Đẩy mạnh xuất khẩu sang Anh: Thích ứng nhanh để nắm bắt các cơ hội thị trường

Theo đại diện Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương), trong 3 năm thực thi hiệp định thương mại UKVFTA, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam-Anh tăng trưởng trung bình 8,9%/năm.

Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tại cảng Hải phòng. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Với lộ trình cắt giảm thuế quan của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA), hàng hóa Việt Nam đang dần có ưu thế nổi trội tại thị trường này.

Đặc biệt, mới đây nhất là việc Vương quốc Anh chính thức ký thỏa thuận gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP) dự kiến sẽ tiếp tục là những động lực mạnh mẽ thúc đẩy quan hệ kinh tế -thương mại-đầu tư hai chiều phát triển hơn nữa trong thời gian tới.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để tận dụng tối đa lợi ích của hiệp định qua đó thúc đẩy xuất khẩu vào Vương Quốc Anh, doanh nghiệp cần tập trung vào chiến lược và cách tiếp cận thông tin thị trường hiệu quả.

Đây cũng là nội dung chính của Tọa đàm: “Xuất khẩu sang thị trường Vương quốc Anh-Chiến lược và cách tìm kiếm thông tin,” do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 1/11, tại Hà Nội.

Động lực thúc đẩy xuất khẩu

Kể từ năm 2021, Hiệp định UKVFTA có hiệu lực đã trở thành động lực hết sức quan trọng, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước lên một tầm cao mới.

Ông Vũ Việt Thành, Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho hay nếu tính trong cả 3 năm thực thi Hiệp định UKVFTA, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước tăng trưởng trung bình 8,9%/năm, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Vương quốc Anh tăng trưởng trung bình 9,4%/năm.

Đây là mức tăng trưởng cao hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng chung của xuất khẩu Việt Nam hay tổng kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam sang EU hoặc sang châu Âu nói chung trong 9 tháng năm 2024.

Dẫn thêm số liệu tổng hợp từ ITC's Trade Map, ông Vũ Việt Thành thông tin một số mặt hàng của Việt Nam đang đứng đầu phân khúc thị trường Anh. Ví dụ, sản phẩm tiêu, hạt điều tách vỏ, giày dép, càphê; thủy sản đang đứng ở vị trí thứ 5 và may mặc đang đứng ở vị trí thứ 6.

Ở chiều ngược lại, hiệp định UKVFTA giúp tăng trưởng xuất khẩu một số mặt hàng của Anh vào Việt Nam. Cụ thể là các mặt hàng có hàm lượng công nghệ khoa học rất cao cũng như nguồn nguyên liệu đầu vào chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, như các sản phẩm máy móc, ôtô, hóa chất cơ bản, y tế, dược phẩm.

Chuyên gia này cũng cho biết trong hơn 3 năm vừa qua, Vương quốc Anh là một điểm sáng với sự tăng trưởng các dự án đầu tư rất tích cực, với tổng số dự án đăng ký của Vương quốc Anh vào Việt Nam tăng hơn gấp rưỡi từ mức 380 dự án vào cuối năm 2020 lên 584 án sau 9 tháng năm 2024 với tổng số vốn là 4,5 tỷ USD, trong đó các dự án đầu tư của Vương quốc Anh vào Việt Nam trải khắp trong rất nhiều lĩnh vực quan trọng từ công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ tài chính, ngân hàng, năng lượng tái tạo, y tế, dược phẩm...

“Tỷ lệ tận dụng C/O ưu đãi theo mẫu của Hiệp định này hiện nay ở mức trên 30%, nghĩa là tăng trưởng ổn định dần đều qua các năm, cũng như một bộ phận không nhỏ các doanh nghiệp Việt Nam đã trưởng thành hơn rất nhiều trong việc tiếp cận thị trường, đưa hàng hóa của Việt Nam vào thị trường Anh, đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao về tiêu dùng Xanh, phát triển bền vững, nâng cao trách nhiệm của người sản xuất cũng như tham gia vào chuỗi cung ứng, qua đó có thể tận dụng lâu dài lợi ích từ hiệp định này trong thời gian tới,” ông Vũ Việt Thành cho hay.

Chế biến thủy sản xuất khẩu. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Thực tế cho thấy, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Anh sau khi Hiệp định UKVFTA có hiệu lực đạt được nhiều kết quả rất tích cực và ngoài điều kiện tiếp cận thị trường thuận lợi, nhiều doanh nghiệp cũng đã hết sức nỗ lực.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) chia sẻ, ngay khi hiệp định giữa Việt Nam và Anh có hiệu lực, những mặt hàng chính của ngành hàng thủy sản có dòng thuế nhập khẩu đã chuyển về 0%, trong đó có những mặt hàng chủ lực của Việt Nam, như: tôm, cá tra.

