhiệm vụ khoa học và công nghệ, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ được triển khai, từng bước gắn với thực tiễn sản xuất và đời sống vùng dân tộc ít người và vùng núi.
Các mô hình điểm, mô hình trình diễn và áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ đã phục vụ yêu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của vùng đồng bảo dân tộc ít người và vùng núi, góp phần thay đổi tập quán sản xuất theo hướng tăng năng suất, chất lượng bền vững.
Tính đến nay, các dự án, nhiệm vụ đã xây dựng được 653/1.000 mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ có hiệu quả, quy mô phù hợp với vùng sinh thái của từng địa bàn nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số (đạt 65%).
Đồng thời, chuyển giao hơn 500/1.500 lượt công nghệ mới, tiên tiến phù hợp với từng vùng miền, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số (đạt 33,3%); đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý và tổ chức triển khai dự án cho 1.566/1.500 kỹ thuật viên cơ sở ở địa phương (đạt 104,4% kế hoạch dự kiến); tập huấn cho 30.505/60.000 lượt nông dân về các tiến bộ khoa học và kỹ thuật đã được chuyển giao, ứng dụng cho dự án (đạt 50,8%).
Về cơ bản, các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã thúc đẩy chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, thay đổi tập quán canh tác, năng suất lao động, giúp cải thiện đời sống, thu nhập của bà con.
Ưu tiên nguồn lực cho khoa học ứng dụng
Để thúc đẩy hơn nữa quá trình đưa khoa học công nghệ phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số, Khung Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp quốc gia “Những vấn đề cơ bản và cấp bách về dân tộc thiểu số và chính sách dân tộc ở Việt Nam đến năm 2030 (giai đoạn II)” đang được Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Ủy ban Dân tộc nghiên cứu, xây dựng nhằm cung cấp luận cứ khoa học để tiếp tục giải quyết những vấn đề cơ bản, cấp bách và đề xuất bổ sung, hoàn thiện hệ thống quan điểm, chủ trương, đường lối, pháp luật về dân tộc thiểu số, công tác dân tộc và chính sách dân tộc trong tình hình mới.
Cùng với đó, nghiên cứu xây dựng các mô hình phát triển dựa trên nền tảng văn hóa, tri thức cộng đồng của các dân tộc thiểu số và đặc thù địa phương nhằm phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.
Khung Chương trình sẽ giúp định hướng tập trung nghiên cứu bổ sung cơ sở lý luận và thực tiễn các vấn đề cơ bản, cấp bách về dân tộc thiểu số, công tác dân tộc và chính sách dân tộc trong giai đoạn mới; đánh giá kết quả thực hiện các nghị quyết, một số chương trình, chính sách dân tộc, Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030; nghiên cứu xây dựng, thực hiện thí điểm các mô hình phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số;
Đề xuất bổ sung, hoàn thiện hệ thống quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc đến năm 2030, tầm nhìn 2045; xây dựng, chuẩn hóa Khung dữ liệu về các dân tộc thiểu số Việt Nam; thu thập, cập nhật, bổ sung hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin về các dân tộc thiểu số và công tác dân tộc; nghiên cứu, đề xuất Bộ từ điển một số dân tộc thiểu số.
Sản phẩm của Khung Chương trình hướng tới là hệ thống các luận cứ khoa học và hệ thống lý luận về những vấn đề cơ bản, thực tiễn cấp bách liên quan đến dân tộc thiểu số, công tác dân tộc và chính sách dân tộc; hệ thống các kiến nghị đối với Đảng và Nhà nước về các quan điểm, chủ trương, cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến dân tộc thiểu số và công tác dân tộc; các biện pháp, giải pháp tổ chức thực hiện khả thi, hiệu quả hệ thống chính sách dân tộc, Chiến lược công tác dân tộc, Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đến năm 2030 và giai đoạn tiếp theo.
Cùng với đó là hệ thống dữ liệu về các chính sách dân tộc; hệ thống các luận cứ, giải pháp khoa học và công nghệ góp phần phát triển văn hóa, kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đến năm 2045; sản phẩm về sở hữu trí tuệ cũng như các công trình nghiên cứu khoa học…
Tiến sỹ Hoàng Xuân Lương, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho rằng Chương trình cần tập trung ưu tiên nguồn lực cho khoa học ứng dụng. Đối với các nghiên cứu cơ bản cần phải cụ thể hơn, tập trung vào mối quan hệ đồng bào dân tộc thiểu số và chính quyền các cấp. Cần thống nhất và đồng bộ 66 bộ luật và 276 điều liên quan hiện còn chồng chéo, nghiên cứu thống nhất bộ tiêu chí phân định vùng dân tộc miền núi.
Bên cạnh đó, công tác quản lý và phát triển đối với các dân tộc thiểu số cần sự phối hợp giữa chính quyền và cộng đồng địa phương, chú trọng đào tạo và sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số. Chính sách hỗ trợ phát triển cần phù hợp với từng vùng và từng dân tộc.
Phó Giáo sư-Tiến sỹ Phạm Văn Dương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng việc đánh giá hiệu quả của các chương trình hiện tại cần có sự tham gia của các chuyên gia và cơ sở nghiên cứu địa phương.
Bên cạnh đó, cần xác định mục tiêu ưu tiên, bao gồm phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và bảo tồn văn hóa, đồng thời điều chỉnh mục tiêu sao cho phù hợp với thực tiễn mà không gây tổn hại môi trường, văn hóa của đồng bào./.