Đẩy mạnh phát triển đảng viên trong doanh nghiệp ngoài nhà nước
Trong công tác phát triển đảng, cần chú ý nâng cao nhận thức của chủ doanh nghiệp, kiên trì thực hiện các hoạt động vận động, tuyên truyền chủ doanh nghiệp.
Ngày 28/6, tại thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội thảo công tác phát triển đảng viên trong doanh nghiệp ngoài nhà nước khu vực phía Bắc.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai dự và phát biểu chỉ đạo.
Theo báo cáo của Ban Tổ chức Trung ương, 25 đảng bộ tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc hiện có 403 đảng bộ cấp trên cơ sở, 25.311 tổ chức cơ sở đảng.
[Phát triển đảng viên trong DN nhà nước từ công đoàn, đoàn thanh niên]
Tổng số đảng viên được kết nạp vào đảng từ năm 2020-2022 trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước của 25 tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc là 8.4405 đảng viên.
Những địa phương kết nạp được nhiều đảng viên trong doanh nghiệp ngoài nhà nước là Hà Nội 2.649 đảng viên; Hải Phòng 1.027 đảng viên; Quảng Ninh 750 đảng viên; Bắc Giang 608 đảng viên; Vĩnh Phúc 381 đảng viên...
Tại Hội thảo, các đại biểu đều có chung nhận định là công tác phát triển đảng viên trong doanh nghiệp ngoài nhà nước có vai trò quan trọng trong công tác xây dựng Đảng.
Một số chủ doanh nghiệp tư nhân có nhận thức đúng đắn về Đảng, phấn đấu và được kết nạp vào đảng.
Công nhân, người lao động, cán bộ lãnh đạo, quản lý và chủ doanh nghiệp được kết nạp vào đảng là những quần chúng ưu tú, có động cơ vào đảng đúng đắn, đạt nhiều thành tích trong lao động sản xuất và rèn luyện phấn đấu.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra nhiều khó khăn, hạn chế trong công tác phát triển đảng viên trong doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Nhiều chủ doanh nghiệp ngoài nhà nước nhận thức chưa đầy đủ về chủ trương phát triển tổ chức đảng, tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp, chỉ chú trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, tìm kiếm công việc cho người lao động, lợi nhuận cho doanh nghiệp, chưa quan tâm tạo điều kiện cho việc thành lập và hoạt động của tổ chức đảng trong doanh nghiệp.
Vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài nhà nước phụ thuộc vào chủ doanh nghiệp, trong khi nhiều chủ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân không phải là người đứng đầu tổ chức đảng hoặc không phải là đảng viên.
Bên cạnh đó, nguồn quần chúng để phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước mặc dù có số lượng nhiều nhưng số đủ điều kiện, tiêu chuẩn chiếm tỷ lệ thấp...
Từ đó, các đại biểu đã trao đổi, đề xuất, chia sẻ những giải pháp, cách làm nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác phát triển đảng viên trong doanh nghiệp ngoài nhà nước thời gian tới.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp là người đại diện cho người lao động trong mọi mặt hoạt động của doanh nghiệp, trong đó có công tác phát triển đảng viên.
Các tỉnh ủy, thành ủy, tổ chức đảng cần quan tâm nâng cao, làm rõ vai trò của đảng viên, tổ chức đảng trong doanh nghiệp.
Trong công tác phát triển đảng, cần chú ý nâng cao nhận thức của chủ doanh nghiệp, kiên trì thực hiện các hoạt động vận động, tuyên truyền chủ doanh nghiệp.
Các cơ quan hữu quan cần nghiên cứu mô hình tổ chức, điều kiện sinh hoạt, điều kiện kết nạp đảng sao cho phù hợp với thực tiễn.
Quá trình chỉ đạo phải kiên trì, có trọng tâm, trọng điểm, sát thực tiễn.
Các cấp ủy đảng cần chú trọng số lượng đi đôi với chất lượng, nâng cao chất lượng tổ chức đảng, đảng viên, các đoàn thể trong doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Trung ương sẽ nghiên cứu sơ kết, tổng kết các văn bản chỉ đạo về phát triển đảng trong doanh nghiệp; bổ sung thêm mối quan hệ công tác, tổ chức, chính sách; sửa đổi, rà soát các văn bản có liên quan để tháo gỡ khó khăn về mô hình tổ chức, việc kết nạp đảng, sinh hoạt đảng trong doanh nghiệp ngoài nhà nước./.