Đầu tư xứng tầm để văn học, nghệ thuật đóng góp vào kinh tế đất nước
Theo các chuyên gia, văn học, nghệ thuật không đơn thuần là một lĩnh vực giải trí, mà có thể đóng góp vào kinh tế đất nước. Do đó, tăng vốn đầu tư cho văn hóa, nghệ thuật là vấn đề cần phải bàn tới.
Cách đây gần 15 năm, Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (khóa X) ra đời (16/6/2008) đã tạo thành “lực đẩy” cho sự phát triển của văn học, nghệ thuật nước nhà.
Suốt chặng đường đó, lĩnh vực văn học, nghệ thuật đã đạt được những kết quả tích cực, có những tác phẩm với chất lượng tốt, có giá trị tư tưởng, tiếp tục khơi thông dòng chảy của chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó máu thịt với dân tộc.
Song, trước “cơn lốc” cơ chế thị trường và sự bùng nổ của công nghệ thông tin, nền văn học, nghệ thuật cũng bộc lộ những yếu kém, hạn chế, đòi hỏi những giải pháp “gỡ khó” đến từ cơ quan quản lý Nhà nước.
Quản lý chặt, không để lọt sản phẩm độc hại
Trên cơ sở phân tích, đánh giá thực trạng, ngày 19/12, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức buổi hội thảo khoa học toàn quốc tại Hà Nam xoay quanh chủ đề “Nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (Khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới.”
Theo phó giáo sư-tiến sỹ Phạm Duy Đức nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa phát triển (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), việc thể chế hóa các nội dung Nghị quyết 23 bằng pháp luật, cơ chế, chính sách còn chậm, nguồn lực đầu tư chưa tương xứng, chậm đi vào cuộc sống.
“Một số luật và nghị định đã bộc lộ những bất cập so với tình hình thực tế; một số chính sách đầu tư kinh phí, ngân sách cho lĩnh vực văn học, nghệ thuật còn thấp. Chế độ đãi ngộ cho văn nghệ sỹ còn thấp, chưa chú trọng trong công tác đào tạo, kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý về văn học, nghệ thuật,” ông Phạm Duy Đức nêu rõ.
[Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Chấn hưng và phát triển văn hóa dân tộc]
Trong khi đó, sự tác động của cuộc cách mạng khoa học, công nghệ cho ra đời nhiều loại hình giải trí mới hiện đại và cập nhật với khu vực và thế giới. Nghệ thuật truyền thống chịu nhiều sức ép từ các loại hình giải trí và nghệ thuật mới nảy sinh có nguy cơ bị mai một và suy thoái.
Thực trạng đó dẫn đến kết quả là nhiều loại hình văn hóa ngoại lai du nhập vào Việt Nam, xóa nhòa bản sắc dân tộc. Các thế lực thù địch trong và ngoài nước vẫn tiếp tục tăng cường thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” lợi dụng văn học, nghệ thuật để tuyên truyền phá hoại.
Tiến sỹ Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Kiến trúc sư Việt Nam có chung những trăn trở đó. Ông cho rằng tuy số lượng tác phẩm văn học, nghệ thuật ngày càng nhiều, nhưng lại ít tác phẩm thể hiện được tính chất tiên tiến, đậm đà bản sắc và có giá trị cao về tư tưởng nghệ thuật, góp phần tạo nên sự “nhạt nhòa” trong bức tranh hội nhập phát triển cùng nhân loại.
“Sản phẩm yếu kém chất lượng còn ‘lọt lưới’ không ít, đã gây tác động tiêu cực đến tư tưởng, thẩm mỹ của công chúng, là một yếu kém nghiêm trọng vì ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển chung của xã hội từng tháng, từng ngày. Điều này có thể thấy rõ nhất ở lĩnh vực âm nhạc với một số ca khúc vu vơ, kém chất lượng,” ông Phan Đăng Sơn chia sẻ.
Trước những hạn chế nói trên, các chuyên gia cho rằng cơ quan quản lý Nhà nước cần xiết chặt quản lý bằng chế tài cụ thể và nghiêm khắc.
Cần tăng đầu tư cho văn học, nghệ thuật
Bên cạnh việc tăng cường quản lý, các chuyên gia tại hội thảo cũng kiến nghị nhiều giải pháp để gia tăng giá trị cho các sản phẩm văn học, nghệ thuật, để tạo ra tài nguyên, nguồn lực, “xương sống” cho các ngành công nghiệp văn hóa.
Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Tổng biên tập báo Quân đội nhân dân, Ủy viên Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, cho rằng sự lớn mạnh của nền kinh tế thị trường đã điều tiết hầu hết lĩnh vực, trong đó có văn học, nghệ thuật.
“Sản phẩm văn học nghệ thuật trở thành sản phẩm công nghiệp văn hóa sẽ góp phần nâng cao vị thế quốc gia, trở thành 'sức mạnh mềm' ảnh hưởng lên toàn cầu, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa,” ông Đoàn Xuân Bộ nhận định.
Đồng tình với quan điểm này, phó giáo sư-tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng văn học, nghệ thuật không đơn thuần là một lĩnh vực giải trí, mà có thể đóng góp vào kinh tế đất nước. Do đó, tăng vốn đầu tư cho văn hóa, nghệ thuật là vấn đề cần phải bàn tới.
“Theo thống kê, các sản phẩm văn hoá đem lại nguồn thu cho nước Mỹ nhiều hơn xuất khẩu vũ khí, vốn là thế mạnh của quốc gia này. Tốc độ tăng trưởng của các ngành kinh tế sáng tạo luôn cao hơn 1,5 lần so với tốc độ trung bình của các quốc gia,” ông Bùi Hoài Sơn cho biết.
Phát biểu tại hội thảo, phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, cho rằng sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW, những nhà chuyên môn đã phần nào nhận thức được việc đầu tư kinh phí cho các hoạt động sáng tạo nghệ thuật là đầu tư cho con người, đầu tư cho phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Thế Kỷ kiến nghị cần xây dựng đề án và cơ chế bảo tồn, truyền bá các loại hình văn học, nghệ thuật cổ truyền; cần có chính sách đặc biệt hỗ trợ sự phát triển của ngôn ngữ, chữ viết và văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số. Ngoài ra, chế độ lương, nhuận bút và đãi ngộ tài năng cũng cần chú trọng hơn nữa.
Trước ý kiến này, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, thừa nhận rằng đội ngũ văn nghệ sỹ có lẽ chưa được đầu tư đủ về mặt vật chất.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh rằng các cơ quan có thẩm quyền cần cải thiện môi trường sáng tạo, môi trường làm nghề của văn nghệ sỹ, trong đó vấn đề tự do sáng tạo cần phải được thể chế hóa, góp phần giải phóng tư tưởng, phát huy tiềm năng, kích thích năng lực sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sỹ.
“Đội ngũ văn nghệ sỹ - chiến sỹ tài năng chính là nguyên khí của quốc gia, là vốn quý của dân tộc. Họ sẽ là lực lượng tiên phong gánh vác sứ mệnh vẻ vang, chăm lo, bồi đắp nhân cách, góp phần xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam, hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới,” ông Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu./.