Thống kê của VASEP cho thấy, hiện mặt hàng tôm đang chiếm 70% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Anh, còn mặt hàng cá tra cũng chiếm 20%.

“Hai mặt hàng chủ lực này của Việt Nam đã chiếm 90% trong tổng số kim ngạch xuất khẩu trung bình trong ba năm vừa qua, với giá trị từ 300- 350 triệu USD trong một năm, tức là chiếm khoảng 4% tổng kim ngạch xuất khẩu của thủy sản Việt Nam ra toàn cầu-là con số rất ấn tượng” ông Nguyễn Hoài Nam nói.

Xác định rõ phân khúc thị trường

Trong thời gian vừa qua, Vương Quốc Anh cũng đã duy trì quan hệ rất tốt với các nước trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đặc biệt là việc đàm phán gia nhập Hiệp định CPTPP cũng như duy trì quan hệ với các đối tác, trong đó có Việt Nam.

Ông Nguyễn Cảnh Cường, Cựu tham tán công sứ tại Vương quốc Anh đánh giá, doanh nghiệp Việt Nam ngày càng năng động, đặc biệt những doanh nghiệp trẻ, có những kỹ năng mới về công nghệ số, tiếp thị trên các nền tảng dựa trên kỹ thuật số, giúp việc tìm kiếm thông tin nhanh hơn và nhiều hơn so với các phương pháp truyền thống.

Tuy nhiên, ông đánh giá, không phải doanh nghiệp nào cũng đạt được trình độ và hiệu quả cao khi xuất khẩu sang thị trường này, bởi một số đơn vị không nắm được khách hàng, kể cả những thông tin cơ bản nhất thậm chí có thể tự tìm kiếm được

Mặt khác, một số doanh nghiệp Việt Nam có sản phẩm tốt nhưng không quen phương pháp tiếp cận thị trường và phương pháp tìm kiếm thông tin trên thị trường ấy. Khi đó họ buộc phải gửi yêu cầu của mình sang cho các công ty trung gian, các công ty môi giới.

"Các công ty này có nhược điểm là tuy có kỹ năng tiếp thị nhưng hầu như hiểu biết rất hạn chế về sản phẩm. Khi đối tác hỏi khoảng 3 câu liên quan đến sản phẩm, họ không trả lời được hoặc trả lời không trúng. Như thế là mất luôn cơ hội," ông Cường nêu ví dụ.

Từ dẫn chứng trên, ông Nguyễn Cảnh Cường nhấn mạnh về “Tiêu chuẩn hóa” - một yêu cầu gần như tiên quyết của các doanh nghiệp Anh khi họ muốn tìm hiểu những sản phẩm mới để xuất khẩu sang nước họ. Tiếp đến, đó chính là xu hướng tiêu dùng bền vững, thân thiện với môi trường, giảm phát thải…

Ngoài ra, ông khuyến nghị doanh nghiệp Việt Nam phải đặc biệt chú ý đến yêu cầu về không sử dụng bao bì nhựa, cũng như minh bạch chuỗi cung ứng và khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm bằng các công cụ số hóa.

Trao đổi thông tin để nắm bắt cơ hội thị trường. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Làm rõ thêm nội dung này, ông Vũ Việt Thành, Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ đề nghị các doanh nghiệp cần kiểm soát chặt chẽ toàn bộ quy trình sản xuất, đảm bảo truy xuất nguồn gốc này, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Điểm nữa là cần đẩy mạnh liên kết chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ rồi xuất khẩu.

“Các doanh nghiệp cần nghiên cứu, tìm kiếm những đối tác phát triển để thu hút đầu tư của doanh nghiệp Anh vào trong dây chuyền sản xuất cụ thể của doanh nghiệp, qua đó tận dụng vốn, công nghệ của đối tác, đồng thời xác định rõ phân khúc thị trường của sản phẩm để có nghiên cứu rất là chuyên sâu, có kế hoạch bài bản để nghiên cứu về thị hiếu, xu hướng thị trường,” ông Vũ Việt Thành khuyến nghị thêm.

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, đại diện Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ cho hay thời gian tới, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh thông tin thị trường, tuyên truyền, tập huấn, hỗ trợ nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp về phát triển bền vững này, về sản xuất Xanh, xây dựng thương hiệu…

Cùng đó, Vụ thị trường châu Âu-châu Mỹ cũng tập trung vận động chính sách với các đối tác thương mại nhằm tháo gỡ các rào cản để tiếp cận thị trường. Hỗ trợ, hướng dẫn cho cộng đồng doanh nghiệp thích ứng nhanh hơn, tốt hơn với các thay đổi về yêu cầu, tiêu chuẩn của thị trường cũng như đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, đặc biệt thông qua các kênh phân phối, đưa hàng hóa Việt Nam vào các kênh phân phối, các tập đoàn thu mua lớn trên thế giới./.