Dấu thời gian ở làng nghề làm đồ chơi Trung Thu truyền thống
Cho dù thời gian biến đổi, đồ chơi ngoại nhập đầy thị trường, những người thợ làng Ông Hảo (Hưng Yên) vẫn cần mẫn với nghề thủ công làm mặt nạ giấy bồi, đầu sư tử, trống ếch... cho Tết Trung Thu.
Không khí Tết Trung Thu đã tràn ngập trên các phố phường Hà Nội với tiếng trống thùng thình rộn ràng khắp nơi và sắc màu rực rỡ của các loại đồ chơi truyền thống bày bán ở các cửa hiệu.
Sau một thời gian bị “thất sủng” do sự xâm nhập của đồ chơi Trung Quốc, những năm gần đây, những đồ chơi dân gian như các loại đèn Trung Thu thủ công, mặt nạ giấy bồi, trống ếch, đầu sư tử… đã quay trở lại thị trường và được người tiêu dùng hào hứng đón nhận.
Đó là tín hiệu vui đối với những làng nghề làm đồ chơi truyền thống nói chung và người dân làng Ông Hảo, hay còn gọi là làng Hảo, thuộc xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, nói riêng.
Ngôi làng nằm cách Hà Nội khoảng 30km này là một trong những làng nghề làm đồ chơi Trung Thu truyền thống lâu năm và hiếm hoi ở miền Bắc.
Sản phẩm đồ chơi Trung Thu của làng Hảo nổi tiếng nhất là mặt nạ giấy bồi, đầu sư tử và trống ếch - những đồ chơi gắn liền với tuổi thơ của lớp người lớn tuổi.
Những năm gần đây, bắt đầu từ khoảng tháng Bảy âm lịch, thương lái từ khắp nơi đã nườm nượp về làng để nhận hàng đưa ra thị trường.
Để chuẩn bị hàng hóa, từ trước Rằm tháng Tám khoảng 2-3 tháng, những người thợ làng Hảo đã bắt tay vào thực hiện công đoạn hoàn thiện những đồ chơi thủ công cho đêm Trung Thu.
Từ các nguyên liệu đơn giản như các loại giấy trắng, giấy báo và bìa carton tái chế cùng với hồ dán nấu từ bột sắn, những người thợ sẽ bồi chúng thành những chiếc mặt nạ, đầu sư tử sinh động và ngộ nghĩnh.
Nhìn bề ngoài, mặt nạ giấy bồi có vẻ đơn giản, dễ làm nhưng để có được sản phẩm hoàn hảo, nghệ nhân phải tốn khá nhiều công sức với ba công đoạn gồm bồi thô, sơn vẽ và hoàn thiện đóng gói.
Đầu tiên là tạo hình mặt nạ bằng cách bồi giấy bìa, giấy báo, giấy vở cũ lên khuôn ximăng đúc sẵn (trước đây là khuôn bằng đất nung hoặc bằng gỗ).
Mặt nạ thường được bồi thô ba lớp giấy, lớp trong cùng là lớp lót; lớp giữa bồi bìa carton và bên ngoài sẽ được bồi giấy trắng. Người thợ sẽ dùng hồ bột sắn để kết dính các lớp giấy này.
Bồi xong, mặt nạ được mang đi phơi khô tự nhiên từ 1-3 ngày tùy điều kiện thời tiết để giữ nguyên hình dạng.
Sau khi mặt nạ khô, người thợ sẽ tô màu - khâu quan trọng để quyết định phần “hồn” của chiếc mặt nạ. Cứ tô xong một lớp thì phải chờ khô mới được tô lớp kế tiếp. Sau khi tạo hình xong, mặt nạ sẽ được sơn một lớp phủ bóng để giữ màu.
Trong số các mặt nạ giấy bồi thì đầu sư tử làm khó hơn vì nhiều chi tiết cầu kỳ, nhưng giá thành cao hơn.
[Thưởng lãm các mẫu đèn Trung Thu cổ tại Hoàng Thành Thăng Long]
Những chiếc mặt nạ giấy bồi không chỉ là thứ đồ chơi mua vui cho trẻ đêm Trung Thu mà còn mang những thông điệp sâu sắc. Mặt nạ ông Địa tròn trịa, sắc thái vui tươi tượng trưng cho sự no đủ, sung túc, mùa màng bội thu. Mặt nạ hình Thỏ ngọc biểu trưng cho ước vọng cuộc sống bình yên, đất trời hài hòa, thiên nhiên tươi đẹp.
