Đâu là động lực tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong năm 2025?

Theo các chuyên gia, chính sách tiền tệ Việt Nam năm 2025 sẽ phụ thuộc nhiều vào nhiều yếu tố, trong đó có ảnh hưởng từ quốc tế với xu hướng tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Các diễn giả thảo luận tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025. (Ảnh: Hứa Chung/TTXVN)

Tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 với chủ đề "Khai thông & Bứt phá" do trang VietnamBiz và Việt Nam Mới tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh ngày 8/11, các chuyên gia cho rằng mặc dù còn nhiều khó khăn thách thức liên quan đến rủi ro thương mại toàn cầu song kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng tích cực trong năm 2025.

Thúc tăng trưởng ở khối đầu tư tư nhân

Theo ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, dù có nhiều thách thức song bối cảnh kinh tế vĩ mô 2024-2025 cho thấy Việt Nam có nhiều cơ hội tăng trưởng. Năng lực quản trị, điều hành của Chính phủ và thể chế được cải thiện, có nhiều quyết sách đầu tư mới, mở ra cơ hội lạc quan hơn trong những năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, kinh tế đối ngoại của Việt Nam trong 2-3 năm trở lại đây phát huy rất tốt, mở ra nhiều cơ hội giao lưu kinh tế, thương mại, đầu tư cho Việt Nam.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, phát biểu tại diễn đàn. (Ảnh: Hứa Chung/TTXVN)

Cụ thể hơn, ông Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương, cho rằng động lực tăng trưởng của kinh tế Việt Nam từ trước đến nay vẫn đặt ở phía cầu.

Năm 2025, Việt Nam có động lực rất lớn là năm cuối cùng của nhiệm kỳ 2021-2025 và năm cuối bao giờ cũng rất quyết tâm trong điều hành và tổ chức thực hiện. Động lực tăng trưởng năm 2025 sẽ được dẫn dắt từ cầu đầu tư; trong đó đầu tư Nhà nước là một phần. Cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, đầu tư của tư nhân sẽ tăng lên, ông Nguyễn Tú Anh nhận định.

Theo ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), năm 2025, bối cảnh kinh tế thế giới biến động khó lường.

Ông Nguyễn Bá Hùng cho rằng trong năm 2024, xuất nhập khẩu và đầu tư là động lực rất tốt cho Việt Nam. Đầu tư nước ngoài tiếp tục tích cực nhưng xuất khẩu tăng trưởng nhanh lại dựa trên nền yếu của năm trước. Sang năm 2025, thị trường thế giới hạ nhiệt, triển vọng xuất khẩu có thể sẽ không duy trì được như năm nay.

Nhìn lại động lực trong nước, tiêu dùng còn yếu, chi tiêu Chính phủ, bao gồm đầu tư công thấp hơn kế hoạch. Đây có thể là dư địa để biến thành động lực tăng trưởng mới trong năm 2025.

"Năm nay, đầu tư tư nhân ghi nhận khá yếu, thể hiện được tăng trưởng tín dụng khó khăn. Trong bối cảnh cầu nội địa, đầu tư nội địa yếu, cần dựa vào dư địa tăng chi tiêu Chính phủ. Như vậy, động lực tăng trưởng nằm trong tay Chính phủ, bao gồm cả chi tiêu ngân sách và đầu tư công. Đòn bẩy là chi tiêu công, kích cầu nội địa kéo đầu tư nội địa và tiêu dùng tăng lên," ông Nguyễn Bá Hùng nhận định.

Chính sách tiền tệ tiếp tục hỗ trợ cho tăng trưởng

Theo các chuyên gia, chính sách tiền tệ Việt Nam năm 2025 sẽ phụ thuộc nhiều vào nhiều yếu tố, trong đó có ảnh hưởng từ quốc tế với xu hướng tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Tuy vậy, nhiều khả năng năm 2025, Fed sẽ phải tiếp tục cắt giảm lãi suất, bởi chính sách tài khóa của Mỹ đã đến giới hạn, muốn tăng trưởng sẽ phải tập trung vào chính sách tiền tệ, dẫn đến hạ lãi suất. Nhờ đó, Việt Nam có dư địa để tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, hỗ trợ tốt hơn cho tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, dòng đầu tư nước ngoài trong năm 2025 được nhận định sẽ tăng lên, không chỉ từ những thị trường truyền thống mà từ Trung Quốc và những nước lân cận, kéo theo cung tiền ra tốt hơn. Điều này cũng góp phần tháo gỡ khó khăn của thị trường, doanh nghiệp trong bối cảnh cung tiền tăng chậm trong năm 2024.

Quang cảnh diễn đàn. (Ảnh: Hứa Chung/TTXVN)

Theo ông Nguyễn Tú Anh, trong 9 tháng qua, tăng trưởng tín dụng 8,8%, không thấp so với cùng kỳ những năm trước, nhưng cung tiền M2 (thước đo lượng tiền dự trữ) lại tăng thấp.

"Cung tiền M2 tăng thấp dẫn lãi suất không giảm được. Tốc độ tăng huy động trên hệ thống ngân hàng chỉ 5,8% làm chi phí huy động vốn của ngành ngân hàng tăng lên. Do đó, một trong những đột phá được kỳ vọng trong năm 2025 là tiền đầu tư công sẽ được đẩy ra nhanh hơn, giảm bớt tiền ở Kho bạc Nhà nước. Khi đó, tiền ra thị trường nhiều, thị trường huy động dễ dàng hơn, giảm áp lực cho ngân hàng có thể duy trì được lãi suất thấp," ông Nguyễn Tú Anh phân tích.

Ở góc độ ngân hàng, ông Trần Hoài Nam, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phầnP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) cho rằng nguồn vốn đáp ứng cho nền kinh tế không thiếu. Dù tăng trưởng huy động hiện đang thấp hơn tăng trưởng tín dụng nhưng nếu nhìn vào thực tế, bản thân các ngân hàng thương mại phải tự cân đối tỷ lệ cho vay/huy động thì vốn không hề thiếu. Mức độ thanh khoản của ngành ngân hàng hiện nay hoàn toàn đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng 15% trong năm nay và năm tới khoảng 14-15%, đảm bảo hỗ trợ cho mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2025.

Trường hợp Fed vẫn tiếp tục giảm lãi suất, ông Nam cho rằng về mặt lý thuyết, lãi suất Việt Nam có thể có xu hướng giảm theo. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận về cung tiền, khả năng giảm lãi suất không cao và có thể duy trì ở mức hiện nay. Việc duy trì lãi suất ở mức độ hiện nay đã là rất tốt nhưng nếu giảm hơn sẽ hỗ trợ nền kinh tế tốt hơn.

Giới phân tích kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ như hiện nay và sẽ có chính sách linh hoạt để duy trì lạm phát, lãi suất và tỷ giá, từ đó hỗ trợ tăng trưởng GDP Việt Nam đạt mục tiêu 6,5-7% trong năm 2025./.