Để đạt vị thế thu nhập cao, Việt Nam cần đẩy nhanh tốc độ tăng năng suất
Hội nghị công bố Báo cáo “Cải thiện quy định kinh doanh để hỗ trợ tăng trưởng năng suất tại Việt Nam,” do Văn phòng Chính phủ phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới tổ chức, diễn ra chiều 18/10, tại Hà Nội.
Chiều 18/10, Văn phòng Chính phủ cùng với Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Thế giới đã tổ chức Hội nghị công bố Báo cáo “Cải thiện quy định kinh doanh để hỗ trợ tăng trưởng năng suất tại Việt Nam.”
Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện giữa kỳ Chương trình cải cách quy định kinh doanh của Việt Nam giai đoạn 2020-2025 - được ban hành bởi Nghị quyết 68/NQ- CP; xác định các kết quả đạt được, các lĩnh vực cần cải thiện để đạt được mục tiêu ngắn hạn và chia sẻ các khuyến nghị chính sách về cách tiếp tục cải thiện môi trường thể chế có lợi cho hoạt động kinh doanh và tăng trưởng năng suất ở Việt Nam trong trung hạn.
Việt Nam trở thành ngôi sao kinh tế toàn cầu trong 30 năm qua
Thông tin về một số kết quả nổi bật trong thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 – 2025, ông Ngô Hải Phan, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) cho hay, số quy định kinh doanh được cắt giảm đến nay đã đạt trên 3.000 quy định.
Ngoài cắt giảm các quy định, trình Chính phủ ban hành văn bản cắt giảm, đơn giản hóa quy định, hiện các bộ ngành trình Thủ tướng phê duyệt phương án đơn giản hóa gần 1.200 quy định, những quy định này thuộc 32 luật và trên 170 văn bản, bao gồm nghị định, quyết định, thông tư, thông tư liên bộ.
“Với mục tiêu Nghị quyết 68 đưa ra là cắt giảm tối thiểu 20% quy định kinh doanh thì chúng ta khẳng định vượt chỉ tiêu”, ông Ngô Hải Phan nhấn mạnh.
Ông Andrea Coppola, Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới, đánh giá Việt Nam đã trở thành ngôi sao kinh tế toàn cầu trong 30 năm qua và là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nhanh nhất thế giới. Đầu tư tư nhân đóng vai trò quan trọng trong câu chuyện thành công về kinh tế của Việt Nam.
Tuy nhiên, để đạt được vị thế là quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam phải đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tăng trưởng năng suất, vì sự đóng góp của lao động đối với tăng trưởng dự kiến sẽ giảm đi và sau này sẽ âm khi dân số Việt Nam già đi. Trong bối cảnh đó, cải cách quy định pháp luật đóng vai trò rất quan trọng đối với hành trình của Việt Nam, hướng tới năng suất cao hơn và thịnh vượng kinh tế. Một khung pháp lý quy định rõ ràng, khả đoán và hiệu quả là điều cần thiết để thúc đẩy môi trường kinh doanh năng động, thu hút đầu tư và thúc đẩy phân bổ nguồn lực hiệu quả.
“Cải cách quy định giúp giảm chi phí và rủi ro cho các doanh nghiệp. Khi các quy định được tinh gọn và đơn giản hóa, doanh nghiệp có thể hoạt động hiệu quả hơn, giảm thời gian và nguồn lực dành cho việc tuân thủ. Các nguồn lực tiết kiệm được có thể được sử dụng để đầu tư nhiều hơn, áp dụng công nghệ, nâng cao hoạt động quản lý, dẫn đến tăng năng suất trong các các công ty,” ông Andrea Coppola lý giải về tầm quan trọng của cải cách quy định để thúc đẩy tăng trưởng năng suất.
Cũng theo Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới, cải cách quy định tạo ra các điều kiện thuận lợi cho việc phân bổ lại nguồn lực từ các công ty kém năng suất sang các công ty năng suất cao hơn. Trong một môi trường quy định rõ ràng và có thể dự đoán được, các nguồn lực như vốn và lao động có thể di chuyển tự do hơn đến nơi cần chúng nhất.