Chiếc mặt nạ đầu sư tử (đầu lân) đầy sắc đỏ uyển chuyển, linh hoạt vờn múa trong tiếng trống ếch thùng thình cùng ông Địa cầm quạt không chỉ là tiết mục múa sôi động cho trẻ con mà còn là biểu trưng cho sự khởi đầu hưng thịnh.
Ông Vũ Huy Đông, một nghệ nhân lâu năm của làng Hảo, cho biết những người thợ của làng có thể sản xuất hơn 20 loại mặt nạ giấy bồi, lúc đầu chỉ là đầu sư tử, mặt nạ Tễu, ông Địa, thằng Bờm, Thỏ ngọc, về sau có thêm mặt nạ Chí Phèo, Thị Nở, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới…. Vài năm nay, làng còn làm cả mặt nạ các nhân vật hoạt hình như Batman, Người nhện.
Được làm hoàn toàn thủ công với những nguyên liệu tự nhiên, an toàn với sức khỏe, những chiếc mặt nạ giấy bồi làng Hảo được cả trẻ con và người lớn rất yêu thích.
Năm nay, giá bán mặt nạ từ 20.000-150.000 đồng tùy loại, luôn trong tình trạng cháy hàng khiến người làm nghề rất phấn khởi. Ông Đông cho biết hiện gia đình ông đã bán được hơn 10.000 sản phẩm và phải huy động người làm thêm để kịp giao cho khách hàng kịp đón Trung Thu.
Làng Hảo còn nổi tiếng với nghề làm trống ếch. Những chiếc trống ếch làng Hảo sơn đỏ, tiếng đanh, được ưa chuộng không kém những chiếc mặt nạ giấy bồi.
Công đoạn làm trống của nghệ nhân làng Hảo còn cầu kỳ hơn làm mặt nạ giấy bồi.
Một nghệ nhân trong làng cho biết để hoàn thiện hàng nghìn chiếc trống phục vụ thị trường dịp Tết Trung Thu, người thợ phải mất gần một năm chuẩn bị, từ khâu chọn mua gỗ (gỗ mỡ hoặc gỗ bồ đề) làm tang trống, đến khâu nhập da trâu, bò về xử lý bằng nước vôi.
Tiếp đó phơi da đến khi đủ độ rồi mới cắt thành từng miếng tròn làm mặt trống, sau đó mang đi ráp với tang trống, gọi là bưng trống.
Quy trình bưng trống là công đoạn cần sự khéo léo của những thợ lành nghề. Nếu bưng quá căng, trống sẽ không tròn tiếng, ngược lại, nếu quá chùng thì tiếng sẽ non, sản phẩm nhanh hỏng.
Trống bưng xong lại tiếp tục mang phơi khô 1-2 nắng rồi mới đến khâu sơn tang trống và vẽ hoa văn trang trí cho bắt mắt trước khi xuất xưởng. Trống chuẩn khi đánh lên sẽ có tiếng vang, giòn và đanh - âm hưởng góp phần tạo nên không khí lễ hội của Tết Trung Thu.
Vậy là từ ngôi làng nhỏ, những lô hàng đồ chơi Trung Thu dân gian tỏa đi khắp các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nam Định, Hải Phòng, Hải Dương…, mang niềm vui đến cho những em thơ đang nóng lòng chờ đêm hội trông Trăng và mang lại cả những khoảnh khắc trở về tuổi thơ cho nhiều bậc cha mẹ.
Ánh Trăng có thể bị lu mờ bởi ánh đèn điện nhưng Trăng vẫn sẽ luôn tròn khi đến Rằm. Sức sống của những đồ chơi cổ truyền cũng thế, mộc mạc, khiêm nhường nhưng vẫn mang trong mình sứ mệnh trao truyền văn hóa giữa các thế hệ, để ngày Trung Thu mãi luôn là Tết đoàn viên, lễ hội hướng về gia đình./.