Đầu tư phát triển y tế cơ sở: Cải thiện chất lượng sống của người dân vùng khó

Dự án Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở là một trong số những dự án có mức đầu tư lớn của ngành y tế, với tổng kinh phí khoảng 120 triệu USD. 

Nhân viên y tế tư vấn sức khoẻ cho người dân đến khám tại Trạm Y tế xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Dự án Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở sử dụng nguồn vốn vay và viện trợ không hoàn lại của Ngân hàng Thế giới (WB) được triển khai thực hiện từ năm 2020. Đây được xem là một trong những dự án có ý nghĩa quan trọng đối với ngành y tế nói chung, đặc biệt là đối với mạng lưới y tế cơ sở của 13 tỉnh khó khăn về kinh tế xã hội tham gia dự án.

Phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus có cuộc trao đổi với Phó giáo sư Phan Lê Thu Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế), Giám đốc Ban quản lý Dự án Trung ương để hiểu rõ hơn về những kết quả mà Dự án đang triển khai.

Chiến lược đầu tư toàn diện

- Xin Phó giáo sư cho biết Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở đang được triển khai tại 13 tỉnh như thế nào?

Phó giáo sư Phan Lê Thu Hằng: Dự án được thiết kế nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu suất sử dụng dịch vụ y tế của mạng lưới y tế cơ sở tại 13 tỉnh. Dự án được thực hiện tại Trung ương và 13 tỉnh gồm: Hà Giang, Bắc Kạn, Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Trà Vinh, Hậu Giang, Bạc Liêu, Long An.

Dự án với chiến lược đầu tư tương đối toàn diện: Nâng cấp cơ sở hạ tầng, đổi mới trang thiết bị y tế, đào tạo phát triển nhân lực y tế, cải thiện hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe, hỗ trợ hoàn thiện khung chính sách liên quan đến y tế cơ sở và thực hiện thí điểm các mô hình cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu mang tính sáng tạo.

Dự án được mong đợi sẽ hỗ trợ nâng cao năng lực mạng lưới y tế cơ sở, qua đó góp phần đảm bảo sức khỏe, nâng cao tuổi thọ và cải thiện chất lượng sống của người dân tại các địa bàn khó khăn.

Phó giáo sư Phan Lê Thu Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế), Giám đốc Ban quản lý Dự án Trung ương. (Ảnh: Minh Nghĩa/Vietnam+)

Xét về quy mô nguồn vốn, Dự án Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở là một trong số những dự án có tổng mức đầu tư lớn của ngành y tế, với tổng kinh phí khoảng 120 triệu USD. Điều này phản ánh chiến lược của ngành y tế trong việc ưu tiên nguồn lực đầu tư cho mạng lưới cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu tại những địa bàn khó khăn.

Trên bình diện quản trị, đây được xem là một trong những dự án đầu tiên của ngành y tế thực hiện theo mô thức quản trị mới với quyền chủ động tối đa được trao cho các địa phương, theo đó các tỉnh dự án là chủ đầu tư dự án thành phần được triển khai trên địa bàn. Mô thức quản trị này hứa hẹn đem lại tác động tích cực mang tính dài hạn đối với năng lực quản trị dự án y tế của các địa phương, vốn trước đây lệ thuộc nhiều vào các cấu trúc quản trị cấp Trung ương.

- Sau 4 năm triển khai thực hiện dự án tại các tỉnh, Phó giáo sư có thể cho biết đến nay kết quả bước đầu của Dự án tại 13 tỉnh ra sao?

Phó giáo sư Phan Lê Thu Hằng: Dự án có hiệu lực ngày 18/5/2020 và bắt đầu triển khai đúng thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát nên trong 2 năm đầu gặp rất nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, Dự án đã có được sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Y tế, sự nỗ lực của 13 ủy ban nhân dân tỉnh, sự quyết tâm hành động của Ban Quản lý dự án Trung ương và Ban quản lý dự án các tình và sự hỗ trợ nhiệt tình của các nhà tài trợ để thúc đẩy các hoạt động hướng tới hoàn thành mục tiêu với kết quả tốt nhất.

Sau hơn 4 năm triển khai, Dự án đã đạt được kết quả ở mức mong đợi. Kết quả đánh giá mới nhất của Bộ Y tế và Ngân hàng Thế giới về tiến độ Dự án vào tháng 5/2024 cho thấy bất chấp những thách thức nghiêm trọng mang tính khách quan như tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, nhiều chính sách về giải ngân và quản lý dự án ODA của Chính phủ đã có những thay đổi so với thời điểm Bộ Y tế xây dựng dự án…, Dự án vẫn được đánh giá ở mức đạt yêu cầu. Ngân hàng Thế giới ghi nhận đây là Dự án được đánh giá tốt nhất trong số các dự án y tế do Ngân hàng Thế giới tài trợ tại Việt Nam.

Quang cảnh khang trang của Trạm Y tế xã Cam Tuyền (huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) được xây mới theo nguồn kinh phí của Dự án. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Về đầu tư, hiện đã có 412 công trình xây dựng bao gồm các trạm y tế nâng cấp hoặc xây mới và các trung tâm y tế trên địa bàn 109 huyện/thị xã của 13 tỉnh thuộc Dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng, đạt trên 86% so với số công trình dự kiến. Các công trình còn lại đều đang trong giai đoạn thi công và dự kiến sẽ được Dự án hoàn thành toàn bộ trong tháng 11/2024. Hầu hết các tỉnh cũng đã triển khai ký kết được các hợp đồng để bàn giao các trang thiết bị thiết yếu cho các trạm y tế trên địa bàn tỉnh, nhờ đó hầu hết trạm y tế được bổ sung trang thiết bị phục vụ cho công tác chuyên môn.

