Đẩy mạnh kết nối, hỗ trợ tiêu thụ vải thiều Hải Dương niên vụ 2024
Đến nay, Hải Dương có 52 vùng vải được chứng nhận sản xuất theo VietGAP và GlobalGAP, trong đó có 41 vùng VietGAP với tổng diện tích 110 ha.
Ngày 9/5, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), Sở Công Thương và Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương) đã tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản của Hải Dương với hệ thống thương vụ Việt Nam và các doanh nghiệp nước ngoài. Cùng với hội nghị trực tiếp, có trên 20 điểm cầu trong nước và quốc tế.
Bà Vũ Thị Kim Phượng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hải Dương cho biết vải thiều là một trong 8 loại nông sản chủ lực của tỉnh Hải Dương. Tỉnh hiện có 8.850 ha vải, riêng huyện Thanh Hà có 3.285 ha vải thiều gồm 1.950 ha vải sớm.
Hàng năm, sản lượng vải toàn tỉnh duy trì 55.000-60.000 tấn. Năm 2024, do ảnh hưởng thời tiết nên sản lượng vải của tỉnh chỉ ước đạt 40.000-45.000 tấn.
Đến nay, Hải Dương đã có 52 vùng vải được chứng nhận sản xuất theo VietGAP và GlobalGAP; trong đó, có 41 vùng VietGAP với tổng diện tích 110 ha, riêng huyện Thanh Hà có 37 vùng.
Toàn tỉnh hiện có 198 mã số vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu; trong đó, Thanh Hà có 167 mã số vùng trồng.
Cùng với thị trường trong nước, vải thiều Thanh Hà đã được xuất khẩu sang các thị trường: Trung Quốc, Nhật Bản, Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc), Bỉ, Hà Lan, Thái Lan, Singapore và Trung Đông...
Lãnh đạo Sở Công Thương Hải Dương cho biết, để thúc đẩy tiêu thụ vải thiều và các nông sản tỉnh, Hải Dương đã và đang chủ động nhiều giải pháp.
Theo đó, tập trung xây dựng hệ thống sản xuất, phân phối hàng hóa chuyên nghiệp và hiệu quả thông qua việc chủ động định hướng sản xuất, xây dựng liên kết trong sản xuất; tăng cường quảng bá sản phẩm; tích cực hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với các đối tác, đặc biệt là đối tác nước ngoài.
Cùng với đó, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, định hướng về bảo quản, chế biến, tiêu thụ vải thiều; tích cực tổ chức đưa vải thiều và nông sản của tỉnh quảng bá tới các thị trường trong và ngoài nước.
Hải Dương cũng nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc kết nối với các bộ, ngành và thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu; hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu cho doanh nghiệp và cho các sản phẩm nông nghiệp; tọa đàm giữa chính quyền địa phương với các doanh nghiệp, hợp tác xã nhằm phối hợp chặt chẽ giữa sản xuất, tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm nông nghiệp; lập cơ sở dữ liệu thông tin về sản xuất, tiêu thụ nông sản của tỉnh; cập nhật, dự báo thị trường, các rào cản kỹ thuật, các nhà nhập khẩu, tiêu thụ vải thiều và nông sản của tỉnh...
Tại hội nghị, các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài (Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Pháp và Nhật Bản) đã thông tin về nhu cầu, xu hướng nhập khẩu nông sản; trong đó có vải thiều ở các thị trường này và đưa ra các khuyến nghị đối với các bộ, ngành, các doanh nghiệp và tỉnh Hải Dương.
Với sản phẩm vải thiều, các đại biểu cho rằng cần duy trì ổn định chất lượng sản phẩm; cải thiện việc đóng gói, công nghệ bảo quản đối với quả vải tươi xuất khẩu, song song với việc giảm chi phí logistics để nâng cao khả năng cạnh tranh, đổi mới hình thức xúc tiến thương mại…
Các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cho biết đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho việc xuất khẩu vải đã sẵn sàng.
Theo ông Mai Xuân Thìn, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất Thương Mại, Dịch vụ Rồng Đỏ, đơn hàng vải tươi vào Nhật và Australia đều tăng trưởng hàng năm và dự kiến năm nay tiếp tục tăng hơn.
Doanh nghiệp đề nghị Hải Dương tiếp tục phối hợp và hỗ trợ trong việc đón chuyên gia sang giám sát vùng trồng để việc xuất khẩu thuận lợi hơn, dự kiến năm nay sẽ đưa vải vào thị trường Canada.
Ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty cổ phần Ameii Việt Nam cho biết, doanh nghiệp đã kết hợp với ngành nông nghiệp và địa phương đã chuẩn bị sớm để có được sản phẩm chất lượng đáp ứng yêu cầu thị trường nhập khẩu.
Bên cạnh vải tươi, doanh nghiệp đã chế biến sâu được 6 dòng sản phẩm từ trái vải. Doanh nghiệp tin tưởng đây sẽ là điểm mới giúp tạo ra giá trị tốt hơn từ trái vải.
Bà Phạm Thị Thanh Tâm, Bí thư Huyện ủy Thanh Hà cho biết bên cạnh vải thiều Thanh Hà, sản phẩm đạt chuẩn OCOP 5 sao, Thanh Hà còn có nhiều nông sản nổi tiếng khác.
Thanh Hà sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh để thúc đẩy liên kết, tiêu thụ các sản phẩm nông sản của huyện, mong muốn Cục Xúc tiến Thương Mại, Bộ Công Thương quan tâm thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại; các thương vụ ngoài nước thường xuyên cung cấp thông tin thị trường, đưa ra các khuyến nghị cho địa phương, để có kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp, tiếp cận và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Theo ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, thời gian qua, Cục đã có nhiều hoạt động hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông sản như cung cấp thông tin về chính sách, xu hướng, cơ hội thị trường, ngành hàng xuất khẩu và kết nối giao thương.
Thời gian tới, Cục tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ Hải Dương phát triển sản phẩm, kết nối giao thương trong tiêu thụ vải thiều nói riêng và nông sản nói chung.
Tại hội nghị, đã diễn ra lễ ký kết giao thương giữa các doanh nghiệp xuất khẩu với các hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ vải thiều./.