Đề án cơ cấu tổ chức Chính phủ khóa XVI cần được nghiên cứu kỹ
Để xây dựng được Đề án cơ cấu Chính phủ khóa XVI tới đây, phải trên cơ sở tổng kết 20 năm thực hiện cơ cấu Chính phủ, từ khóa XII đến khóa XV.
Chiều 16/6, tại buổi họp báo cung cấp thông tin định kỳ do Bộ Nội vụ tổ chức, trả lời báo chí liên quan đến cơ cấu Chính phủ khóa XV, việc giảm bớt các bộ, cơ quan ngang bộ, ông Trần Văn Khiêm, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức biên chế cho biết, theo Nghị quyết của Quốc hội, cơ cấu Chính phủ khóa XV giữ nguyên như hiện nay.
Về đề án cơ cấu tổ chức Chính phủ khóa XVI, theo ông Khiêm, đây là nhiệm vụ nằm trong chương trình hành động của Ban cán sự Đảng Bộ Nội vụ.
Để xây dựng được Đề án cơ cấu Chính phủ khóa XVI tới đây, phải trên cơ sở tổng kết 20 năm thực hiện cơ cấu Chính phủ, từ khóa XII đến khóa XV. Việc này phải báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến trước khi Chính phủ trình Quốc hội theo quy định.
Việc nghiên cứu giảm bớt bộ, cơ quan ngang bộ nào phải chờ sau khi tổng kết.
Chính phủ giao Bộ Nội vụ chuẩn bị chương trình hành động thực hiện Kết luận số 50-KL/TW của Bộ Chính trị (về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả").
Vụ Tổ chức biên chế đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ, trình dự thảo chương trình hành động, trong đó có nhiệm vụ tổng kết 20 năm thực hiện cơ cấu Chính phủ. Tuy nhiên, đây mới là dự thảo trình xin ý kiến các thành viên Chính phủ.
Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh cho biết thêm, cần có kế hoạch thực hiện Nghị quyết 27 (khóa XIII) về tiếp tục xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và kế hoạch để triển khai Nghị quyết này.
[Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV: Giữ nguyên cơ cấu tổ chức Chính phủ]
Bộ đưa vào chương trình, kế hoạch, mục tiêu nghiên cứu để xây dựng đề án sắp xếp tổ chức bộ máy, bảo đảm nguyên tắc Nghị quyết đề ra là tinh giản, hiệu lực, hiệu quả, khắc phục chồng chéo.
“Đây là vấn đề rất phức tạp, nhạy cảm, đụng chạm đến cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ trong cơ cấu của Chính phủ. Do vậy, cần nghiên cứu rất kỹ lưỡng, qua nhiều ‘vòng,' đặc biệt, phải tiến hành tổng kết 20 năm thực hiện cơ cấu Chính phủ, căn cứ vào Nghị quyết 18, để tham mưu cho Chính phủ, cấp có thẩm quyền để tính tới cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ khóa XVI của Quốc hội,” ông Vũ Đăng Minh nói.
Theo ông, đây mới là bước nghiên cứu, Bộ Nội vụ chưa có bất kỳ đề xuất nào về việc sáp nhập bộ, tỉnh, mà mới đề xuất việc sáp nhập huyện và xã.
Trước đó, Bộ Nội vụ đã ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 77/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Theo đó, Bộ Nội vụ sẽ xây dựng đề án cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XVI trình Chính phủ trong giai đoạn 2025-2026.
Bộ Nội vụ nghiên cứu, đề xuất đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ, chính quyền địa phương theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tổ chức các bộ, các cơ quan chuyên môn đa ngành, đa lĩnh vực; giảm hợp lý số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.
Đồng thời, tăng cường vai trò, nâng cao trách nhiệm của Bộ trưởng với tư cách thành viên Chính phủ trong quản lý vĩ mô và xây dựng chính sách.
Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ cũng đặt ra nhiệm vụ nghiên cứu, hoàn thiện tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với các địa bàn đô thị, nông thôn, miền núi, hải đảo, đơn vị hành chính kinh tế - đặc biệt; giảm cấp chính quyền phù hợp ở một số địa phương; xây dựng mô hình quản trị chính quyền địa phương phù hợp với từng địa bàn, gắn với yêu cầu phát triển các vùng, khu kinh tế.
Cùng với đó là khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; phân định rõ trách nhiệm giữa cá nhân và tập thể, đề cao vai trò, trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu trong các cơ quan hành chính nhà nước./.