Điểm sáng về kỹ thuật

- Trong công tác nâng cao chất lượng năng lực cho cán bộ y tế tuyến cơ sở được Dự án triển khai cụ thể như thế nào?

Phó giáo sư Phan Lê Thu Hằng: Hợp phần nâng cao năng lực của Dự án sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại của Ngân hàng Thế giới và các nhà đồng tài trợ nhằm giải quyết một phần sự thiếu hụt về năng lực của cán bộ y tế tuyến cơ sở. Trọng tâm đào tạo, tập huấn của Dự án tập trung vào nhóm năng lực cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh và quản lý một số vấn đề sức khỏe ưu tiên tại tuyến y tế cơ sở như tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư cổ tử cung, chăm sóc bà mẹ trẻ em, lao và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, châm cứu và phục hồi chức năng…

Để đảm bảo tính bền vững của công tác nâng cao năng lực, dự án xây dựng kế hoạch đào tạo tổng thể với nguyên tắc hai bước: Đào tạo đội ngũ giảng viên tuyến tỉnh (TOT) và Tập huấn cán bộ y tế cơ sở. Với cách làm này, đội ngũ “Giảng viên máy cái” sau khi được đào tạo đã đồng loạt tiến hành tập huấn nâng cao năng lực cho toàn bộ cán bộ của tuyến xã trên địa bàn 13 tỉnh Dự án. Tỷ lệ bao phủ cán bộ y tế xã được tập huấn là cao. Đội ngũ giảng viên tuyến tỉnh ngoài việc tập huấn cho các cán bộ tuyến xã còn tiếp tục công tác giám sát hỗ trợ "cầm tay chỉ việc" sau khi Dự án kết thúc để đảm bảo khả năng duy trì bền vững.

Nhân viên y tế theo dõi sổ sức khoẻ điện tử tại Trạm Y tế xã Thanh An, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Đến nay, đội ngũ giảng viên tuyến tỉnh, giám sát viên tuyến huyện được đào tạo là 1857 lượt người (đạt 96% so với kế hoạch đào tạo tổng thể). Tổng số cán bộ y tế xã được tập huấn là 24.346 lượt người (đạt 85,2% so với nhu cầu đào tạo của các tỉnh).

Đối với các sáng kiến nâng cao chất lượng dịch vụ y tế tuyến xã, Dự án đã thiết kế và đưa vào áp dụng thí điểm Bảng điểm chất lượng để các trạm y tế tự đánh giá chất lượng dịch vụ, từ đó chủ động có kế hoạch cải thiện những dịch vụ còn chưa đạt tiêu chí theo bảng điểm. Ngân hàng Thế giới và Bộ Y tế đều đánh giá can thiệp này là điểm sáng về kỹ thuật, xét trên khía cạnh diện bao phủ, tới cuối năm 2024, tỷ lệ trạm y tế xã áp dụng dự kiến đạt 56%, cao hơn 2 lần so với kế hoạch ban đầu cũng như khía cạnh tác động tới chính sách. Do kết quả vượt mong đợi tại 13 tỉnh dự án, Bộ Y tế đã quyết định đánh giá sâu sáng kiến này để có cơ sở khoa học nhân rộng trên quy mô lớn hơn.

- Ngân hàng Thế giới ghi nhận đây là Dự án được đánh giá tốt nhất trong số các dự án y tế do Ngân hàng Thế giới tài trợ tại Việt Nam. Bà có thể đưa ra bài học kinh nghiệm triển khai Dự án trong thời gian qua để các dự án khác có thể học tập mô hình này?

Phó giáo sư Phan Lê Thu Hằng: Qua 4 năm triển khai thực hiện Dự án trong bối cảnh có nhiều yếu tố khách quan tác động không thuận lợi, Dự án đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý, có ý nghĩa thực tiễn không chỉ đối với giai đoạn còn lại của Dự án mà còn đối với các chương trình, dự án khác của ngành y tế.

Người dân đưa trẻ đến tiêm chủng tại Trạm Y tế xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Trước hết, sự thành công của Dự án phụ thuộc vào năng lực quản trị của các địa phương tham gia dự án, với tư cách là chủ đầu tư dự án thành phần trên địa bàn. Cụ thể, đó là năng lực chỉ đạo, điều phối của ủy ban nhân dân tỉnh; năng lực phối hợp giữa các ban ngành liên quan của tỉnh (Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Y tế, Ban Quản lý Dự án tỉnh) và năng lực quản lý điều hành của Ban Quản lý Dự án tỉnh.

Các tỉnh cần kiên trì theo đuổi mục tiêu dài hạn Dự án đã xác định nhưng cần linh hoạt trong các giải pháp thực hiện cho phù hợp với những thay đổi trong bối cảnh, môi trường triển khai thực hiện. Hoạt động điều phối, hỗ trợ, hướng dẫn, giám sát thường xuyên, liên tục của Ban Quản lý Dự án Trung ương và Ngân hàng Thế giới đối với các tỉnh Dự án có ý nghĩa rất quan trọng, đặc biệt trong bối năng lực quản trị dự án của nhiều tỉnh tương đối hạn chế.

Đặc biệt, mô hình bảng kiểm chất lượng áp dụng cho các trạm y tế xã do chuyên gia của Ban Quản lý Dự án Trung ương thiết kế hay mô hình quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế xã với sự hỗ trợ kỹ thuật của các đơn vị được đánh giá là những điểm sáng về kỹ thuật của Dự án.

- Xin trân trọng cảm ơn Phó giáo sư!