Đầu tư gần 22 tỷ đồng tu bổ di tích Hắc Y - "Hoàng thành" của Yên Bái

Các nhà khoa học lịch sử nhận định, đây là quần thể kiến trúc Phật giáo quy mô lớn, tương đương trung tâm văn hóa Phật giáo thời bấy giờ, được ví như "Hoàng thành của Yên Bái."

Dự án tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử-khảo cổ học Hắc Y gắn với phát triển du lịch xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên được Ủy ban Nhân dân tỉnh Yên Bái đầu tư với tổng vốn gần 22 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành sau 3 năm.

Theo Quyết định số 1326/QĐ-UBND ngày 26/7/2023 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Yên Bái về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình đầu tư tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử-khảo cổ học Hắc Y gắn với phát triển du lịch xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái.

Dự án được khởi công từ 12/12/2024, thực hiện trong 3 năm kể từ năm đầu bố trí kế hoạch vốn.

Công trình gồm 2 hạng mục với số vốn 21.945 triệu đồng. Các hạng mục công trình xây dựng mang phong cách kiến trúc giả cổ truyền thống.

Trong đó, khu vực đền và chùa Đại Cại có diện tích 49.500m2 sẽ giữ nguyên hiện trạng chùa Đại Cại; hạ giải đền Đại Cại cũ và các mái che được nhân dân phục dựng tạm hiện đã hư hỏng để bố trí các hạng mục nhà đền, nhà đón tiếp, sắp lễ, sân tổ chức lễ hội và các hạng mục phụ trợ khác. Tổng vốn trên 10 tỷ đồng, hoàn thành cuối năm 2025.

Đối với khu vực khảo cổ chùa Bến Lăn có diện tích đất 137.500m2 sẽ hạ giải kết cấu mái che cũ đã hỏng để bố trí xây dựng các hạng mục nhà đón tiếp kết hợp trưng bày hiện vật và bảo vệ; xây dựng nhà khảo cổ số 1, số 2 để bảo vệ các khu khảo cổ đã được khai quật và đón khách tham quan; xây dựng hệ thống sân, đường nội bộ, bãi để xe, khuôn viên cây xanh và các hạng mục phụ trợ khác. Hạng mục này hiện đang được tỉnh hoàn tất các thủ tục đầu tư.

Sư cô Thích Đàm Hạnh Thường, Trụ trì chùa Tháp Bảo Thượng Miên, Quản lý đền Đại Cại cho biết, Di tích lịch sử-khảo cổ học Hắc Y có ý nghĩa rất lớn về tâm linh và đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân địa phương.

Theo thời gian, công trình bị xuống cấp nghiêm trọng, cần được bảo vệ. Việc tu bổ, tôn tạo di tích sẽ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân và để di tích tồn tại lâu dài trước tác động của khí hậu, thời tiết.

Qua đó, góp phần bảo tồn, phục hồi và phát huy các giá trị nổi bật, nguyên gốc của di tích.

Di tích Hắc Y được công nhận Di tích Lịch sử - Khảo cổ học cấp quốc gia năm 2001. (Ảnh: Đinh Thùy/TTXVN)

Những ngày giữa tháng 12, ghi nhận của phóng viên tại đường vào Khu di tích Hắc Y-Đại Cại, hàng trăm mét bờ kè bị vỡ, gẫy, sụp, sụt; đường vào khu di tích bị sạt lở nghiêm trọng; tường rào bao quanh khu vực đền-chùa Đại Cại bị gẫy đổ.

Ông Triệu Văn Huấn, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lục Yên cho biết, di tích này có giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh vô cùng quan trọng. Trải qua quá trình sử dụng lâu dài, đặc biệt sau bão số 3, một số hạng mục, công trình bị ảnh hưởng, hư hỏng cần được tu bổ, tôn tạo.

Tuy nhiên, dự án tu bổ, tôn tạo di tích được phê duyệt trước bão số 3, nên toàn bộ khu vực sạt lở đường, bờ kè và tường rào bị ảnh hưởng sau bão vẫn chưa được tỉnh bố trí kinh phí để sửa chữa.

Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lục Yên mong muốn tỉnh Yên Bái sớm quan tâm, bố trí nguồn vốn để sửa chữa tuyến đường, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, du khách khi đến thăm quan và dâng hương.

Di tích lịch sử-khảo cổ Hắc Y, ở xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên được phát hiện vào năm 1995. Đây là một quần thể di tích kiến trúc tôn giáo-tín ngưỡng đình-đền-chùa và các công trình phụ trợ khác gồm núi Thần áo đen (Hắc Y), chùa tháp Hắc Y, chùa Dõng, đền Đại Cại, chùa Thượng Miện, chùa Bến Lăn, ao Vua, trường đua, được trải khắp trên diện tích khoảng 2km2.

Qua nhiều lần khai quật, các nhà khảo cổ phát hiện tại quần thể di tích này nhiều hiện vật có hình dạng và niên đại giống với những hiện vật được khai quật ở Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội như gạch, ngói, đá chân cột, lá đề, sen, cúc, tượng đất nung linh vật các loại như đầu rồng, phượng... cùng đồ thờ, đồ gốm sứ có niên đại thời Trần (thế kỷ XIII-XIV).

Các nhà khoa học lịch sử nhận định, đây là quần thể kiến trúc Phật giáo quy mô lớn, tương đương trung tâm văn hóa Phật giáo thời bấy giờ, được ví như "Hoàng thành của Yên Bái."

Năm 2001, Di tích Hắc Y được công nhận Di tích lịch sử-khảo cổ học cấp quốc gia.

Hằng năm, vào ngày 16 tháng Giêng, người dân địa phương cùng đông đảo du khách đến dâng hương bày tỏ lòng thành kính bậc tiền nhân đã có công dạy nhân dân khai sơn, lập ấp và cầu mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Trải qua nhiều thế hệ, nơi đây trở thành địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng tại Yên Bái./.