Việc phân bổ lại này rất quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế hiệu quả hơn vì điều này đảm bảo rằng các nguồn lực được sử dụng theo cách hiệu quả nhất có thể. Bằng cách loại bỏ các rào cản quy định không cần thiết, chúng ta có thể tạo điều kiện cho các công ty và lĩnh vực có năng suất cao phát triển.
Bên cạnh đó, việc cải cách quy định là rào cản có thể thúc đẩy việc phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn và năng suất cao hơn bằng cách thúc đẩy sự gia nhập của các công ty mới trong và ngoài nước, đặc biệt là các công ty đổi mới dựa trên công nghệ, sản xuất xanh và năng suất cao, và sự rút lui của các công ty năng suất thấp như một phần của quá trình “phá hủy sáng tạo.”
Cải thiện môi trường pháp lý để kích thích đầu tư và đổi mới khu vực tư nhân
Đề cập đến các nội dung chính và khuyến nghị trong Báo cáo cải thiện quy định kinh doanh để hỗ trợ tăng trưởng năng suất ở Việt Nam, bà Zenaida Hernandez Uriz, chuyên gia cao cấp khu vực tư nhân, đại diện nhóm chuyên gia Ngân hàng Thế giới, chia sẻ thành công kinh tế vượt bậc của Việt Nam trong 30 năm qua dựa vào đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hướng đến xuất khẩu, nhưng để đạt được vị thế thu nhập cao, cần phải đẩy nhanh tốc độ tăng năng suất.
Phân tích cấp độ doanh nghiệp chỉ ra phân bổ nguồn lực sai lệch là một hạn chế quan trọng đối với tăng trưởng năng suất ở Việt Nam.
Theo Chỉ số quản trị của Ngân hàng Thế giới, chất lượng quy định của Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể trong hai thập kỷ qua. Tỷ lệ các công ty dành hơn 10% thời gian để hiểu và hoàn thành các thủ tục hành chính đã liên tục giảm trong những năm gần đây. Tuy nhiên, phân tích cấp độ công ty và chuẩn mực quốc tế cho thấy vẫn còn nhiều không gian để cải thiện chất lượng quy định và việc cải thiện này có thể thúc đẩy tăng trưởng năng suất tại Việt Nam. Gần 2/3 các công ty khởi nghiệp coi các quy định kinh doanh là một thách thức. Mặc dù đã cải thiện, điểm Chất lượng quy định của Việt Nam vẫn thấp hơn một số nước trong khu vực.
Phân tích dữ liệu cho thấy các quy định cấp phép và việc cung cấp dịch vụ công không nhất quán là rào cản đối với việc gia nhập thị trường và đổi mới, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh và tăng trưởng của công ty.
Báo cáo mang tới thông điệp, việc tiếp tục cải thiện môi trường pháp lý là rất quan trọng để kích thích đầu tư và đổi mới khu vực tư nhân, thúc đẩy tăng trưởng năng suất và việc làm. Việc cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh đang mang lại kết quả, nhưng những khoảng trống trong việc ưu tiên và thực hiện khiến việc đánh giá tác động trở nên khó khăn.
Để giải quyết những khoảng trống này, các hành động ngắn hạn (cho đến năm 2025) là thực hiện các biện pháp cải cách đã được phê duyệt thông qua việc sửa đổi các văn bản pháp luật có liên quan, tập trung cải cách các lĩnh vực hoặc hoạt động kinh doanh có tiềm năng tác động; cải thiện việc đo lường kết quả; truyền đạt những kết quả cải cách mà doanh nghiệp đã được hưởng.
Trong trung hạn (2026-2030), cần cân nhắc việc phát triển chương trình cải cách quy định tập trung vào chuyển đổi mô hình cung cấp dịch vụ công một cửa hiện tại sang mô hình một cửa tích hợp. Cải cách giấy phép kinh doanh và thanh, kiểm tra để tăng cường các phương pháp quản lý dựa trên rủi ro. Cải thiện việc chia sẻ dữ liệu và khả năng tương tác của các hệ thống công nghệ thông tin./.