Đầu tư trong nước và FDI đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế
Cả vốn đầu tư trong nước và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đều ghi nhận những kết quả khả quan trong 11 tháng của năm 2024, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tổng cục Thống kê thông tin cho biết vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam trong 11 tháng đạt 21,68 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy sức hút của nền kinh tế Việt Nam đối với các nhà đầu tư quốc tế. Song song đó, vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước cũng được đẩy mạnh và đạt 73,5% kế hoạch năm.
Trong tháng 11, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt gần 75.900 tỷ đồng, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, vốn Trung ương quản lý đạt 13.200 tỷ đồng (tăng 7,8%) và vốn địa phương quản lý đạt 62.700 tỷ đồng (tăng 5,1%). Tính chung 11 tháng, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 572.000 tỷ đồng, bằng 73,5% kế hoạch năm và tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước.
Về vốn đầu tư Trung ương quản lý, tính chung 11 tháng đạt 100.100 tỷ đồng, bằng 79,6% kế hoạch năm và tăng nhẹ 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Một số bộ, ngành có mức giải ngân vốn đầu tư đáng chú ý, như Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (tăng 20,2%), Bộ Y tế (tăng 26,5%) và Bộ Công Thương (tăng 6,6%). Tuy nhiên, một số bộ, ngành khác lại ghi nhận mức giảm, như Bộ Giao thông Vận tải (giảm 14%), Bộ Tài nguyên và Môi trường (giảm 43,7%) và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (giảm 24,3%).
Bên cạnh đó, vốn đầu tư do địa phương quản lý đạt 471.900 tỷ đồng, bằng 72,3% kế hoạch năm và tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn ngân sách cấp tỉnh, huyện và xã lần lượt đạt 68,5%, 79,6% và 96,7% kế hoạch năm.
Về FDI, tổng vốn đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 30/11 đạt 31,38 tỷ USD, tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký cấp mới đạt gần 17,4 tỷ USD với 3.035 dự án được cấp phép. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu thu hút FDI với 11,47 tỷ USD, chiếm 66% tổng vốn đăng ký cấp mới. Và, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 5,78 tỷ USD, chiếm 33,3% tổng vốn đăng ký cấp mới.
Ngoài ra, vốn đăng ký điều chỉnh tăng thêm 9,93 tỷ USD, tăng mạnh 40,7% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 71,2% tổng vốn FDI đăng ký.
Song, tổng vốn góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 4,06 tỷ USD, giảm 39,7% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm tỷ trọng lớn nhất trong hình thức đầu tư này, đạt 25,3% giá trị góp vốn.
Về đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 11 tháng của năm, cả nước có 151 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn 555,2 triệu USD và 22 lượt dự án điều chỉnh vốn với 43,5 triệu USD. Tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài đạt 598,7 triệu USD, tăng mạnh 51,6% so với cùng kỳ năm trước. Hiện, Lào là quốc gia nhận đầu tư lớn nhất từ Việt Nam, chiếm 26,8% tổng vốn đầu tư./.